Cách điều trị chứng trầm cảm do mạng xã hội hiệu quả nhất 

(lamchame.vn) - Mạng xã hội hiện đã trở nên quen thuộc với đa số chúng ta. Nó làm cho cuộc sống thêm sắc màu nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề, trong đó có sức khỏe, nhất là chứng trầm cảm hiện nay nhiều người mắc phải. 

Dễ gây trầm cảm 
Mạng xã hội kết nối con người nhưng cũng dẫn đến vô số nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là trầm cảm. Chia sẻ với Chosun, giáo sư Myung Woo-jae từ Bệnh viện Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho biết: "Sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý người dùng, đặc biệt với những ai không giỏi quản lý cảm xúc. Nếu người dùng mãi mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm là điều khó tránh khỏi".

Nguyên nhân của hiện tượng trên bao gồm áp lực, kỳ vọng ảo về việc tương tác trên mạng xã hội, quá nuông chiều bản thân cũng như luôn so sánh và thấy mình kém hơn người khác. Giáo sư Kim Sun-mi tại Bệnh viện Đại học Chungang lý giải, vì luôn muốn được chú ý nên có những người liên tục cập nhật tài khoản của mình hay để lại bình luận trên bài đăng của người khác. Nếu lượt tương tác không được như mong đợi mà thay vào đó là những bình luận thiếu thiện chí, rất có thể người dùng sẽ thấy buồn chán hoặc thất vọng.

 

Thực tế, người dùng mạng xã hội, nhất là những ai trầm tính thường ghen tị với cuộc sống "có vẻ hoàn hảo hơn" của người khác. Hơn nữa, việc cập nhật trạng thái quá nhiều hoặc luôn muốn đăng tải lên mạng xã hội cũng có thể khiến người dùng cảm thấy trống trải.

Theo giáo sư Kim, dừng tất cả các hoạt động trên mạng xã hội một cách đột ngột không phải là phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả bởi người dùng sẽ quay sang nghiện tivi hoặc game online. Thay vào đó, các chuyên gia gợi ý mỗi cá nhân nên giảm dần dần thời gian online.

"Lướt mạng xã hội vào ban đêm càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Mọi người chỉ nên sử dụng mạng xã hội vào ban ngày, tránh để ảnh hưởng đến giấc ngủ," giáo sư Myung đưa ra lời khuyên.

Cách chữa trầm cảm do mạng xã hội 
Các nghiên cứu cho thấy người dùng mạng xã hội thường xuyên có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 2,7 lần so với người dùng ít thường xuyên hơn. Sau đây là 3 cách tránh tình trạng trầm cảm do lên mạng xã hội quá nhiều, theo trang tin Medical Daily.

 

Hạn chế thời gian lướt mạng
Các chuyên gia đề xuất ghi lại thời gian chúng ta dành cho mạng xã hội mỗi ngày trong một tuần và cố gắng hạn chế nó. Chẳng hạn, nếu bạn dành 2 giờ mỗi ngày để lướt mạng, hãy cố giảm phân nửa thời gian.

Chúng ta thường sa vào việc cầm máy và cuộn xuống liên tục, làm mới nội dung trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram..., rằng không có sự kết thúc cho các cập nhật. Chúng ta có thể giới hạn sử dụng bằng cách chặn liên lạc hoặc thông báo từ các ứng dụng xã hội như Facebook để ngăn chặn việc bị phá rối hay choáng ngợp thông tin.

Thay đổi việc sử dụng
Ý tưởng thay đổi cách sử dụng mạng xã hội là nhằm tránh cho chúng ta so sánh mình với những người khác và cảm thấy tự ti hay ghen tị. Nếu chúng ta giới hạn mạng xã hội vào việc có một cuộc trò chuyện thực sự với bạn bè, điều này sẽ bổ sung vào các mối quan hệ trong đời thực của chúng ta, giúp chúng ta lên kế hoạch cho các cuộc gặp gỡ và giúp cho chúng ta cảm thấy khỏe khoắn, vui vẻ hơn. Lần tới khi vào một website, bạn nên bắt đầu tự hỏi rằng mình vào đó vì mục đích gì.

Nhận các nguồn tin tức từ mạng xã hội 
Hiện chúng ta có thể dễ dàng tiếp nhận đủ loại tin tức từ bảng tin trên mạng xã hội, nhưng điều đó cũng có nghĩa chúng ta bị phân tâm từ việc cố gắng nắm tin tức. Khi chúng ta tách các nguồn tin tức khỏi bảng tin mạng xã hội, chúng ta sẽ bớt bị cuốn hút vào việc lướt mạng thiếu suy nghĩ hoặc đọc tin giả. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến khích chúng ta vào hẳn website của tờ báo yêu thích hay một tờ báo điện tử uy tín, hoặc bật tivi để xem tin tức. Chúng ta thậm chí có thể chọn cách mua một bản in của tờ báo giấy ưa thích để cập nhật thông tin về những sự kiện hay vấn đề thời sự.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang