Khả năng con bị hóc nghẹn vì một thứ gì đó là một suy nghĩ đáng sợ đối với bất kì ông bố bà mẹ— và một đoạn video trên Instagram đã cho thấy điều đó có thể xảy ra dễ dàng như thế nào.
Đoạn clip, được đăng trên trang Instagram của Tiny Hearts Education, một tổ chức chuyên hỗ trợ mọi mặt về nuôi dạy và chăm sóc con tại Australia, cho thấy một mẹo đơn giản để xác định xem thứ gì đó có phải là nguy cơ gây hóc nghẹn hay không.
"Đây là cách tôi kiểm tra xem liệu thức ăn hoặc các vật dụng nhỏ có thể tiềm ẩn nguy cơ gây nghẹt thở cho các con của tôi hay không", bà mẹ viết trong phần chú thích của video. Trong video, cô đang tạo ra một vòng tròn với ngón cái và ngón trỏ. "Vòng tròn có kích thước xấp xỉ đường thở của một đứa trẻ ở độ tuổi lên ba. Nếu bất cứ thứ gì có thể lọt vào lỗ này, thì đó là một nguy cơ gây nghẹt thở".
Sau đó, bà mẹ này cũng thả một vài món đồ qua vòng tròn đó để cho mọi người thấy có bao nhiêu mối nguy cơ lọt qua.
Hàng trăm ông bố bà mẹ đã để lại lời cảm ơn vì lời chia sẻ vô cùng hữu ích, rất nhiều người cũng cho biết rằng mẹo nhỏ này cũng đặc biệt quan trọng vào thời điểm này của năm, thời điểm nghỉ lễ với thêm rất nhiều món đồ bày bừa khắp nhà.
Mẹo kiểm tra nguy cơ gây hóc nghẹn cho trẻ nhỏ
Tiny Hearts Education cũng đã bình luận sau bài đăng: "Mẹo nhỏ này được tạo ra để giúp bạn tìm ra những mối nguy hiểm gây hóc nghẹn và có khả năng cứu sống đứa con nhỏ của bạn! Nó được thiết kế để cho bạn thấy một vật có thể dễ bị mắc kẹt trong đường thở của trẻ như thế nào và cách để ngăn chặn điều đó xảy ra.
Lấy ví dụ như quả nho, nếu không được cắt nhỏ ra, nó chắc chắn có thể chặn hoàn toàn đường thở. Bài đăng này giúp tạo nhận thức về một số vật thể tương đương với kích thước của đường thở và có thể là một mối nguy hiểm gây nghẹt thở. Vì vậy, mẹo này sẽ giúp bạn khi đưa ra quyết định mua đồ chơi và ngay cả khi chuẩn bị thức ăn cho bé nhà bạn."
Nếu trẻ lỡ may đã nuốt phải một vật gì đó gây hóc nghẹn, hãy lập tức thực hiện các bước sơ cứu sau đây:
1. Ho dị vật ra
Động viên trẻ ho dị vật đang kẹt trong cổ họng ra. Nếu không hiệu quả, hãy thử cách vỗ vào lưng.
2. Vỗ vào lưng
- Giúp trẻ gập người về trước và dùng cùi tay để vỗ 5 lần thật mạnh vào vị trí giữa 2 bả vai của trẻ.
- Kiểm tra miệng trẻ xem còn gì trong đó không. Nếu còn, hãy giúp trẻ ép bụng để đẩy dị vật ra.
3. Ép bụng
Đứng phía sau trẻ, tạo tư thế chân trước chân sau, hai chân lồng giữa 2 chân trẻ hoặc quỳ gối để cao ngang tầm trẻ. Cố gắng ép mạnh 5 lần vào bụng trẻ bằng cách:
- Choàng 2 tay ra trước ngang thắt lưng trẻ. Một tay nắm chặt, tay còn lại đặt lên tay kia để tạo lực.
- Đặt 2 tay lên vùng thượng vị của trẻ rồi ấn mạnh theo chiều từ dưới lên trên 5 lần.
Nếu trẻ vẫn bị hóc, hãy gọi ngay xe cấp cứu. Trong lúc đó, tiếp tục thực hiện bước 2 "vỗ lưng" và bước 3 "ép bụng" cho tới khi dị vật được đẩy ra; xe cứu thương tới hoặc trẻ không phản ứng.
Nếu trẻ không có phản ứng gì ở bất cứ giai đoạn nào, hãy mở miệng trẻ để kiểm tra hơi thở. Nếu trẻ không thở, tiến hành ngay hô hấp nhân tạo.
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bo-tui-ngay-meo-cuc-huu-dung-de-kiem-tra-nguy-co-hoc-nghen-cho-tre-nho-162202912110208117.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.