Cảnh báo nhiễm khuẩn bệnh viện có thể gây nên tử vong dù ốm nhẹ

Bệnh nhân 45 tuổi vào viện để chữa đau lưng, sau khi mổ lại bị liệt và tử vong do nhiễm khuẩn kháng thuốc ở viện.

Ngày 31/7, tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ, cái chết của người đàn ông này đã chứng minh hậu quả đáng sợ của tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Khi ấy, không một loại kháng sinh nào có tác dụng trên bệnh nhân, các bác sĩ đã không thể làm gì trước cái chết đã được dự báo của người bệnh.

Trẻ sinh non được chăm sóc tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, nơi từng có 4 trẻ tử vong liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện vào năm 2017. Ảnh: Ngọc Thành.

Trẻ sinh non được chăm sóc tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, nơi từng có 4 trẻ tử vong liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện vào năm 2017. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo tiến sĩ Park, nhiễm khuẩn bệnh viện có thể đến bất cứ khi nào, do tiếp xúc hàng ngày, nguồn nước không sạch, rửa tay không đúng...

Tại Việt Nam, hầu hết bệnh viện đều có khoa chống nhiễm khuẩn. Bộ Y tế cũng đã có thông tư hướng dẫn thực hiện chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn hiện nay còn nhiều điểm cần khắc phục. Một số lãnh đạo bệnh viện chưa thật sự hiểu tầm quan trọng của chống nhiễm khuẩn nên chưa đầu tư nguồn lực hiệu quả. Nhân lực vừa thiếu vừa yếu; đa số chưa được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn...

Các bệnh viện mới tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải; chưa chú trọng vào giám sát việc thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. Theo Thứ trưởng Tiến, trong khi đó đây mới là hành động nhằm tránh lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Theo thông tư quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn mới ban hành, bắt buộc cơ sở y tế có từ 150 giường bệnh trở lên phải có đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn riêng. Nơi có dưới 150 giường tối thiểu phải có bộ phận kiểm soát thuộc phòng kế hoạch tổng hợp, có người phụ trách chuyên môn...

Các viện cũng giám sát việc tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn của bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên, bệnh nhân và người nhà...

Nhiễm khuẩn bệnh viện mang lại gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh. Tình trạng này làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Ước tính tỷ lệ nhiễm khuẩn tại các nước phát triển khoảng 3,5-12%. Số liệu này ở các quốc gia chậm và đang phát triển thường không đầy đủ và không có sẵn. Phân tích gần đây của WHO cho thấy các ca nhiễm khuẩn ở các nước đang phát triển thường xảy ra với tần suất cao hơn do hạn chế nguồn lực. Tổn thất tài chính hằng năm do nhiễm khuẩn bệnh viện rất lớn, ước tính khoảng 7 tỷ Euro ở châu Âu và 6,5 tỷ USD tại Mỹ.

Theo suckhoe.vnexpress.net

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang