Ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục nhưng chuyên gia nói trẻ em vẫn cần đến trường vì lý do này

Ngay sau khi có thông tin cho trẻ đi học, nhiều phụ huynh rất lo lắng vì thời điểm này số ca mắc Covid-19 đang tăng cao...

Lo lắng khi con đi học

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 15/2 cả nước có 31.814 ca mắc Covid-19 tại 62 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay; trong đó thành phố Hà Nội có gần 4.000 ca.

Cũng trong ngày 15/2, UBND TP.HCM đã ra văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các quận huyện về kế hoạch cho trẻ đến trường bắt đầu từ ngày 21/2 tới. Toàn bộ trẻ đi học, trừ khối mầm non.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh – Mỹ Đình, Hà Nội, cho biết sau khi xem thông báo cho trẻ đến trường, bản thân chị vô cùng lo lắng. Chị Lan Anh cho biết hai con của chị đang học lớp 5 và lớp 3.

Cả hai bé chưa tiêm vắc-xin, chị sợ con đi học là 'đưa con vào vùng lây nhiễm'. Khi nhà trường lấy ý kiến về việc tiếp tục cho con em đi học, cả lớp có hơn 50 bạn thì có hơn 10 phụ huynh không đồng ý, trong đó có cả chị Lan Anh.

Theo PGS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp của Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp, Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại việc cho trẻ đến trường là hoàn toàn hợp lý vì hiện nay nguồn nhiễm có ở khắp nơi chứ không riêng gì ở trường. Thế nên, chúng ta chưa thể khẳng định trẻ ở nhà thì sẽ không có nguy cơ nhiễm Covid-19.

PGS Phu cho rằng sống chung với Covid-19 có nghĩa là chấp nhận rằng khi con trẻ đi học sẽ có rủi ro nhiễm bệnh. Không thể vì rủi ro này mà để trẻ ở nhà mãi được, chuyên gia nói. 

Nếu so sánh với việc mắc Covid-19 và nguy cơ lâu dài từ bệnh trầm cảm, nghiện game, ảnh hưởng tới kỹ năng giao tiếp với xã hội của trẻ thì lợi ích của việc đến trường lớn hơn rất nhiều, theo vị PGS.

Trẻ nhiễm Covid-19 hầu hết đều có triệu chứng nhẹ, một số trẻ có biểu hiện sốt nhưng chỉ 2, 3 ngày là hết. Các di chứng hậu Covid-19 cũng rất hiếm gặp ở trẻ, chuyên gia phân tích.

Theo BS Trương Hữu Khanh – Cố vấn BV Nhi đồng 1, TP.HCM về truyền nhiễm, cần cho trẻ hoà nhập trong môi trường giáo dục. BS Khanh phân tích các lý do để phụ huynh không còn lo lắng:

Thứ nhất, cần phải hiểu trẻ trở lại trường là việc đưa trẻ hoà nhập lại môi trường xã hội. Từ trước tới nay, trẻ đã hoà nhập trong môi trường làng xóm, siêu thị, khu vui chơi… Nhưng khi hoà nhập ở trường ai cũng nghĩ xác suất mắc Covid-19 sẽ cao hơn. Nhưng trên thực tế, so với việc trẻ đi chơi ở siêu thị, trong xóm, đi khu vui chơi, môi trường ở trường nếu kiểm soát dịch tốt vẫn an toàn hơn nhiều.

Ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục nhưng chuyên gia nói trẻ em vẫn cần đến trường vì lý do này - Ảnh 1.

BS Trương Hữu Khanh đưa ra các lý do nên cho trẻ đi học.

Khi chưa đi học đã có nhiều trẻ mắc bệnh chứ không phải đi học thì trẻ mới mắc bệnh. Ngay cả khi giãn cách xã hội tuyệt đối thì vẫn có trẻ mắc Covid-19. Bố mẹ đi làm về nhà thì vẫn có thể mang virus về nhà lây cho trẻ, chuyên gia nói.

  • Trẻ em khoẻ mạnh khi mắc COVID-19 cũng có thể trở nặng, nguy kịch

  • Nhiều trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng nhưng vẫn nguy kịch hậu Covid: Khuyến cáo từ BS

  • Trẻ 5 - 11 tuổi tiêm vắc xin Covid-19 có an toàn không? Thông tin giúp phụ huynh yên tâm

Thứ hai, trong 6 năm đầu, trẻ cần phải học hỏi nhiều kỹ năng từ cảm xúc tới khả năng làm việc nhóm và chỉ khi ở trường, ở lớp có cô giáo hướng dẫn thì trẻ mới học được các kỹ năng đó. Thế nên không sớm thì muộn, trẻ vẫn cần phải đến trường, theo chuyên gia.

Thứ ba, mọi người đều suy nghĩ rằng trẻ từ 3 đến 6 tuổi chưa tuân thủ tốt bằng trẻ từ 6 đến 12 tuổi, trẻ từ 12 đến 18 tuổi chưa tuân thủ phòng dịch tốt như người lớn. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại. BS Khanh cho biết với kinh nghiệm của ông về trẻ nhỏ thì trẻ từ 2 tuổi trở lên rất dễ để hướng dẫn. Nếu ta hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên thì trẻ rất tuân thủ, hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang thì các con sẽ làm theo tốt hơn cả người lớn, đôi khi trẻ còn nhắc cả người lớn.

Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường ham chơi và dễ quên, nên nếu có cô giáo giám sát thì trẻ sẽ chú ý hơn.

Thứ tư, bác sĩ Khanh cho biết đến nay Covid-19 hầu như chỉ tấn cống các bé có yếu tố nguy cơ như trẻ bại não, trẻ viêm phổi nặng, trẻ mắc tim bẩm sinh nặng, suy giảm miễn dịch, béo phì quá mức…So với sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết thì Covid-19 chưa chắc đã nguy hiểm bằng.

Phòng bệnh khi con đi học

Theo bác sĩ Khanh, khi con đi học, phụ huynh thường lo sợ có thể có 1 bé nào đó mang mầm bệnh từ nhà vào trường và lây cho các bạn khác. Để giải quyết việc này, khi thấy trẻ có triệu chứng sốt mà trong khu vực quanh nhà có người mắc bệnh thì nên để trẻ ở nhà theo dõi thêm. Còn nếu ở quanh nhà không có nguồn lây thì nên để trẻ đến trường bình thường.

Khi trẻ đi học, nên cho trẻ chơi theo nhóm khoảng 5 bé với nhau. Nếu có sự cố xảy ra thì chúng ta chỉ cần giải quyết trong 5 trẻ đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo. Nếu môi trường ở nhà an toàn, trong trường an toàn, bố mẹ tiêm đủ vắc-xin, tuân thủ 5K thì trẻ sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Trường hợp chúng ta phòng bệnh tốt nhất nhưng vẫn có ca bệnh thì nên chấp nhận nó là điều bình thường – BS Khanh nói.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/ca-nhiem-covid-19-cao-ky-luc-nhung-chuyen-gia-noi-tre-em-van-can-den-truong-vi-ly-do-nay-161221602193519144.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang