Hút thuốc lá có thể dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe và là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư phổi. Đáng sợ hơn nữa, việc hít phải khói thuốc lá thụ động cũng nguy hiểm không kém. Tuy đã được tuyên truyền rộng rãi, nhưng nhiều người vẫn hút thuốc lá mỗi ngày vì nghiện không bỏ được. Thậm chí, nhiều ông bố còn vô tư hút thuốc khi trong nhà có trẻ con và người lớn tuổi.
Ông İbrahim Yücel, (đến tử Thổ Nhĩ Kỳ) cũng là một người nghiện thuốc lá nặng và đã hút liên tục trong 26 năm. Điều đó có nghĩa là vợ và 3 đứa con của ông đã phải chịu đựng khói thuốc lá trong ngần ấy năm trời. Dù đã tìm mọi cách để cai thuốc lá, nhưng ông Ibrahim Yücel vẫn "chứng nào tật nấy" và không bao giờ "nhịn" quá được vài ngày.
Mặc dù được gia đình, bạn bè khuyên can và chính bản thân ông cũng nhận thức được tác hại của việc hút thuốc lá, nhưng ông Ibrahim vẫn không thể bỏ được thói quen này. Năm 2013, bố của ông qua đời vì ung thư phổi do hút thuốc lá. Đến lúc này ông Ibrahim mới bừng tỉnh và nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề.
Để cai nghiện, ông đã chế tạo ra một chiếc mũ như lồng chim và đưa chìa khóa cho vợ và con gái giữ.
Ông quyết tâm cai thuốc lá bằng được, nhưng biết những cách thông thường sẽ không có tác dụng nên ông Ibraham quyết định chế tạo ra một chiếc mũ khóa đầu để đội. Chiếc mũ này có hình dáng giống lồng chim và có những sợi dây đồng đan ngang để ông không thể nhét điếu thuốc qua đó. Chiếc mũ này có 2 cơ chế khóa và ông đã đưa chìa khóa cho vợ và con gái giữ.
Tuy nhìn có vẻ "bất thường" nhưng nhờ đó mà ông Ibraham đã cai nghiện thành công và không động đến một điếu thuốc lá nào nữa.
Tác hại của thuốc lá đối với trẻ em
Hút thuốc lá vô cùng có hại cho sức khỏe. Đặc biệt trẻ em với sức đề kháng yếu nếu hít phải khói thuốc lá thụ động liên tục sẽ gặp nguy hiểm đến tình mạng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.
Theo một nghiên cứu mới đây tại Đại học bang San Diego (Mỹ), khói thuốc lá còn lưu lại trong phổi, trong hơi thở của bạn, thậm chí còn lưu lại trong nhà bạn đến tận 6 tháng. Chính vì thế, việc tránh đi chỗ khác hút thuốc hay không hút thuốc trong nhà khi có trẻ em gần như không có tác dụng.
Tiến sĩ Annie Lintzenich Andrews - nhà nghiên cứu chuyên khoa Nhi tại trường Đại học Y khoa South Carolina (Mỹ) cũng cho biết. "Những hậu quả tiêu cực con nhận được khi là người hút thuốc thụ động không xuất hiện ngay lập tức. Nên phụ huynh không hề đề cao nhận thức về vấn đề này".
Cách đây ít lâu, một em bé ở Hà Nội đã bị nôn ra máu sau khi chơi với bố vừa bị hút thuốc lá xong. Mẹ của bé, chị Bùi Thanh Huyền cho biết con gái chị đã nôn ra máu 7 lần/ngày. Khi đưa đi viện, bác sĩ phát hiện bé bị tổn thương mũi họng dẫn đến viêm. Chỉ trong vài ngày, con gái chị đã tụt cân từ 12kg xuống còn 8,6kg, người không đứng vững.
Ảnh hưởng của khói thuốc lá đến trẻ em
Đây là những căn bệnh mà trẻ sẽ phải đối mặt nếu hít phải khói thuốc lá quá nhiều:
- Nhiễm trùng tai.
- Ho và cảm lạnh.
- Các vấn đề về hô hấp, như viêm phế quản và viêm phổi.
- Sâu răng.
Trẻ em hít phải khói thuốc thụ động hay bị thở khò khè và lâu khỏi nếu bị cảm lạnh. Ngoài ra hút thuốc lá thụ động còn gây ra các triệu chứng khác bao gồm nghẹt mũi, nhức đầu, đau họng, kích ứng mắt và khàn giọng.
link gốc: https://afamily.vn/biet-duoc-tac-hai-cua-thuoc-la-doi-voi-tre-em-ban-se-hieu-duoc-tai-sao-nguoi-dan-ong-nay-lai-lam-mu-khoa-dau-de-cai-thuoc-20200110193540467.chn?fbclid=IwAR1lpYZRB7nbKiaKAjanE0n2bUQBfEdwBPyfEMcR6xdtKZPi1jD16CSliJg
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.