Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các năm trước, nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra dịp cuối năm và đầu xuân. Thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Dương lịch, các công sở rộn ràng hội họp, tất niên. Nghỉ Tết, không ít người sẽ về quê hoặc tụ tập bạn bè. Trong những bữa liên hoan đó, khó có thể thiếu rượu.
|
Ngoài các tai nạn giao thông gây ra bởi những người sử dụng rượu thì bản thân họ cũng có thể bị ngộ độc rượu, nhẹ thì cơ quan tiêu hóa bị tổn thương, nặng có thể dẫn tới hôn mê và tử vong. Nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc rượu cồn là do việc uống quá nhiều đồ uống có cồn, đặc biệt là trong một khoảng thời gian ngắn.
Trung bình, cơ thể con người chỉ có thể xử lý 1 đơn vị rượu/giờ. Uống quá nhiều rượu trong một khoảng thời gian ngắn khiến lượng cồn trong máu tăng, có thể khiến cho cơ thể hoạt động không bình thường.
Năm 2017, cả nước ghi nhận 10 vụ ngộ độc rượu, nguyên nhân chủ yếu do rượu chứa methanol, làm 119 người mắc, 115 người phải nhập viện. Số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều vào thời gian từ tháng 2 đến 4, đầu năm mới và lễ hội Xuân.
|
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, ngoài tình trạng ngộ độc thường gặp ở 2 loại rượu ethanol và methenol thì ngộ độc rượu ngâm các loại cây (không rõ loại) có chứa độc tố tự nhiên, cũng dễ xảy ra trong dịp Tết. Nhiều người có thói quen mua dễ cây về ngâm rượu, không ít người để dành đến Tết uống. Tuy nhiên, có nhiều loại dễ cây lạ, có thể chứa độc tố gây hại cho sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Việc lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu xịn, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia xịn cũng vẫn là gánh nặng cho gan.
Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng một bệnh.
|
Vì thế, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân không nên lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, xuất xứ, rượu không công bố chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.