Cha mẹ thông thái không dạy con kiểu nhồi nhét vô ích mà biết tạo ra những “khoảng trống” cho trẻ

Điểm số “khủng”, thành tích học tập hàng “top” hay khả năng “học thuộc”, “ghi nhớ” không còn là thứ đánh giá khả năng của một học sinh. Thay vào đó, trẻ cần được dạy để chúng biết sử dụng trái tim của mình nhiều hơn.

Đó là quan điểm của GS Peck Cho, ĐH Sookmyung, Hàn Quốc. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về đào tạo cha mẹ và giáo viên hiệu quả. Ông từng diễn thuyết và tổ chức các khoá học, đào tạo tại 182 trường đại học với hơn 30.000 giáo viên trên thế giới. Thông điệp trong các bài nói chuyện của ông cũng truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng lớn tới hàng trăm nghìn cha mẹ.

Cha mẹ thông thái không dạy con kiểu nhồi nhét vô ích mà biết tạo ra những “khoảng trống” cho trẻ - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ hiện nay đang bị hối thúc quá nhiều để trường thành. (Tranh minh hoạ: Lucy Jones)

GS Peck Cho cho rằng "việc nhồi nhét nhiều thông tin hơn nữa cho trẻ, khiến dẫn đến một nghịch lý là thay vì tạo ra sự sáng tạo thì trẻ sẽ chỉ sử dụng sự sáng tạo. Sử dụng sự sáng tạo của người khác thì bạn luôn là người đi sau." Trong khi cha mẹ đang ra sức thúc đẩy con cái họ trở thành người dẫn đầu trong mọi kỳ thi, cuộc chơi, năm học, họ đã không nhận ra rằng, việc huấn luyện chuyên sâu cho trẻ có thể phản tác dụng và biến trẻ trở thành những cỗ máy thường xuyên bị quá tải vì "nhập quá nhiều dữ liệu" mỗi ngày. 

Vì thế, theo ông, đừng bắt trẻ trả lời các câu hỏi của bạn thêm nữa, "việc trả lời các câu hỏi hãy dành cho robot, còn chúng ta, hãy để trẻ có cơ hội và được hướng dẫn để đặt ra các câu hỏi của riêng chúng". Bởi, trẻ chỉ có thể đặt câu hỏi khi chúng còn tò mò, đam mê khám phá và luôn khao khát sáng tạo.

Cha mẹ thông thái không dạy con kiểu nhồi nhét vô ích mà biết tạo ra những “khoảng trống” cho trẻ - Ảnh 2.

Hội chứng "quá nhanh, quá nhiều, quá thừa, quá đầy đủ" khiến những đứa trẻ hiện đại bị tổn thương sâu sắc và trở nên quá nhạy cảm trước những thay đổi của cuộc sống. (Tranh minh hoạ: Amanda Eliasson)

Từ quan điểm đó, GS Cho đưa ra một "công thức tạo ra sự sáng tạo" cho trẻ bao gồm: Kiến thức cơ bản, sự bay bổng, sự tò mò, sự phiêu lưu, tư duy tích cực và những "khoảng trống trong não". Ông nhấn mạnh rất nhiều đến "khoảng trống trong não", đó là nơi dành cho khả năng chấp nhận và thích ứng với những ý tưởng mới, khả năng giao tiếp và đồng cảm với người khác… Cho phép trẻ phát triển và trưởng thành hơn, cho phép trẻ tự kiến tạo cuộc sống của mình, không gian để trẻ mơ về tương lai và có những hình dung về cuộc sống. Theo ông, "khoảng trống" này chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt và thành công của trẻ.

Bố mẹ có thể tạo ra "khoảng trống" cho não trẻ như thế nào?

Vui chơi tự do ngoài trời nhiều hơn

Trẻ hiện nay đang bị nhốt trong nhà phần lớn thời gian trong ngày và việc vui chơi của trẻ cũng phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố như sự hỗ trợ của các thiết bị hay người lớn. Trẻ cần được vui chơi tự do ngoài thiên nhiên nhiều hơn để học cách chơi tự lập bởi chơi tự lập cũng là một trong những kỹ năng cần thiết cho trẻ trong suốt cuộc đời. Không gian ngoài thiên nhiên sẽ giúp trẻ hình thành nhiều kỹ năng từ vận động, giao tiếp đến cảm xúc, tạo ra cho trẻ những thử thách vừa đủ để chinh phục, giúp trẻ thư giãn, cân bằng và tự tin hơn. Theo thống kê từ nghiên cứu của các chuyên gia, mỗi ngày trẻ cần ít nhất 3 giờ cho các hoạt động ngoài trời.

Sinh hoạt theo đúng nhịp điệu và tốc độ của trẻ

Tác giả David Elkind đã viết hẳn một cuốn sách có tên "Những đứa trẻ chín ép" để miêu tả cách chúng ta đang hối thúc con trẻ phải trưởng thành nhanh và trở nên xuất sắc như thế nào. Cha mẹ hiện đại khẳng định các giá trị mình đạt được trong việc nuôi dạy con bằng "tốc độ", vì thế, họ không tránh khỏi việc giục giã, thúc ép trẻ hàng ngày. "Nhanh lên nào!", "Khẩn trương lên!", "Đừng có lề mề như thế!" …  là những mệnh lệnh thức có thể nghe thấy ở bất cứ gia đình nào và việc này gây ra rất nhiều hệ luỵ nguy hiểm tới lớp trẻ ngày nay. 

Trẻ cần có thời gian và sự kiên nhẫn của cha mẹ để được làm mọi thứ theo tốc độ và nhịp điệu tự nhiên của mình. Cha mẹ hãy đóng vai trò là người dẫn dắt trẻ, giống như bà Maria Montessori nói "dạy trẻ ít đi và quan sát trẻ nhiều hơn." Khi đứng ở vị trí của một người quan sát, cha mẹ sẽ học được cách đặt niềm tin tuyệt đối vào năng lực tuyệt vời của trẻ, học được sự kiên nhẫn để chờ đợi những điều kì diệu mà trẻ có thể tạo ra và mang đến.

Cha mẹ thông thái không dạy con kiểu nhồi nhét vô ích mà biết tạo ra những “khoảng trống” cho trẻ - Ảnh 3.
 

Tạo môi trường an toàn để trẻ tự thử nghiệm và khám phá

Có một thực tế khá rõ ràng rằng, cha mẹ thường có xu hướng lo lắng và bảo vệ con mình một cách quá mức cần thiết. Điều khó khiến cha mẹ tước đi của trẻ bản năng tò mò, khám phá và không sợ thất bại, họ thường nghĩ thay và làm hộ trẻ trong hầu hết các việc mà lẽ ra trẻ hoàn toàn có thể tự làm một cách dễ dàng. Khi cha mẹ xây dựng được không gian vật lý và tinh thần đủ an toàn cho trẻ, thì đó chính là cơ hội tuyệt vời để trẻ có thể tự tin thử nghiệm, học hỏi và tìm tòi những điều khiến trẻ tò mò. Đó cũng là quá trình để trẻ hoàn thiện nhiều kỹ năng quan trọng cho cuộc sống.

Được là chính mình

Trẻ cũng là con người - với trọn vẹn những ý nghĩa cơ bản nhất của từ này. Tức là chúng cũng có nỗi buồn, sự thất vọng, gặp phải thất bại hay mắc những sai lầm; ngay từ nhỏ, trẻ cũng đã có chính kiến, có nhu cầu thể hiện quan điểm và cảm xúc của bản thân… Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ đều vô tình (hoặc cố ý) bỏ qua những nhu cầu đó của trẻ. 

Cha mẹ tỏ ra lo âu khi thấy trẻ kêu buồn chán và tìm đủ mọi cách để lúc nào chúng cũng cảm thấy vui vẻ, kể cả việc đáp ứng ngay lập tức để trẻ đạt được điều mà chúng muốn. Cha mẹ có xu hướng áp đặt suy nghĩ lên trẻ, quyết định thay trẻ quá nhiều và đặt trẻ vào những bản kế hoạch và lịch trình do chính mình tạo ra. Tất cả những điều đó dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng là trẻ đánh mất chính mình. Chúng không biết mình là ai và điều gì khiến mình trở nên quý giá và đặc biệt. Vì thế, lắng nghe, tin tưởng và tôn trọng là điều cha mẹ cần luôn tự nhắc nhở và thực hành mỗi ngày để trước khi trở thành những đứa trẻ xuất sắc, trẻ sẽ hạnh phúc vì được là chính mình. 

 (*) Các thông tin trích dẫn lời GS Peck Cho trong bài viết này được ghi chép từ một cuộc nói chuyện của GS với các giáo viên Việt Nam năm 2018.

Nhà báo, Tác giả sách thiếu nhi và Làm cha mẹ Phạm Thị Hoài Anh.

Chị là tác giả của các cuốn sách như "Trái tim của mẹ", "Bàn tay của bố", "Mỗi ngày 15 phút yêu con".

Trong đó, cuốn sách "Trái tim của mẹ" đã từng đoạt giải thưởng Grand Prize cuộc thi Samsung KidsTime Authors' Award awarded dành cho các tác giả Đông Nam Á tại Asian Festival of Children's Content (AFCC) do Hội đồng Sách Singapore tổ chức năm 2015 và Giải Bạc sách Hay Việt Nam 2016 do Hiệp hội xuất bản Việt Nam trao tặng. Hiện chị đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Độc giả có thể tìm đọc những bài viết của tác giả Hoài Anh TẠI ĐÂY.

 

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/cha-me-thong-thai-khong-day-con-kieu-nhoi-nhet-vo-ich-ma-biet-tao-ra-nhung-khoang-trong-cho-tre-22202129313624355.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang