Cảnh báo trẻ sơ sinh bị dị ứng nặng do được tắm bằng lá cây

Bé sơ sinh 20 ngày tuổi, ở Cao Bằng được đưa vào viện trong tình trạng da mẩn đỏ, niêm mạc vùng mũi loét, có nốt xuất huyết dưới da, không bú được do viêm loét miệng.

Theo lời kể người nhà, cách vào viện 2 ngày, người nhà có dùng lá cây tắm cho trẻ sau tắm trẻ xuất hiện mẩn đỏ toàn thân, loét mũi, miệng bú kém gia đình đã đưa trẻ đến viện khám và điều trị.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, qua quá trình thăm khám, làm các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán: Phản ứng nhiễm độc lá cây ở trẻ sơ sinh.

Cảnh báo trẻ sơ sinh bị dị ứng nặng do được tắm bằng lá cây - Ảnh 1.

Tổn thương quanh miệng bệnh nhi sau khi tắm lá. Ảnh: BVCC

Sau 2 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhi tiến triển tốt, da đỡ mẩn đỏ, niêm mạc mũi, miệng loét giảm, trẻ tự bú được.

Theo các bác sĩ, trong dân gian, việc dùng các loại lá cây đun nước để tắm cho trẻ sơ sinh là một việc hết sức quen thuộc, theo kinh nghiệm hoặc mách bảo nhau. Tuy nhiên, tắm bằng lá cây cho trẻ là việc cần cân nhắc, thận trọng vì những tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Da trẻ nhỏ rất mỏng, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cấu trúc da chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Đa phần các bệnh về viêm da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài. Trong khi đó, các loại lá do mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, thậm chí có nhiễm thuốc trừ sâu rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi thì mầm bệnh chưa hẳn được loại bỏ hết.

Vào mùa nắng nóng, việc tắm lá không đúng cách càng khiến trẻ bị bội nhiễm có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều cha mẹ quan niệm tắm lá vừa có tác dụng diệt khuẩn lại không hóa chất nên an toàn cho da của trẻ. Điều này là hoàn toàn sai lầm.

Khi bị viêm da, trẻ sẽ có biểu hiện sốt, quấy khóc, da toàn than, hoặc chỗ tiếp xúc mẩn đỏ, mọc mụn, lở loét ở từng vùng như loét niêm mạc miệng, mũi hoặc toàn thân, có thể có các biểu hiện của dị ứng nặng như sốc hay vô niệu.

Các bác sĩ Khoa Nhi khuyến cáo: Không phải trẻ sơ sinh nào cũng thích ứng được những loại nước lá và quả này. Trong khi đó, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, da có những đặc tính như mỏng, chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, với các chức năng bảo vệ kém nên rất dễ nhiễm khuẩn. Do đó, việc làm sạch da hằng ngày bằng các loại sữa tắm diệt khuẩn, có độ pH phù hợp sẽ tránh gây ra những kích ứng hay dị ứng cho da của trẻ. Nếu không có điều kiện, dùng nước lọc để tắm hằng ngày cho trẻ cũng rất an toàn.

Để tránh mang lại phiền phức cho bé, thậm chí là những di chứng suốt đời, các mẹ nên tắm trẻ theo quy trình chuẩn bằng nước ấm thông thường, không nên dùng lá pha nước tắm cho trẻ một cách tùy tiện không được hướng dẫn cẩn thận. Nếu thấy da bé nổi mẩn đỏ bất thường và có dấu hiệu lan trên diện rộng nên đưa bé đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để điều trị kịp thời.

 

Link gốc: https://vtv.vn/suc-khoe/canh-bao-tre-so-sinh-bi-di-ung-nang-do-duoc-tam-bang-la-cay-20210322150453557.htm?fbclid=IwAR2rxsg6Wp79aR46on_fVdX17DtPhaKEvjPlgmgT5aPdFEuDgZpVuudjgw4

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang