Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho địa phương theo ý kiến phụ huynh

(lamchame.vn) - Để đảm bảo việc có nhiều bộ hoặc nhiều cuốn sách giáo khoa (SGK) được tồn tại và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ cho phép phụ huynh được lựa chọn loại sách giáo khoa phù hợp với con mình.

Cụ thể, theo thông tư sắp ban hành của Bộ Giáo dục và đào tạo, các bộ sách hoặc cuốn sách được hội đồng thẩm định đánh giá là "Đạt" sẽ được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định phê duyệt, cho phép sử dụng.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, để đảm bảo mỗi cuốn sách được chọn thực sự vì người học chứ không vì sự can thiệp bởi lợi ích nhóm, Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở theo nguyện vọng của phụ huynh và người học.

Sắp tới học sinh sẽ được chọn bộ sách giáo khoa phù hợp.

Thông tư cũng sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của sở, phòng GD-ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lí, lựa chọn, sử dụng SGK. Ngoài ra cũng có chế tài xử lí nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, phụ huynh.

Tuy nhiên, ông Thành cũng dự báo: Lần đầu tiên đứng trước việc phải lựa chọn SGK có thể khiến phụ huynh, học sinh và người dân gặp phải bỡ ngỡ nhất định. Vì vậy bộ sẽ tăng cường truyền thông để học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường chủ động thực hiện.

Mặt khác, từ nhiều năm nay, Bộ đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Do đó, cùng với việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực, hoạt động dạy học hiện đã không còn quá lệ thuộc vào SGK.

Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK do Bộ chủ trì biên soạn với các sách khác, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.

Hiện nay, dự thảo các Chương trình môn học đã được các hội đồng quốc gia thẩm định và thông qua. Bộ GD-ĐT đang thực hiện các thủ tục theo quy định để ban hành Thông tư về Chương trình giáo dục phổ thông.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang