Có con là bước ngoặt đánh dấu cuộc sống của bạn sẽ mãi mãi thay đổi, không riêng gì các mẹ mà cả các ông bố cũng vậy. Sẽ thật may mắn khi bạn là người có chồng sẵn sàng chia sẻ mọi việc chăm con từ chuyện thay bỉm, giặt giũ, cho con bú hay đêm hôm thức dỗ con khóc... Còn các ông bố, không ít người sẵn lòng giúp đỡ vợ chuyện chăm con nhưng họ cũng có nỗi khổ riêng khi vừa phải đi làm, vừa phải đảm nhận thêm các việc vặt hàng ngày.
Mới đây, một ông bố bỉm sữa đã lên mạng tâm sự nỗi khổ của mình mà khi nhìn bức ảnh, ai đã và đang nuôi con nhỏ cũng kịp hiểu ra vấn đề. Ông bố này cho biết mỗi ngày đi làm về, anh chỉ cần "nhìn xuống bàn rồi câm lặng". Nguyên nhân chính là bởi đống sản phẩm của 2 nhóc tỳ để lại sau một ngày dài.
Ông bố này cho biết thêm rằng vợ chồng anh có 2 bé, 1 bé được 1 tuổi 7 tháng, một bé mới chưa đầy 2 tháng. Các bé đều dùng sữa công thức và thường sẽ bú bình theo cữ 4 giờ một lần. Có lẽ vì không có ông bà giúp đỡ nên mẹ bé phải ở nhà 1 tay "cân" cả hai. Khỏi phải nói, người mẹ ở nhà trông con với 2 nhóc tỳ bé bỏng như vậy sẽ phải quay chong chóng thế nào. Vậy nên mới có chuyện mỗi ngày đi làm về, ông bố sẽ đối mặt với cả rổ bình sữa bẩn chưa được rửa tích lại sau 1 ngày.
Ông bố còn hài hước đùa rằng "Ngày nào cũng được tắm biển... bình sữa". Thực sự, khi nhìn thấy bức ảnh, ai cũng đồng cảm cho cảnh con mọn mà ông bố phải đối mặt. Ai cũng dành những lời khen ngợi cho ông bố vì đã sẵn sàng chia sẻ gánh nặng chăm con cùng vợ. Song một số mẹ cho rằng cách gom bình sữa đã dùng lại rửa 1 lần như thế này không đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, nhất là các em bé sơ sinh khi hệ tiêu hóa còn yếu.
Nguyên nhân do gom bình sữa cả ngày lại để rửa 1 lần sẽ rất khó rửa sạch. Không những thế những giọt sữa đọng lại ở mép bình, núm ti trở thành cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dù chỉ là vài giọt sữa mà mắt thường không nhìn thấy được. Đây cũng nguyên nhân dễ làm trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Dưới đây là một số bước rửa bình sữa đúng cách, các bố mẹ đang nuôi con nhỏ cần biết:
- Tháo rời từng bộ phận của bình sữa, nhất là phần núm silicon.
- Cho tất cả các bộ phận đã tháo rời vào chậu nước sạch tráng, súc qua nước một lần. Sau đó dùng nước rửa bình sữa chuyên dụng và cọ bình sữa để kì cọ sâu xuống đáy bình, các khe mép núm ti, cổ bình, mặt trong mặt ngoài thân bình sữa.
- Tráng sạch lại từng bộ phận với nước.
- Luộc bình sữa bằng nước sôi sau đó phơi thật khô. Các mẹ có thể dùng máy tiệt trùng kiêm sấy khô cho tiện, tiết kiệm thời gian.
Nhiều mẹ thường có thói quen khi nào pha sữa cho con mới đi tiệt trùng bình sữa, đây là cách làm sai lầm bởi vi khuẩn sản sinh rất nhanh. Cách tốt nhất là bình sữa cần phải được tiệt trùng ngay sau khi rửa và sau đó bảo quản ở nơi khô ráo, tránh bụi bẩn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.