Cái bẫy “vì hạnh phúc” của những cặp bố mẹ có con khi còn quá trẻ

(lamchame.vn) - Yêu nhau, cặp đôi muốn tiến đến giai đoạn khẳng định tình cảm bằng một đứa con chung. Song, tình yêu của vợ chồng trẻ sẽ bị bóp méo thành hình dạng nào dưới những áp lực nuôi con nếu ông bố, bà mẹ chưa hiểu rõ những đòi hỏi của thiên chức này?

"Làm mẹ ở tuổi đôi mươi" - một tiêu đề gợi tò mò đủ để khiến vài trăm ngàn người dừng việc lướt video lại, xem và tương tác. Tiếp nối là những phân cảnh ghi lại một ngày của gia đình trẻ 3 người, mà nếu chỉ nhìn qua ngoại hình, họ không thể quá 25 - một độ tuổi vẫn còn rất "xanh" để nhận được "trái ngọt" hôn nhân là một cậu bé kháu khỉnh. Dưới phần bình luận, cư dân mạng ồ ạt "xin vía" để sớm có được hạnh phúc như gia đình trẻ. Điều tương tự cũng xảy ra dưới những bài đăng chia sẻ từ các "hot mom", "hot couple" trẻ tuổi trên khắp Instagram, Facebook, TikTok và Threads. Dễ thấy, lập gia đình sớm là một ý tưởng có sự cuốn hút nhất định với các bạn trẻ.

Lượng thông tin khổng lồ trên mạng xã hội, tổng hoà với văn hoá đọc đại khái của người dùng khiến các bài đăng trên thường chỉ soi sáng những khía cạnh hoàn hảo nhất của vấn đề. Nhìn người khác êm ấm gợi cho ta một mong muốn được trải nghiệm. Nhìn người khác có gia đình yêu thương khiến ta nghĩ rằng mình cũng có thể sớm dựng xây được một mái ấm riêng. Những nội dung đơn giản hoá ấy (do giới hạn thời lượng hoặc do mục đích thu hút người xem) khiến những người xem tin rằng việc nuôi con trẻ luôn tràn ngập những khoảnh khắc hạnh phúc.

Không chỉ vậy, nền văn hóa Á Đông là nơi mà các gia đình luôn "lập trình" sẵn cho con cái của họ một "bản kế hoạch cuộc đời": Phải đậu Đại học, phải tốt nghiệp Đại học, phải có lương cao, phải kết hôn và có cháu cho cha mẹ bồng bế. Thay vì xem đó là những điều tự nhiên, họ lại áp đặt sự thành - bại của con cái qua việc chúng có đạt được những "thành tựu" đó hay không, nhiều người cực đoan đến mức ấn định một khung tuổi nhất định. "Qua 30 mà chưa chồng là "hết đát" đấy nhé!", "Bao giờ có cháu cho ông bế?" - Tôi đoán bạn cũng không ít lần thấy những người chị trong gia đình hoặc quen biết phải nghe lời "nhắc khéo" này. Dần dà, những đứa trẻ lớn lên trong nền văn hóa ấy cũng nhận thức được về cái tuổi "dựng vợ gả chồng" mà chúng phải tuân theo. Nhiều người vì chạy theo cái dấu mốc ấy mà chưa đợi bản thân kịp hiểu sâu, biết tận về những trách nhiệm của một ông bố, bà mẹ.

Có con khi chính cha mẹ còn là những đứa trẻ chưa trưởng thành về tâm lý - Ảnh 1.

Cứ như thế, MXH thì rót vào tâm tưởng của các bạn trẻ rằng có cho mình một gia đình riêng tương đối dễ dàng, ông bà, cha mẹ thì thôi thúc mong con sớm yên bề gia thất. Hình thành trong các họ một mong muốn được cảm nhận, được nắm giữ và được bao bọc bởi hình thái cao nhất của tình yêu đôi lứa - có một đứa con chung.

