Tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP HCM. Sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan khiến công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn hơn. Dưới đây là những gì bạn cần biết để phòng chống và điều trị Covid-19, cũng như cách chăm sóc F0 tại nhà.
1. Cách phòng chống Covid-19
Thông điệp 5K
5K là thông điệp do Bộ Y tế phát hành từ tháng 8 năm 2020 nhằm phòng chống COVID-19. Cụ thể, Bộ Y tế kêu gọi:
"Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái "bình thường mới", Bộ Y tế mong muốn và kêu gọi mỗi người dân Việt Nam cùng nhau thực hiện Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19. Bộ Y tế gửi đến Bạn "Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế" với các nội dung chính sau đây:
KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
KHÔNG TỤ TẬP đông người.
KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vnđể được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19."
Các biện pháp khác
Ngoài thông điệp 5K, người dân cũng nên thực hiện một số biện pháp dưới đây để phòng chống Covid-19:
- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
- Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.
- Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
- Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ nếu trở về từ vùng dịch.
2. Phương pháp điều trị Covid-19
Dưới đây là hướng dẫn điều trị Covid-19 chung dành cho bệnh nhân Covid-19, theo Bộ Y tế:
a) Nguyên tắc điều trị chung
- Phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh:
+ Các trường hợp bệnh nghi ngờ (có thể xem như tình trạng cấp cứu): cần được khám, theo dõi và cách ly ở khu riêng tại các cơ sở y tế, lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định.
+ Ca bệnh (F0) nhẹ hoặc không có triệu chứng (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị tại các buồng bệnh thông thường…
+ Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có các bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được điều trị tại các buồng bệnh hồi sức tích cực.
+ Ca bệnh nặng-nguy kịch: (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được điều trị hồi sức tích cực.
- Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
- Cá thể hóa các biện pháp điều trị cho từng trường hợp, đặc biệt là các ca bệnh nặng-nguy kịch.
- Có thể áp dụng một số phác đồ điều trị nghiên cứu được Bộ Y tế cho phép.
- Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan virus.
b) Các biện pháp theo dõi và điều trị chung
- Nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh cần được đảm bảo thông thoáng (mở cửa sổ, không sử dụng điều hòa), có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng phòng bệnh khác như đèn cực tím (nếu có).
- Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, súc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường.
- Giữ ấm
- Thận trọng khi truyền dịch cho người bệnh viêm phổi nhưng không có dấu hiệu của sốc.
- Đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin nếu cần thiết. Với các người bệnh nặng - nguy kịch, áp dụng hướng dẫn dinh dưỡng của Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc đã ban hành.
- Hạ sốt nếu sốt cao, có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn.
- Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết.
- Đánh giá, điều trị, tiên lượng các tình trạng bệnh lý mãn tính kèm theo (nếu có).
- Tư vấn, hỗ trợ tâm lý, động viên người bệnh.
- Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu lâm sàng, tiến triển của tổn thương phổi trên phim X-quang và/hoặc CT phổi, đặc biệt trong khoảng ngày thứ 7-10 của bệnh, 10 phát hiện các dấu hiệu tiến triển nặng của bệnh như suy hô hấp, suy tuần hoàn để có các biện pháp can thiệp kịp thời.
- Tại các cơ sở điều trị cần có các trang thiết bị, dụng cụ cấp cứu tối thiểu: máy theo dõi độ bão hòa oxy, hệ thống/bình cung cấp oxy, thiết bị thở oxy (gọng mũi, mask thông thường, mask có túi dự trữ), bóng, mặt nạ, và dụng cụ đặt ống nội khí quản phù hợp các lứa tuổi.
3. Cách chăm sóc F0 tại nhà
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM mới đây đã có những hướng dẫn cụ thể với các trường hợp F0 khi cách ly tại nhà. Cụ thể như sau:
a) Chuẩn bị cơ sở vật chất, vật dụng cần thiết
Chuẩn bị khu vực cách ly cho bản thân trong nhà với điều kiện có phòng riêng (hoặc một khu vực riêng biệt), có nhà vệ sinh riêng. Lấy số điện thoại của cơ sở Y tế, nhân viên y tế được phân công theo dõi, số điện thoại của bác sĩ tư vấn và chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu cần thiết như sau:
+ Dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt.
+ Nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%).
+ Khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng.
+ Một số loại thuốc thiết yếu (thuốc hạ sốt, và một số loại thuốc nâng cao sức khỏe đông tây y (multivitamin, vitamin C).
+ 1 bàn, ghế cá nhân đặt trước cửa phòng và khu vực cách ly để nhận tiếp tế nhu yếu phẩm từ gia đình và cán bộ Y tế chuẩn bị cho bạn.
+ Thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm.
Chuẩn bị khu vực cách ly cho bản thân trong nhà với điều kiện có phòng riêng (hoặc một khu vực riêng biệt), dán biển báo ngoài cửa nhà. (Ảnh minh họa)
b) Lưu thông không khí
Mở cửa sổ để tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa.
c) Đeo khẩu trang đúng cách
Thực hiện đeo khẩu trang thường xuyên trừ những lúc ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang 2 lần/ngày. Cần khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.
d) Khử khuẩn
Thường xuyên khử khuẩn tay và các vật dụng và bề mặt tiếp xúc (mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…).
e) Theo dõi thân nhiệt
Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Ghi chép nhiệt độ và báo cáo cho nhân viên y tế hàng ngày.
f) Ăn uống
Cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất thường xuyên.
g) Vận động
Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.
h) Xét nghiệm
Yêu cầu nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm sau 7 ngày cách ly.
i) Liên hệ ngay với bệnh viện nếu thấy dấu hiệu nặng, nguy hiểm
Khi có một trong các dấu hiệu như sau, bạn cần gọi cho nhân viên y tế ngay lập tức:
- Sốt > 37.5 độ C
- Ho, đau họng
- Tiêu chảy
- Khó thở (khi bạn không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây)
Cách ly F0 tại nhà khi nào kết thúc?
Theo Bộ Y tế, nếu có kết quả xét nghiệm ngày 14 âm tính, người bệnh được kết thúc cách ly điều trị. Tình huống kết quả xét nghiệm ngày 14 dương tính với giá trị CT≥30, người bệnh không có triệu chứng thì tiếp tục cách ly điều trị tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm mỗi 7 ngày, cho đến khi có kết quả âm tính.
Điều tránh làm trong quá trình phòng và điều trị Covid-19
Không hoảng loạn, không dự trữ thực phẩm, không tự ý di chuyển khỏi nơi cư trú, không lan truyền thông tin bịa đặt… là những việc làm cần tránh.
Đối với người bệnh, cần tránh những việc làm sau vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và gây nguy hiểm:
- Hút thuốc.
- Tự mua thuốc kháng sinh.
- Đeo nhiều lớp khẩu trang quá mức.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu có các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho kéo dài, khó thở, mệt mỏi, hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
(Ảnh minh họa)
4. Người chăm sóc F0 tại nhà cần làm gì để bảo vệ bản thân
Nếu quý vị đang chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà hoặc ở nơi không phải là cơ sở y tế, hãy làm theo lời khuyên sau đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) để bảo vệ bản thân và những người khác.
a) Hạn chế tiếp xúc
COVID-19 lây lan từ người sang người có tiếp xúc gần với nhau (trong khoảng 2 mét) thông qua các giọt bắn từ đường hô hấp, được tạo ra khi mọi người nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Giữ khoảng cách với người khác giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Người chăm sóc, khi có thể, không nên là người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng vì COVID-19.
- Người bị bệnh nên được cách ly
Người bị bệnh nên ở tách riêng với những người khác trong nhà.
Nếu có thể, hãy để người bệnh sử dụng phòng ngủ và vệ sinh riêng. Nếu có thể, hãy để người bệnh ở trong "phòng bệnh" hoặc khu vực của chính họ hoặc cách xa người khác. Hãy duy trì khoảng cách ít nhất 2 mét với người bệnh.
Phòng dùng chung: Nếu quý vị phải ở chung phòng, hãy bảo đảm rằng phòng có thông gió tốt.
Mở cửa sổ để tăng cường lưu thông không khí. Cải thiện thông gió sẽ giúp loại bỏ các giọt bắn từ đường hô hấp khỏi không khí.
Không để người khác đến thăm. Không để người không cần thiết đến thăm, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng.
- Người chăm sóc nên cách ly
Người chăm sóc và bất kỳ người nào có tiếp xúc gần với người mắc bệnh COVID-19 nên ở nhà, ngoại trừ trong một số trường hợp hạn chế.
b) Ăn trong phòng hoặc khu vực riêng biệt
- Cách ly: Người bệnh nên ăn (hoặc được cho ăn) trong phòng của họ, nếu có thể.
- Rửa chén đĩa và dụng cụ ăn bằng găng tay và nước nóng: Đeo găng tay khi cầm chén đĩa, cốc/ly hoặc dụng cụ ăn do người bệnh sử dụng. Rửa những vật này bằng xà phòng và nước nóng hoặc trong máy rửa chén.
- Làm sạch tay sau khi tháo găng tay hoặc xử lý các vật dụng đã sử dụng.
c) Tránh dùng chung đồ cá nhân
Không dùng chung: Không dùng chung chén đĩa, cốc/ly, bộ đồ ăn, khăn tắm, khăn trải giường hoặc đồ điện tử (như điện thoại di động) với người bị bệnh.
d) Rửa tay thường xuyên
Rửa tay: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nói với mọi người trong nhà làm việc tương tự, đặc biệt là sau khi ở gần người bệnh.
Dung dịch sát trùng tay: Nếu không có sẵn xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch sát trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn. Xoa dung dịch đều ra toàn bộ bàn tay và chà hai tay vào nhau cho đến khi khô.
Tránh chạm tay vào: Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch.
e) Theo dõi sức khỏe của chính mình
Người chăm sóc nên ở nhà và theo dõi sức khỏe của họ để phát hiện các triệu chứng COVID-19 trong khi chăm sóc người bệnh.
Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và hụt hơi nhưng các triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện. Khó thở là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng hơn mà quý vị cần chăm sóc y tế.
Người chăm sóc nên tiếp tục ở nhà sau khi hoàn thành việc chăm sóc. Người chăm sóc có thể rời khỏi nhà 14 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất với người bệnh (dựa trên thời gian phát bệnh), hoặc 14 ngày sau khi người bệnh đáp ứng các tiêu chí ngừng cách ly tại nhà.
Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và người khác là ở nhà trong 14 ngày nếu quý vị cho rằng mình đã tiếp xúc với người mắc COVID-19. Kiểm tra trang mạng của sở y tế địa phương để biết thông tin về các lựa chọn trong khu vực của quý vị để có thể rút ngắn thời hạn cách ly này.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/cach-phong-chong-dieu-tri-benh-covid-19-va-tu-cham-soc-f0-tai-nha-161213107160415786.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.