Bốn dấu hiệu nhận biết nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, chị em dễ bỏ qua những lấn cấn trong ứng xử ở thời kỳ làm quen hoặc yêu nhau. Chỉ đến khi trở thành vợ chồng, trải qua nhiều năm chung sống cùng nhau và phải chịu đựng bạo lực từ chồng thì người phụ nữ mới nhận ra rằng, những lấn cấn đó là dấu hiệu của bạo lực.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi yêu, bạn có thực sự hạnh phúc?

TS Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng, bạo lực thường có ngôn ngữ riêng, là cách mà người ta thường sử dụng trong cuộc sống chứ không phải là hành động tức thời hay bột phát như chúng ta vẫn thường nghĩ. Có những điều tưởng như rất cỏn con trong những ngày đầu gặp gỡ làm quen hoặc trong thời kỳ yêu nhau lại là “dấu hiệu” của bạo lực. Nhưng trên thực tế không mấy ai nhận thức được điều này.

Để có thể nhận biết được “chân tướng” của người đàn ông bạo lực trong thời kỳ yêu nhau, ngoài việc đánh giá về những đặc điểm tính cách tiềm ẩn như chúng tôi đã phản ánh trong bài “Khi người đàn ông dị ứng với chiếc váy đỏ hở vai” trên số báo 64, ra ngày 29/5/2018 thì các chuyên gia cũng đồng thời đưa ra 2 phương pháp nhận diện khác: Đánh giá mối quan hệ và nhận diện dấu hiệu sự ngược đãi.

Theo các chuyên gia lúc yêu nhau, đàn ông thường ít khi bộc lộ rõ bản chất của mình. Ông bà ta từng nói: “Không ai mang dùi đục đi hỏi vợ” là vậy. Bởi vậy, ngay khi còn hẹn hò, chị em cần tỉnh táo sáng suốt trong mối quan hệ của mình. Mối quan hệ tình cảm lành mạnh được xây dựng dựa trên tình yêu, sự tin tưởng và quá trình giao tiếp. Dấu hiệu của mối quan hệ lành mạnh là khi cả hai người đều có những khả năng sau: Chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ một cách cởi mở; Cảm thấy an toàn và hạnh phúc với nhau; Thừa nhận khi mình sai; Chia sẻ về điều mà mình ngưỡng mộ ở đối phương; Dành thời gian tham gia nhiều hoạt động khác với nhau: Gần gũi, vui đùa, trò chuyện nghiêm túc, chia sẻ trải nghiệm, v.v.

Các chuyên gia có lời khuyên đến các cô gái trẻ, cũng nên “thăm dò” về quan điểm của đối phương về mối quan hệ bình đẳng. Người đàn ông có tính bạo hành thường nghĩ rằng, nữ giới thấp kém hơn nam giới. Nếu người bạn đời tương lai của bạn bày tỏ suy nghĩ rằng đàn ông ở vị thế cao hơn phụ nữ, anh ta có thể sẽ không phải là đối tượng phù hợp với bạn, ngay cả khi anh ta không phải là kẻ bạo hành. Bạn nên chọn người biết tôn trọng bạn.

Một yếu tố khác cho thấy, mối quan hệ yêu đương của bạn không thực sự hạnh phúc như bạn nghĩ, đó là khi người yêu của bạn đang cố gắng cô lập bạn. Dấu hiệu cảnh báo sớm của mối quan hệ bạo hành hoặc kiểm soát đó chính là khi bạn trai của bạn cố gắng tách bạn khỏi người khác. Nếu anh ta tìm cách giới hạn khoảng thời gian mà bạn dành cho bạn bè hoặc gia đình, bạn nên thoát khỏi mối quan hệ này càng sớm càng tốt. Đây là xu hướng có thể tiếp tục và tăng cao cho đến khi nạn nhân hoàn toàn bị cô lập đến nỗi họ cảm thấy như thể họ không còn nơi nào để đi nếu họ muốn rời bỏ người ngược đãi họ…

Bốn dấu hiệu đỏ về sự ngược đãi

Theo các chuyên gia, việc nhận ra chân tướng thật của người đàn ông bạo lực thông qua việc đánh giá về những cá tính tiềm ẩn, về mối quan hệ của hai người thì các cô gái còn có thể phát hiện những ngôn ngữ bạo lực qua chính tình trạng của bản thân mình. Có bốn dấu hiệu đỏ về sự ngược đãi biểu hiện trên chính cảm xúc của chị em như sau:

1. Cảm thấy sợ người yêu của bạn

Sợ hãi trước người yêu hoặc trước sự giận dữ của anh ta không phải là điều bình thường. Nếu bạn chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu của mối quan hệ tình cảm và bạn lo cảm thấy lo sợ trước người yêu của bạn, bạn nên thoát khỏi mối quan hệ này ngay lập tức. Mối quan hệ này càng tiến triển lâu bao nhiêu thì sự ngược đãi càng trở nên tệ hại bấy nhiêu. Nạn nhân sẽ khó có thể rời bỏ người mình yêu ngay cả khi sự bạo hành đang ngày một gia tăng.

2. Bạn cảm thấy vô cùng có lỗi với người yêu

Cần phải xem rằng, bạn có thường cảm thấy có lỗi? Bạn có cảm thấy như là bạn đang khiến cho đối phương thất vọng, hay là bạn không đủ tốt đẹp? Đôi khi, tội lỗi thật sự là do bạn gây ra, nhưng bạn nên nhớ rằng người bạo hành có khả năng khiến nạn nhân cảm thấy có lỗi. Đây là một trong những công cụ mà họ thường sử dụng để giữ chân nạn nhân trong mối quan hệ.

Nếu cảm giác tội lỗi của bạn hoàn toàn xuất phát từ trong thâm tâm, bạn nên đến gặp nhà trị liệu để giải quyết nguyên nhân tiềm ẩn gây nên cảm giác này.

Nếu bạn đang bị thao túng hoặc bị dẫn dắt trong việc hình thành cảm giác tội lỗi, người bạn đời của bạn có lẽ đang tinh tế kiểm soát suy nghĩ và hành động của bạn.

3. Đánh giá xem liệu bạn có đang sử dụng thời gian theo cách bạn muốn

Một vài nạn nhân của mối quan hệ bạo hành cảm thấy như thể họ cần phải xin phép người yêu trước khi họ thực hiện một điều gì đó. Nếu bạn nhận thấy bản thân chỉ đang thực hiện điều mà người yêu của bạn muốn hoặc bạn phải hỏi xin phép người ấy để làm một việc gì đó, bạn có thể đang trở thành nạn nhân.

Bạn nên nhớ rằng, xin phép người ấy để làm một việc gì đó hoàn toàn khác với việc trò chuyện về cách mà bạn sử dụng thời gian của chính mình. Bạn có thể trò chuyện và đồng ý về điều bạn nên thực hiện mà không đánh mất quyền kiểm soát hành động của bản thân.

4. Bạn đang từ bỏ bạn bè và sở thích của bản thân.

Sẽ khá dễ dàng để bạn bị cuốn vào mối quan hệ mới, nhưng nếu bạn cảm thấy rằng bạn đang đánh mất bản thân, hãy lùi lại một bước. Bạn nên kết hợp mối quan hệ tình cảm mới mẻ vào cuộc sống của bản thân mà không đánh mất liên lạc với bạn bè hoặc loại bỏ những việc mà bạn yêu thích trước khi gặp người yêu mới.

Theo giadinh.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang