Bố mẹ hút thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ sơ sinh như thế nào?

(lamchame.vn) - Bố mẹ hút thuốc lá dù không ở chung phòng với con làm tăng nguy cơ nhập viện 56%, nếu cùng phòng là 73% và mẹ hút khi đang cho con bú là 95%.

Trong nghiên cứu có tên "Cha mẹ hút thuốc lá ảnh hưởng đến nhiễm trùng đường hô hấp của trẻ sơ sinh: Việc không hút thuốc cùng phòng với con quan trọng thế nào?" của các chuyên gia đến từ Úc (Leigh Blizzard, PhD, Anne-Louise Ponsonby, PhD, Terence Dwyer, MD, Alison Venn, PhD, and Jennifer A. Cochrane, BA) được trích trong cuốn "Am J Public Health xuất bản năm 2003" đã đưa ra kết luận:

"Bố mẹ hút thuốc lá dù không ở chung phòng với con làm tăng nguy cơ nhập viện 56%, nếu cùng phòng là 73% và mẹ hút khi đang cho con bú là 95%". 

Nghiên cứu này dựa trên việc khảo sát 4486 trẻ sơ sinh từ 0-12 tháng nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp ở Tasmania, Australia. Từ đó, họ cho biết cha mẹ không nên hút thuốc khi con có mặt ở trong phòng. Thậm chí, sau khi đã hút ở ngoài mới vào phòng vẫn có nguy cơ gây viêm phổi cho con vì khói thuốc, vi khuẩn từ người lớn lây cho bé.

Mẹ đang mang thai hút thuốc lá sẽ cản trở sự phát triển của con

Theo Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, hút thuốc có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của bào thai, gây cản trở sự phát triển của bào thai bằng một số cơ chế sau: Giảm ô-xy huyết trong bào thai vì khí các-bon mô-nô-xít và ảnh hưởng co giãn mạch của ni-cô-tin, thiếu khí ô-xy, giảm lượng máu tới tử cung, giảm axít a-min qua nhau thai tới bào thai và gây ra sự không bình thường ở màng của nhau thai và giảm lượng kẽm sẵn có (khoáng chất cần thiết để phát triển).

Phụ nữ càng hút thuốc nhiều trong thời gian mang thai thì cân nặng của trẻ khi sinh càng thấp. Trẻ có mẹ hút thuốc trong suốt thời gian mang thai có cân nặng thấp hơn mức trung bình xấp xỉ 200 - 250g so với trẻ mới sinh của phụ nữ không hút thuốc. Hút thuốc tăng nguy cơ (hơn 50% ở người hút thuốc ít và trên 100 phần trăm ở người nghiện thuốc), cân nặng của trẻ sẽ ít hơn 2500g.

Những trẻ em được gọi "nhẹ cân khi sinh" có thể phải chịu các ảnh hưởng xấu, bao gồm các vấn đề sức khoẻ lúc mới sinh, đẻ non, và chết khi nhỏ. Mối tương quan cũng thấy rõ giữa trọng lượng trung bình giảm khi lượng tiêu dùng thuốc lá tăng trong thời gian mang thai. Thậm chí tiêu dùng ít thuốc lá, ít hơn 5 điếu một ngày vẫn có thể giảm cân nặng của trẻ xấp xỉ 100g.

Bố mẹ hút thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ sơ sinh afamily

Trẻ có cha mẹ hút thuốc có nguy cơ bị viêm phổi

Những đứa trẻ nếu có cha hoặc mẹ hút thuốc lá có nguy cơ viêm phổi gấp 1,22 lần và nếu cả bố và mẹ là 1,54 lần. 2 vợ chồng chung sống với nhau, một người hút thuốc lá, người còn lại cũng bị tăng nguy cơ ung thư lên 20%.

Sau khi bố mẹ hút thuốc lá, khói sẽ vẫn tồn tại trong gian phòng dù có mở cửa hay làm mọi cách. Khói này không thể nhìn thấy nên nhiều bố mẹ vẫn nghĩ là không gây ảnh hưởng tới trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ nhỏ hít phải sẽ làm tê liệt hệ thống lông chuyển trong phổi và tê liệt lớp nhầy, ảnh hưởng đến khả năng tự bảo vệ đường thở của trẻ.

Lúc đó, trẻ sẽ đối mặt với các nguy cơ: nhiễm trùng phổi; thường có triệu chứng ho, thở khò khè hoặc mắc bệnh hen suyễn; dễ bị các bệnh về tai như viêm tai giữa; tăng nguy cơ đột tử, bị bệnh não mô cầu.

Người không hút thuốc cũng chịu tác động tiêu cực từ thuốc lá

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng nếu không hút thuốc thì sẽ không có hại, thế nên bố mẹ nhiều khi vẫn vô tư hút thuốc trước mặt con mà không biết rằng cả người hút lẫn người không hút đều phải chịu tác động như nhau. Cụ thể, với người lớn, dù đề kháng có tốt thì vẫn dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi họng, các bệnh về tim mạch hoặc nặng hơn là ung thư phổi.

Còn với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch và sức đề kháng còn quá non nớt thì việc hít phải khói thuốc lá là vô cùng nguy hiểm. Khi hít phải hơi thuốc, trẻ có nguy cơ lớn mắc các bệnh hô hấp như viêm phế quản và viêm phổi.

Trẻ nhỏ bị bệnh liên quan tới đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi rất lâu khỏi, có khả năng tái đi tái lại nhiều lần, thậm chí có không ít trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ là do mẹ hút thuốc lá. Đặc biệt, với các em bé có tiền sử hen phế quản nếu sống trong môi trường hút thuốc thì bệnh tình sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Hãy bảo vệ sức khoẻ con trẻ

Theo nghiên cứu trên, các chuyên gia khuyến cáo nếu đang có con nhỏ, cha mẹ và người lớn tuyệt đối không hút thuốc trước mặt hoặc nơi có mặt con. Tốt nhất, nên bỏ thói quen hút thuốc nhiều tác hại này vì tương lai và sức khoẻ của trẻ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang