"Không ngờ tai họa lại ập đến như vậy!"
Hai ngày qua, chính quyền địa phương xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cùng nhiều quân nhân, bạn bè đã đến thăm hỏi, động viên với gia đình Trung tá Lê Tất Thắng người đã anh dũng hy sinh trong quá trình tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Huế).
Suốt mấy ngày qua, từ khi nhận tin Trung tá Thắng đang mất liên lạc, người thân ở quê nhà đứng ngồi không yên, lo lắng.
Ai cũng thầm cầu mong một phép màu đến với anh. Nhưng chiều tối 15/10, tin dữ báo về đã tìm thấy thi thể của Trung tá Thắng, mọi hy vọng đều bị dập tắt, người thân của anh như gục ngã sau những ngày cố gắng gượng.
Chính quyền địa phương, người thân đến thăm hỏi, động viên gia đình Trung tá Lê Tất Thắng.
Trung tá Thắng sinh năm 1978. Tháng 9/1997, anh thi đỗ và vào nhập học tại trường Sỹ quan chỉ huy Kỹ thuật thông tin.
Sau hàng chục năm công tác và cống hiến, anh Thắng được bổ nhiệm giữ chức Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn thông tin 80 Quân khu 4.
"Vì tính chất công việc nên anh thường xuyên trực cơ quan và xa nhà. Trưa 12/10, anh nhận nhiệm vụ cùng lãnh đạo đơn vị và các đồng đội vào Huế để làm nhiệm vụ cứu trợ cứu nạn phòng chống thiên tai bão lũ.
Tối hôm đó anh nhận nhiệm vụ bổ sung vào kiểm tra, cứu nạn các nạn nhân bị sạt lở trong công trình thủy điện. Tối hôm đó anh vào gần đến hiện trường thì gặp nạn", em trai Trung tá Thắng ngậm ngùi chia sẻ.
Ông Thanh ôm mặt khóc khi nghĩ về người con giỏi giang, hiếu thảo.
"Anh Thắng chỉ huy đơn vị thông tin, đảm bảo liên lạc cho Sở chỉ huy tiền phương để chỉ huy chỉ đạo nhiệm vụ phòng chống bão lũ của Quân khu đồng thời có nhiệm vụ liên lạc với Bộ và chỉ đạo tại hiện trường khu vực đó. Quá trình đi cùng chỉ huy vào hiện trường và đêm hôm đó thì gặp nạn", một người đồng đội của Trung tá Thắng đau xót chia sẻ.
Tối 12/10, quá trình vào hiện trường cứu nạn các công nhân gặp nạn, Trung tá Thắng vẫn gọi về cho vợ con. Nào ngờ, đó cũng là cuộc gọi cuối cùng của Trung tá Thắng về cho gia đình.
Từ khi nghe tin chồng gặp nạn, vợ Trung tá Thắng đang giảng dạy tại trường THPT Kim Liên như ngã quỵ phải xin nghỉ ở nhà. Suốt ngày chị chỉ ở trong phòng nằm khóc thương chồng.
Được biết, anh Thắng và vợ đã có 2 con. Cháu đầu hiện đang học lớp 10 và cháu nhỏ đang học lớp 2.
Ngồi thẫn thờ trên ghế, ông Lê Văn Thanh (68 tuổi, bố Trung tá Thắng) như đứt từng khúc ruột khi nghĩ về người con trai. Suốt 3 ngày qua, tâm trí ông rối bời. Dù rất cứng cỏi và hiểu nhiệm vụ, sự hy sinh của con nhưng ông Thanh vẫn không cầm được nước mắt khi mất đi người con giỏi giang, hiếu thảo.
Đại úy Nguyễn Cảnh Cường vừa lấy vợ cuối năm 2019 và chưa kịp có con.
"Từ khi đi học đến khi đi làm cháu nó chịu khó, vượt khó, phấn đấu tốt. Từ một anh Trung úy rồi dần dần đi lên Lữ đoàn Phó. Giờ không ngờ tai họa nó ập đến như vậy....", ông Thanh nói đoạn rồi cúi mặt khóc.
Dòng tin nhắn cuối gửi về nhà trước lúc hy sinh
Tại nhà Đại úy Nguyễn Cảnh Cường (trú xã Nghi Kim, TP. Vinh, Nghệ An), từ tối 15/10, sau khi tìm thấy thi thể của toàn bộ 13 cán bộ, chiến sỹ bị đất vùi lấp tại Trạm Kiểm lâm 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), lãnh đạo Quân khu 4 và Ban Chỉ huy Quân sự địa phương cũng đã thành lập ban lễ tang, cử người đến phụ giúp gia đình lo liệu các công tác chuẩn bị cho lễ mai táng.
Đại úy Cường sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân ngũ. Sau khi học xong THPT, anh Cường thi vào Trường Sỹ quan thông tin. Nhiều năm học tập và rèn luyện, anh đã tốt nghiệp loại xuất sắc.
Ông Nguyễn Cảnh Anh khóc nghẹn ngào khi đọc lại những dòng tin nhắn cuối của con trai gửi về trước lúc hy sinh.
Quá trình công tác tại Quân khu 4, Đại úy Cường mới được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80.
Cuối năm 2019, Đại úy Cường lấy vợ. Vợ anh công tác tại một bệnh viện ở thành phố Vinh. Vì nhiệm vụ và đặc thù công việc nên anh Cường ít khi về nhà và ít khi gặp vợ. Có đợt trực cơ quan và vì nhiệm vụ nên 2 tháng anh chẳng thể về nhà.
"Đợt lũ vừa rồi, Cường nhận lệnh đi công tác vào Huế. Con nó trực chiến ở đơn vị rồi đi vào Huế luôn chứ không về qua nhà được.
Hôm 12/10, con nó nhắn về bảo đang vào hiện trường khảo sát để lên phương án cứu nạn, cứu hộ vụ sạt lở thủy điện. Cường gửi về 2 bức ảnh đang đi xuống vùng lũ. Sau đó tôi gọi điện, nhắn tin nhưng không trả lời. Cứ nghĩ con đang đi hành quân nên không nghe được máy, không ngờ đó là dòng tin nhắn cuối của con gửi về nhà...", ông Anh nói đoạn rồi bật khóc nghẹn ngào.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/cha-gia-khoc-nghen-khi-doc-dong-tin-nhan-cuoi-cua-con-trai-la-dai-doi-truong-gui-ve-truoc-luc-hy-sinh-o-rao-trang-3-162201610195119623.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.