Song, không ít trẻ dần quen với những thay đổi trong cuộc sống.
Sự xáo trộn lớn
Khi hôn nhân tan vỡ, một số phụ huynh đã đặt ra những câu hỏi như: “Chúng ta có nên cố gắng bên nhau vì những đứa trẻ không?”. Song, không ít cha mẹ nhận thấy, ly hôn là lựa chọn duy nhất.
Ly hôn gây ra những ảnh hưởng tâm lý nào đối với trẻ? Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc cha mẹ ly hôn có thể gây căng thẳng đối với tất cả trẻ em. Tuy nhiên, một số trẻ em hồi phục nhanh hơn bạn cùng lứa. Tin tốt là cha mẹ có thể thực hiện một số phương pháp để giảm ảnh hưởng tâm lý của việc ly hôn đối với con.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em gặp nhiều khó khăn nhất trong một hoặc hai năm đầu tiên sau khi cha mẹ ly hôn. Trẻ có thể đau khổ, tức giận, lo lắng và không tin tưởng ai. Song, không ít trẻ dần quen với những thay đổi trong cuộc sống. Tuy nhiên, những người khác dường như không bao giờ thực sự trở lại “bình thường”. Tỷ lệ phần trẻ em này có thể thường xuyên gặp các vấn đề, thậm chí là suốt đời, sau khi cha mẹ ly hôn.
Ly hôn tạo ra sự xáo trộn về mặt tình cảm đối với cả gia đình. Đặc biệt, với trẻ em, tình hình có thể khá đáng sợ, khó hiểu và bực bội. Phụ huynh ly hôn cũng có nghĩa là con sẽ ít được gặp cha hoặc mẹ. Liên lạc ít đi ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con. Theo một bài báo được xuất bản vào năm 2014, các nhà nghiên cứu phát hiện, nhiều trẻ em cảm thấy ít gần gũi với cha hơn sau khi ly hôn.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 40% các cuộc hôn nhân mới ở Mỹ vào năm 2013 bao gồm một người vợ/chồng đã kết hôn trước đó. Trong khi đó, có 20% các cuộc hôn nhân mới gồm cả hai người đều từng trải qua một lần đổ vỡ. Điều đó có nghĩa là nhiều trẻ em phải chịu đựng những thay đổi liên tục trong gia đình. Việc có thêm cha/mẹ kế và có thể cả anh chị em là một sự điều chỉnh lớn.
Tỷ lệ trầm cảm cao
Theo Tiến sĩ Carly Snyder - bác sĩ tâm thần tại New York, cha mẹ ly hôn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh, thiếu niên. Bất kể tuổi tác, giới tính và văn hóa, trẻ có cha mẹ ly hôn đều gặp nhiều vấn đề tâm lý.
Cụ thể, ly hôn có thể gây ra chứng rối loạn điều chỉnh ở trẻ em. Song, vấn đề có thể tự hết trong vài tháng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng phát hiện ra tỷ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn ở trẻ em có cha mẹ ly hôn. Ngoài ra, trẻ em từ các gia đình ly hôn có thể gặp nhiều vấn đề bên ngoài hơn, như rối loạn hành vi, phạm pháp và bốc đồng. Trẻ cũng có thể gặp nhiều xung đột hơn với bạn bè cùng lứa sau khi phụ huynh ly hôn.
“Trẻ em từ các gia đình ly hôn không phải lúc nào cũng có kết quả học tập tốt. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 cho thấy, trẻ em từ các gia đình ly hôn có xu hướng gặp rắc rối với việc học nếu cha mẹ ly hôn bất ngờ”, bà Snyder dẫn chứng.
Thanh, thiếu niên có cha mẹ ly hôn nhiều khả năng sẽ có các hành vi như sử dụng chất kích thích và quan hệ tình dục sớm. Tại Mỹ, thanh, thiếu niên có cha mẹ ly hôn uống rượu sớm hơn. Những người này cũng sử dụng rượu, cần sa, thuốc lá và ma túy nhiều hơn so với các bạn cùng lứa. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2010, thanh, thiếu niên có cha mẹ ly hôn khi trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao quan hệ tình dục trước 16 tuổi.
“Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong cách con thích nghi với việc ly hôn. Xung đột gay gắt giữa cha mẹ và con đã được chứng minh là có thể làm tăng sự đau khổ ở trẻ. Xung đột thái quá, như la hét và đe dọa lẫn nhau có liên quan đến các vấn đề về hành vi ở trẻ em. Song, căng thẳng nhỏ cũng có thể làm tăng cảm giác đau khổ của trẻ. Nếu gặp khó khăn trong việc chăm sóc con với chồng/vợ cũ, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia”, bà Snyder gợi ý.
Duy trì mối quan hệ lành mạnh
Bên cạnh đó, chuyên gia này cảnh báo, những đứa trẻ bị kẹt ở giữa cha mẹ có nhiều khả năng bị trầm cảm và lo lắng. Vì vậy, điều quan trọng là giúp trẻ được giao tiếp tích cực, cảm nhận được sự ấm áp của cha mẹ. Điều đó có thể giúp trẻ điều chỉnh tốt hơn sau khi cha mẹ ly hôn. Mối quan hệ cha mẹ - con lành mạnh đã được chứng minh là giúp trẻ phát triển lòng tự trọng cao hơn và có kết quả học tập tốt sau khi phụ huynh ly hôn.
Cha mẹ cũng được khuyến khích thiết lập các quy tắc phù hợp với lứa tuổi của con. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 cho thấy, phương pháp kỷ luật hiệu quả sau khi cha mẹ ly hôn làm giảm tỷ lệ trẻ phạm pháp và cải thiện kết quả học tập. Phụ huynh cũng cần chú ý đến những gì con đang làm, cũng như việc trẻ dành thời gian cho ai. Việc trao quyền cho trẻ cũng là điều vô cùng cần thiết. Bởi, những đứa trẻ nghi ngờ khả năng đối phó với thay đổi và coi mình là nạn nhân có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn. Vì vậy, phụ huynh hãy dạy con rằng, việc ly hôn rất khó khăn. Song, trẻ có đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua.
“Những đứa trẻ có các chiến lược đối phó tích cực, như giải quyết vấn đề và nhận thức, sẽ thích nghi tốt hơn với việc cha mẹ ly hôn. Hãy dạy con cách quản lý suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình một cách lành mạnh. Việc giúp con cảm thấy được yêu thương, an toàn có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ”, bà Snyder nhấn mạnh.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.