Bạn nghĩ rằng, miễn là có tình yêu thương dành cho con và dành cho nhau, một cặp đôi sẽ vượt qua mọi khó khăn để nuôi nấng đứa trẻ, cho em điều kiện lớn lên tốt nhất. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại: Phép thử lớn nhất của tình yêu chính là con cái, và những cặp đôi chưa chuẩn bị chỉn chu về vật chất, tinh thần lẫn cả sự thấu hiểu về bản thân mình mà kiến tạo một gia đình theo cách bồng bột sẽ dễ dàng khuất phục trước phép thử ấy.

Để tôi vẽ thêm cho bức tranh "gia đình trẻ" màu hồng một vài nét chấm phá mang tính hiện thực hơn: Trẻ mới sinh ngủ 16-18 tiếng mỗi ngày, nhưng chia thành các giấc ngủ ngắn chỉ kéo dài khoảng 4 tiếng. Em bé có thể tỉnh dậy ngay khi vợ chồng bạn đang say giấc để đòi ăn. Những đứa trẻ nhỏ không biết nói, chúng chỉ có thể đối đáp mọi nhu cầu qua tiếng khóc oe oe. Một ngày 4 lần đòi ngủ, 8-12 lần đòi sữa, vô số khoản chi khó liệt kê…những giây phút vui vẻ hiếm hoi có thể dìu hai bạn qua những khoảnh khắc khó nhọc, khi trách nhiệm chăm con phải được đặt lên hàng đầu không?

Hậu sản trầm cảm là một tình trạng phổ biến với phụ nữ sau sinh, kể cả với những người phụ nữ nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ chồng. Căn bệnh này đặc biệt dễ xảy ra với những ai chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối diện với những gồ ghề trên con đường nhận thiên chức làm mẹ. Cạnh những ảnh hưởng về ngoại hình và những vất vả của giai đoạn ốm nghén, lâm bồn, nếp sống tự do của bạn sẽ bị đảo lộn vì giờ đây, bạn dường như phải bế bồng một con người bé nhỏ 24/7. Giai đoạn cần mẹ theo sát của trẻ sơ sinh có thể kéo dài đến 2 năm, khiến nhiều bạn nữ bị rút ngắn quỹ thời gian dành cho bản thân, phải tạm gác lại câu chuyện xây dựng sự nghiệp để làm mẹ. Những âu lo bủa vây ở hiện tại là đáp ứng nhu cầu của con, và những âu lo đến tương lai là mình sẽ phải làm gì tiếp sau khi con đã đủ cứng cáp.

Có con khi chính cha mẹ còn là những đứa trẻ chưa trưởng thành về tâm lý - Ảnh 2.

Có con khi chính cha mẹ còn là những đứa trẻ chưa trưởng thành về tâm lý - Ảnh 3.

Trước khi chạm đến những khoảnh khắc đẹp đẽ, là những điều bạn có thể lưu trữ trong bức ảnh chia sẻ trên mạng xã hội, thì có hàng ngàn những bối rối, ám ảnh khác mà một người phụ nữ chưa đủ sẵn sàng để đối mặt: Sự thay đổi thứ tự ưu tiên trong cuộc sống, cân bằng nghĩa vụ làm mẹ với những mong cầu của một cô gái trẻ, đối mặt với stress, những áp lực và trách nhiệm nặng nề khi phải nuôi nấng một đứa bé…Làm mẹ là một trách nhiệm nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần, dù thời nay đã có nhiều những sự hỗ trợ để giảm nhẹ gánh nặng, nhưng về cơ bản, làm mẹ vẫn là một công việc toàn thời gian đòi hỏi sự nỗ lực cả đời.

