Cha mẹ làm điều này, con không bao giờ bị “sốc” vì có em

(lamchame.vn) - Đang được cha mẹ hết sức cưng chiều, chăm bẵm, một ngày, một em bé lạ “tự dưng” xuất hiện trong nhà lấy hết sự quan tâm của cha mẹ. Bé thấy tủi thân, ghen tỵ với em. Đó là tâm lý dễ hiểu và hoàn toàn không đáng trách của trẻ khi có em bé. Nhưng để bé hòa thuận và thương yêu em, cha mẹ cần đối xử khéo léo và công bằng giữa các con.

“Con ghét em”

Cả nhà đang quây quần vui vẻ bên mâm cơm, bỗng bé Su xị mặt, rơm rớm nước mắt: “Cả nhà bây giờ chỉ còn bà nội thương con. Ba mẹ chỉ thương em Ốc thôi”. Nghe con nói vậy, chị Trang bỗng giật mình, thời gian quá, có lẽ chị đã chưa tinh tế khiến bé Su tủi thân, cảm giác bị ra rìa khi nhà có thêm thành viên mới.

Là một người mẹ, chị Phương cũng vô cùng khó xử khi mới đây phát hiện sự ghen tỵ, thậm chí là rất gay gắt của cu Ken với em bé mới sinh. Thỉnh thoảng, khi đang loay hoay phá sữa cho con, chị bỗng thấy em bé khóc ré lên. Quay lại, chị thấy cu Ken bỏ chạy. Có lần, chị để ý và bắt gặp cu Ken nhéo trộm em. Chị buộc miệng quát con: “Ken hư quá, Ken không thương em à?”. Ken lúc này òa lên khóc: “Con ghét em, từ ngày có em, mẹ chỉ bế em thôi, mẹ không còn thương con nữa”.

Làm thế nào để bé không ghét em?

Theo chuyên viên tâm lý Ngô Phạm Thúy Trinh, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, việc trẻ ghen tỵ hay tủi thân vì có em là điều dễ hiểu. Do đó, cha mẹ nên “làm tư tưởng” cho con từ lúc đang có bầu.

Nếu mẹ tinh tế, con sẽ yêu thương em hết mực (ảnh minh họa)

Mẹ hãy nói cho con hiểu và chuẩn bị về sự ra đời của em bé mới. Ví dụ bạn cho con xem một quyển sách nói về chủ đề này, cùng con đi mua sắm đồ cho em bé, cùng con nhìn lại những hình ảnh của con lúc còn bé. Việc này giúp con có thể nhớ là con cũng đã được cha mẹ quan tâm và chăm sóc từ lúc mới lọt lòng mẹ.

Trước khi bạn có kế hoạch sinh thêm em bé thì ba mẹ cần nói để bé có sự chuẩn bị về tâm lý nếu gia đình có người chăm sóc khác. Ví dụ sau này việc chăm sóc bé sẽ do ba, bà nội, bà ngoại…để trẻ chuẩn bị tâm lý và thích ứng với người chăm sóc mới. Cha mẹ hãy cho phép đứa con lớn tham gia tích cực vào đời sống của em nhỏ, bằng cách nhờ con trông chừng em, lấy bỉm, thay tã cho em hoặc đọc sách cho em nghe.

Cha mẹ chú ý đừng so sánh các con trước mặt trẻ. Đừng bao giờ thốt ra những câu khiến trẻ buồn và thêm hằn học với em như: “Em còn giỏi hơn con”, “Em bé thế mà làm được rồi kìa”…

Nếu con có mắc lỗi, cha mẹ nhớ là đừng bao giờ quát mắng, làm trẻ bối rối trước mặt mọi người hoặc ở chỗ đông người. Trẻ sẽ không có cảm giác được tôn trọng và tạo điều kiện để em/anh/chị trêu chọc, gia tăng sự bất hòa giữa các con.

Điều quan trọng và xuyên suốt nhất, cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở con cái rằng mình là một gia đình và các con là anh chị em ruột với nhau, phải thương yêu, giúp đỡ sẻ chia với nhau.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang