Uống cà phê giúp não bộ và hệ thần kinh của con người trở nên hưng phấn, hệ thần kinh trung ương được kích hoạt, giúp cơ thể tỉnh táo và tập trung hơn. Ngoài ra, uống cà phê cũng làm tăng mức độ trao đổi chất của cơ thể, có thể hỗ trợ giảm cân và tiêu hóa. Tuy nhiên, bốn kiểu uống cà phê sau đây có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
1. Uống quá nhiều
Uống cà phê điều độ có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên, các bác sĩ nhất trí rằng uống quá nhiều sẽ đem lại bất lợi cho cơ thể.
Đầu tiên, uống quá nhiều cà phê có thể gây ra đau dạ dày, đặc biệt là lúc uống cà phê khi đói. Nguyên nhân là do trong cà phê có chứa một số chất kích thích tăng tiết dịch axit dạ dày, gây đau dạ dày.
Ngoài ra, uống quá nhiều cà phê còn có thể gây ra tình trạng bồn chồn, lo lắng. Điều này là do caffeine trong cà phê kích thích quá mức lên hệ thần kinh trung ương, từ đó gây ra tình trạng hồi hộp, bồn chồn, lo lắng.
Cuối cùng, uống cà phê quá nhiều có thể gây nghiện cho cơ thể do trong cà phê có chứa một lượng caffeine nhất định. Nhiều người uống cà phê khi mệt mỏi, uể oải và cảm thấy tinh thần được cải thiện, nhưng lâu ngày có thể hình thành tình trạng lệ thuộc vào cà phê, thậm chí cảm thấy khó chịu khi không có caffeine.
Ảnh minh họa: Uống cà phê quá nhiều đặc biệt là uống khi đói có thể gây hại cho dạ dày.
Để tránh điều này xảy ra, bạn nên biết cách uống cà phê điều độ. Các khuyến cáo chỉ ra rằng mức cà phê an toàn cho hầu hết mọi người là 3 - 5 tách cà phê mỗi ngày với tổng lượng caffeine tối đa là 400mg. Hàm lượng caffeine có thể thay đổi tùy thuộc vào loại cà phê, nhưng một cốc cà phê 240ml trung bình có 95 miligam caffeine.
2. Uống cà phê và hút thuốc cùng lúc
Một nghiên cứu của tiến sĩ Charalambos của trường Y khoa Athens và bệnh viện Hippokration, Athens, Hi Lạp đã chỉ ra rằng, thuốc lá và chất caffeine có trong cà phê có thể kết hợp với nhau, khiến động mạch mất đi tính đàn hồi, gây xơ cứng động mạch. Lâu ngày có thể dẫn tới hẹp động mạch, tăng huyết áp.
Thuốc lá và cà phê đều là những chất có tác dụng kích thích thần kinh, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp oxy cho não. Do đó, khi kết hợp uống cà phê và hút thuốc lá lâu dài, sẽ khiến thành mạch máu của bạn phải làm việc nhiều trong tình trạng bị xơ cứng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mạch máu não.
Ảnh minh họa: Uống cà phê và hút thuốc lá cùng lúc có thể gây xơ cứng động mạch.
3. Uống cà phê sau khi uống rượu
Rượu bia sẽ khiến quá trình chuyển hóa trong cơ thể bị rối loạn. Khi caffeine trong cà phê đi vào máu, nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chuyển hóa, từ đó, sẽ làm tăng gánh nặng cho quá trình bài tiết của hệ tiêu hóa, tăng gánh nặng thải độc cho gan và thận.
Hơn nữa, cà phê là thức uống có thành phần gây kích thích hệ thần kinh giúp tỉnh táo và minh mẫn. Tuy nhiên, nếu dùng rượu và cà phê sau đó sẽ khiến tim có nguy cơ đập nhanh do chất cồn kết hợp với caffeine và nguy hại cho não, dễ gây đột tử.
4. Uống cà phê để thức khuya
Nhiều người có thói quen uống cà phê để thức khuya và làm việc. Tuy nhiên, uống cà phê để thức đêm sẽ khiến hệ thần kinh não bộ bị kích thích nhiều hơn, sau khi làm việc xong sẽ không thể đi vào giấc ngủ, từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của con người.
Tình trạng thiếu ngủ có thể khiến cơ thể mệt mỏi do không được nghỉ ngơi đầy đủ, làm suy giảm khả năng miễn dịch và khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Vì vậy, nếu muốn uống cà phê, tốt nhất bạn nên chọn sau bữa sáng hoặc bữa trưa, để không ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nguồn: Aboluowang, QQ, Baijiahao
Link gốc: https://soha.vn/ca-phe-tot-cho-suc-khoe-nhung-uong-theo-4-cach-nay-thi-cuc-hai-nao-hai-tim-20220423000648667.htm?fbclid=IwAR372snes54m80ZAsbEkbdsrrUrI6K6Kgtmgu7bdHvHw1BBxezQmTp_ExHE
https://soha.vn/ca-phe-tot-cho-suc-khoe-nhung-uong-theo-4-cach-nay-thi-cuc-hai-nao-hai-tim-20220423000648667.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.