Những áp lực đâu chỉ đè nặng lên người phụ nữ. Vững vàng về mặt tài chính để có thể phụ giúp người vợ phải dành toàn bộ thời gian cho con cái, biết cách làm các công việc nhà để có thể đỡ đần vợ là những đòi hỏi cơ bản nhất trước khi người đàn ông nhận lấy trách nhiệm làm cha. Và quan trọng hơn hết, có cách ứng xử trưởng thành, biết kiềm chế, cảm thông cho những thay đổi ở người bạn đời của mình, là một điều kiện tiên quyết nhất để có thể cùng cô ấy nuôi nấng một sinh linh bé nhỏ.

Có con khi chính cha mẹ còn là những đứa trẻ chưa trưởng thành về tâm lý - Ảnh 4.

Song, đó chỉ là giai đoạn khó khăn đầu đời của đứa trẻ. Cho đến khi đứa bé cứng cáp, không cần sự kèm cặp của cha mẹ 24/7 nữa, thì những những ông bố, bà mẹ lại phải nhận một loại trách nhiệm rất khác, kéo dài suốt 18 năm: Trách nhiệm dưỡng dục một con người.

Đừng nghĩ đó là việc đơn giản như cho con cái học trường tốt nhất, đắt đỏ nhất. Không, làm cha mẹ sao có thể thoái thác và giao phó hoàn toàn trách nhiệm dạy bảo cho người ngoài? Bạn sẽ là người mà con tin tưởng để tâm sự trước tiên. Đó có thể là tiếng than phiền vì con gây gổ với bạn bè, có thể là sự thất vọng khi bị điểm kém. Những lúc như vậy, cách bạn phản hồi và khuyên nhủ con cái có vai trò dẫn đường cho con. Đứa trẻ ấy có chạm được tới vạch đích là một người lớn tử tế và hạnh phúc - dựa phần nhiều vào những khoảnh khắc nhỏ như vậy.

Đôi khi, đứa trẻ sẽ học hỏi từ bạn theo một cách "tĩnh lặng" hơn nhiều: Quan sát. Chỉ cần nhìn cách cha mẹ hành xử với nhau, một đứa trẻ đã có thể rút ra cho mình nhiều bài học, cả tích cực và tiêu cực.

Đó là điều mà tôi nhận ra từ chính những quan sát của mình khi gia đình anh chị cãi nhau. Cháu gái của tôi - một em bé hai tuổi dù không hiểu từng câu chữ mà cha mẹ đang nhắm đến nhau, nhưng tôi biết em có thể cảm nhận độ rung của những âm thanh trách mắng từ sâu thẳm trong trái tim non của mình. Và nhìn đứa bé đó cố gắng chạy giữa cha mẹ, chỉ có thể vừa khóc vừa thốt lên những tiếng "bố", "mẹ" không tròn vành vì em còn chưa biết nói nhiều chữ hơn, cố gắng để họ nguôi ngoai và lắng nghe, là một ký ức đau lòng với cả tôi và cháu. Anh chị tôi không chỉ cãi nhau trước mặt đứa con mới sinh, họ còn xung đột trước mặt đứa con trai 10 tuổi. Đứa em 2 tuổi có thể quên đi sau vài ngày, nhưng cậu bé 10 tuổi ấy, khi đã đủ nhận thức để hiểu sự việc, thì có lẽ những cuộc cãi vã của cha mẹ đã thành một phần nhận thức của em.

Có con khi chính cha mẹ còn là những đứa trẻ chưa trưởng thành về tâm lý - Ảnh 5.

Những người trẻ, khi chưa tinh chỉnh cái tôi và sự hiếu thắng của mình, rất dễ xung đột, thậm chí là "động tay động chân" trước mặt con cái. Và dù đứa con chỉ là một người chứng kiến, nhưng những thứ em cảm nhận được từ sự việc đó, khiến em cũng trở thành một nạn nhân. Hoặc là em nhầm tưởng rằng xử sự nóng giận là chuyện bình thường, hoặc là em sẽ sinh ra sự hiểu nhầm, thù ghét với một trong hai vị phụ huynh. Sự méo mó trong nhận thức của con trẻ chính là hậu quả khi những ông bố, bà mẹ vẫn còn non nớt trong việc kiểm soát cái tôi của chính mình mà không biết nhún nhường, bao dung cho nhau trong mối quan hệ.

Câu chuyện của minh tinh Charlize Theron - "bà đầm" khét tiếng của Hollywood và tuổi thơ không êm đẹp cũng chứng minh thêm cho luận điểm ấy. Cô được sinh ra khi cha cô 28 tuổi, còn mẹ thì mới 23. Charlize chứng kiến một đêm cha cô lên cơn và định sẽ kết liễu cả gia đình với một khẩu súng, bắt buộc người mẹ phải chống trả bằng biện pháp cực đoan. Sự kiện đó in sâu vào tâm trí của Charlize, khích lệ nữ diễn viên trở thành sứ giả hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nhưng đồng thời cũng làm cô trở nên cảnh giác và thiếu tin tưởng với những người xung quanh. "Sự khó lường khi sống chung với một người cha nghiện ngập là điều in sâu vào cơ thể cũng như tâm hồn của bạn trong suốt quãng đời còn lại" - Charlize nói.

Không phải lúc nào sự thất bại trong việc làm cha, làm mẹ cũng có diễn biến tương tự như câu chuyện của Charlize. Hầu hết, đó là những dấu hiệu không quá trầm trọng nhưng sẽ nhào nặn phẩm chất, lối sống của đứa con trong suốt phần đời còn lại. Quan tâm không đủ khiến đứa trẻ lớn lên mong cầu sự chú ý, dẫn đến hành vi sai lệch, xốc nổi. Quan tâm quá nhiều và khắc nghiệt khiến đứa trẻ trở nên rụt rè, sợ sai, sợ rủi ro. Trò chuyện bằng đòn roi khiến đứa trẻ ấy nóng nảy và nghĩ rằng bạo lực có thể giải quyết được mọi thứ, nhưng không bao giờ trò chuyện cũng sẽ khiến em không tìm ra được cách giải quyết phù hợp với vấn đề.

Chuẩn bị để có con trong khi bạn chưa hoàn thiện việc "trám" lại những khiếm khuyết của mình có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của đứa bé. Dẫu biết "trời sinh voi sinh cỏ", đằng nào thì đứa trẻ ấy cũng sẽ lớn lên, vì sinh trưởng là một quá trình tự nhiên, nhưng liệu em có đầy đủ về mặt nhận thức, và em lớn lên thành một người lớn như thế nào, chính là câu chuyện phản ánh cách hành xử và nuôi dạy của người cha, người mẹ. Đối diện với những trọng trách dưỡng dục ấy, liệu bạn có tự tin mình sẽ là một người dẫn đường đưa con đến nơi cần đến?

Có con khi chính cha mẹ còn là những đứa trẻ chưa trưởng thành về tâm lý - Ảnh 6.

Vậy nên, điều có trách nhiệm đầu tiên mà một cặp đôi có thể làm được trước khi quyết định có con, đấy là đánh giá sự trưởng thành và ổn định về mặt vật chất - tinh thần của bản thân mình và đối phương. Ở độ tuổi nào, dù là đôi mươi hay đã tứ tuần, luôn có những câu hỏi mà bạn phải đặt ra để kiểm tra khả năng làm cha, làm mẹ của mình:

Mong muốn có con của bạn đã đi kèm với sự chuẩn bị về mặt tài chính - tâm lý và xác định đây là thời điểm "chín muồi", hay chỉ đơn giản là chịu sự ảnh hưởng của những người xung quanh?

Khả năng tự chủ và lập kế hoạch cho tương lai của bạn và con cái như thế nào?

Bạn đã đủ trải nghiệm sống, có khả năng quản lý thời gian cá nhân, cân đối với công việc và chăm sóc cho con chưa?

