Vì muốn tốt cho con nên đôi khi bố mẹ thường ngăn cấm làm điều này điều kia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, một số điều ngăn cấm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con. Cụ thể là 5 điều sau:
1. Không được làm bất cứ việc gì
Bất kỳ bố mẹ nào đều muốn bảo vệ con khỏi những hiểm nguy xung quanh. Điều này là tốt nhưng cần ở mức độ vừa phải. Nếu sự bảo vệ quá mức sẽ hại hơn lợi.
Nhiều bố mẹ thường hay cấm con: "Con không được trèo cây, rất nguy hiểm đấy", "Con không được đá bóng, dễ bị thương lắm" hay "Con không được chơi với bạn đó".
Những lời cấm đoán, phép tắc khuôn mẫu của bố mẹ sẽ khiến con có suy nghĩ: "Tốt nhất mình không nên làm gì. Bố mẹ bảo gì thì làm nấy là an toàn nhất".
Sự cấm đoán của bố mẹ tất nhiên sẽ hình thành nên một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời. Nhưng khi lớn, con lại thiếu đi tính tích cực, chủ động, dễ dàng nghe theo ý kiến của người khác. Trong những môi trường làm việc cạnh tranh, con khó mà trụ vững.
2. Không được có tính trẻ con
Nhiều bố mẹ thường răn đe những đứa con cả: "Là anh trai thì phải nhường nhịn em" hay "Con là chị thì không được khóc nhè, phải làm gương cho em".
Câu nói này nghe thì bình thường nhưng thật ra lại ảnh hưởng lớn đến tinh thần của con trẻ. Trong tâm trí con sẽ hình thành một lệnh cấm: Đó là không được cư xử đúng với cảm xúc của mình.
Con sẽ bị thúc đẩy trưởng thành sớm hơn. Tuổi thơ lúc nào cũng phải gồng mình, mất đi sự hồn nhiên. Tính cách con vì vậy mà dễ già hơn so với tuổi.
Sự ý thức về trách nhiệm có thể khiến con tự tạo gánh nặng cho bản thân trong cuộc sống sau này.
3. Không được bộc lộ cảm xúc
Con nhỏ thường có tính mè nheo khiến bố mẹ đau đầu. Việc dạy con không khóc lóc, làm quá mọi việc là đúng. Nhưng nếu bố mẹ quá khắt khe, bắt con không bộc lộ cảm xúc trong mọi trường hợp thì không nên.
Chẳng hạn khi con bị ngã, vì quá đau nên khóc thút thít, bố mẹ liền nạt: "Không được khóc!". Việc kìm nén cảm xúc lâu ngày có thể khiến con bị chai sạn, thờ ơ, lãnh cảm trước mọi việc xung quanh. Trước những việc buồn khổ, con không có cảm xúc. Tức giận chuyện gì đó, con cũng giữ bộ mặt bình thản.
Những người thiếu biểu cảm thường khó khăn trong việc tạo dựng và giữ các mối quan hệ. Trong công việc, họ cũng gặp nhiều trắc trở hơn.
4. Không được gần gũi với bố mẹ
Không ít bố mẹ khi con muốn tâm sự thường lảng tránh: "Bố/mẹ đang rất bận, để lúc khác hãy nói" hay "Con yên lặng đi. Bố/mẹ đang đau đầu".
Việc không được gần gũi, tâm tình với bố mẹ sẽ khiến con cái thu mình lại. Khi trưởng thành, con quen sự xa lánh của bố mẹ từ khi còn nhỏ nên không thể tâm sự với ai về những suy nghĩ thật của mình.
Ngay cả khi gặp rắc rối trong công việc, con cũng không muốn trao đổi, bàn bạc với đồng nghiệp, cấp trên mà cứ cắm cúi làm một mình.
Thậm chí có gặp sự việc khó chịu, con vẫn nhẫn nại chịu đựng mà chẳng bày tỏ cùng ai.
5. Không được tự chọn lựa bạn bè
Một số bậc cha mẹ thường hay can thiệp vào các mối quan hệ bạn bè của con cái. "Con phải chơi với bạn này" hay "Đừng chơi với bạn kia", "Bạn kia học dốt, mẹ không thích con chơi cùng", "Bạn kia tính nhát quá",…
Tất nhiên, bố mẹ chỉ muốn tốt cho con. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý, điều này chỉ có hại chứ không có lợi.
Sự can thiệp quá mức của bố mẹ sẽ giảm cơ hội tiếp xúc với bạn bè cùng lứa tuổi của con. Kết quả con thường cảm thấy cô đơn, khó hòa nhập với môi trường làm việc tập thể. Việc mất đi những kỹ năng kết bạn khiến con sau này khó hòa đồng được với đồng nghiệp và không có những người bạn thân thiết, chí cốt.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.