Với những trường hợp trẻ em bị đột quỵ, thì có tới 50% bệnh nhân tuy cứu được nhưng để lại di chứng, 5% không qua khỏi do phát hiện và nhập viện quá muộn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểm một số trường hợp trẻ em bị đột quỵ để cảnh giác hơn nhé.
Tưởng cảm nắng hóa ra đột quỵ
Trường hợp bé T.Đ.T., 5 tuổi, ngụ tại Q.12 bị đột quỵ đã khiến cả nhà vô cùng hoang mang, theo đó, bé T đang khỏe mạnh bỗng dưng than nhức đầu, mệt mỏi sau khi được gia đình cho chơi trò cảm giác mạnh ở công viên gần nhà. Ít giờ sau đó T. nôn ói rồi nằm li bì. Nghĩ con bị cảm nắng, mẹ bé T. đắp khăn mát, pha nước chanh đút cho bé uống nhưng chị đã vô cùng hoảng hốt thấy con không có phản ứng gì.
Ngay lập tức bé T. được đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu, kết quả chụp CT não cho thấy, mạch máu não bệnh nhi có chỗ bất thường đã bị vỡ. Kết luận T. bị đột quỵ do xuất huyết não. May mắn, bé T. được gia đình đưa tới kịp (chưa quá 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng). Sau một tuần điều trị bé đã hồi phục tốt, chưa ghi nhận di chứng gì.
Tưởng cảm nắng hóa ra đột quỵ |
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Vinh - Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 20-30 trường hợp trẻ đột quỵ não.
Bố mẹ cần chú ý, nếu trẻ hay than nhức đầu, mệt mỏi mỗi lần hoạt động gắng sức, phụ huynh hãy cho con đi tầm soát bất thường ở não để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm.
Nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em và người lớn hoàn toàn khác nhau, chính vì thế phụ huynh không nghĩ tới để kịp thời phát hiện các dấu hiệu báo bệnh.
Trong các ca đột quỵ não ở trẻ em, Bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận nhiều nhất là nhóm trẻ từ 5-7 tuổi. Những bệnh nhi này có sẵn bất thường bẩm sinh ở mạch máu não nhưng chưa có biểu hiện gì. Tới khoảng thời gian trẻ hiếu động nhất (5-7 tuổi), việc hoạt động vui chơi quá sức làm thần kinh bị kích thích quá mức chính là yếu tố tác động, khiến phần mạch máu dị dạng bị bể ra gây xuất huyết chèn ép não. Đối tượng thứ hai dễ bị đột quỵ là các bé sơ sinh (1-2 tháng tuổi) do thiếu vitamin K. Nhóm đối tượng bị đột quỵ não cuối cùng là có u gây chèn ép ở giai đoạn muộn.
Xử lý khi trẻ có dấu hiệu đột quỵ
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, 100 ca chụp CT tầm soát não thì phát hiện 20 ca viêm xoang, 1 ca dị dạng mạch máu, 10 ca di chứng não hoặc khối u chèn ép. Nếu phát hiện sớm, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị dự phòng cho trẻ, ngăn chặn tình trạng đột quỵ xảy ra.
Vậy làm sao để phát hiện sớm nhất các dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em? Bác sĩ Vinh lưu ý: nếu thấy trẻ bỗng dưng kêu nhức đầu, mệt mỏi, (có nôn ói hoặc không), nằm li bì thì phải đi bệnh viện ngay. Đột quỵ não có cứu được hay không, để lại di chứng nặng hay nhẹ ngoài thời gian cấp cứu kịp thời còn tùy thuộc vào vị trí xuất huyết. Nếu vị trí xuất huyết ở bán cầu não trước thì tụ máu khoảng 20ml vẫn cầm cự và cứu được, thế nhưng ở hố sau thì khả năng cứu sống rất thấp, nếu cứu được cũng để lại di chứng.
Bác sĩ Vinh chia sẻ, nếu thấy con hay than mệt mỗi lần hoạt động gắng sức (tập thể dục, chạy), nhức đầu thoáng qua tái đi tái lại thì phụ huynh hãy đưa trẻ đi tầm soát mạch máu não. Việc tầm soát này sẽ xác định được ba bệnh lý: viêm xoang, dị dạng mạch máu, u não.
Theo phunuonline.com.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.