Bạn đã đủ trưởng thành về mặt cảm xúc để luôn nhận biết được những vấn đề của bản thân và đối diện nó một cách lành mạnh - để trở thành một người cha mẹ tốt nhất cho con về mặt tinh thần và tâm lý?

Bạn có chắc chắn rằng người bạn đời của mình cũng là một bậc phụ huynh lý tưởng, sẵn sàng cởi mở để đối diện và giải quyết các vấn đề một cách văn minh để không ảnh hưởng đến con?

Những câu hỏi mà tôi vừa nêu ra vốn chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm to lớn được đặt tên là trách nhiệm phụ huynh. Nếu đi đến quyết định có một đứa bé nhỏ, chỉ xuất phát từ những ảo tưởng đẹp đẽ về một gia đình mà không cân nhắc đủ đầy trách nhiệm, thì đó là sự tắc trách. Quyết định có con chỉ đơn thuần muốn có sự ràng buộc đôi lứa, thì đó là sự ích kỷ. Tin rằng tình yêu sẽ dìu dắt mình qua mọi áp lực mà không vạch rõ những trách nhiệm cần đáp ứng, thì đó là một lầm tưởng tai hại sẽ đẩy bạn và con vào một cuộc sống không trọn vẹn.

Có con khi chính cha mẹ còn là những đứa trẻ chưa trưởng thành về tâm lý - Ảnh 7.

Tôi đồng ý rằng bạn sẽ luôn có sự giúp đỡ từ những người xung quanh, giàu kinh nghiệm hơn để dựng xây gia đình nhỏ. Bản thân những người ấy cũng thể hiện sự sẵn lòng chăm sóc con cái thay bạn. Song, tôi mong bạn hiểu rằng có đỡ đần cách mấy thì cũng chỉ là "đỡ đần", họ không kề cận bên con bạn hàng giờ, hàng ngày. Và thực tế luôn tồn tại một khoảng cách giữa cháu và ông bà, cô dì. Mối gắn kết không thể thiêng liêng bằng quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Trên hành trình lớn lên của con, và kể cả khi con cái đã trưởng thành, luôn cần nội lực đến từ chính những ông bố, bà mẹ trẻ để có thể cùng con đi qua mọi nốt thăng, nốt trầm của cuộc đời.

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nhắn nhủ: Với những người tin rằng có con là có hạnh phúc, họ cần phân biệt hai khái niệm. Một là "hạnh phúc trải nghiệm" (experienced happiness) và hai là "hạnh phúc ôn lại" (remembered happiness). Hạnh phúc trải nghiệm hiện hữu trong chính khoảnh khắc hiện tại, khi bạn thực hiện các công việc hàng ngày của một ông bố, bà mẹ như thay tã, cho con ăn, ru con ngủ. Hạnh phúc ôn lại thuộc về tương lai, khi bạn có thể chắt lọc và giữ lại những kỷ niệm đẹp nhất trong quá trình trưởng thành của con. Những câu chuyện đẹp đẽ về gia đình trẻ mà bạn được nghe kể là hạnh phúc ôn lại. Thứ thực sự dìu dắt bạn qua những khó khăn của quá trình dưỡng dục là hạnh phúc trải nghiệm. Chỉ khi nào bạn có sự tự tin, ổn định trong việc thực thi các trách nhiệm làm cha, làm mẹ, bạn mới có thể cảm nhận hạnh phúc trải nghiệm trọn vẹn.

Hy vọng rằng những điều trên sẽ đóng vai trò là một chiếc đèn đỏ ở ngã tư đường, giúp bạn ngẫm nghĩ và cân nhắc trước khi thẳng tiến tới quyết định có cho mình một sinh linh mới. Hãy dùng khoảng lặng này để soi chiếu đến bản thân mình, nghĩ thật chín chắn về việc liệu bản thân đã đủ trưởng thành để lo lắng, lắng lo cho chính bản thân mình, trước khi quyết định chu toàn thêm cho một con người bé nhỏ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang