Nhận diện bệnh chán ăn tâm thần
Về lứa tuổi mắc bệnh này, ThS.BS. Vũ Sơn Tùng, Phó Trưởng phòng Điều trị rối loạn tâm thần cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: 85% bệnh nhân ở độ tuổi 13 đến 18, là giai đoạn có nhu cầu làm đẹp. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh dưới 15 tuổi ngày càng tăng. Bệnh nhân lớn tuổi hoặc dưới 11 tuổi tại thời điểm khởi phát rối loạn có tiên lượng tồi tệ hơn.
Bác sĩ Sơn Tùng chia sẻ về cách nhận diện bệnh như sau: Chán ăn tâm thần là rối loạn ăn uống do hạn chế năng lượng nạp vào so với nhu cầu. Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi về việc tăng cân, thậm chí không thể nhận ra mức độ nghiêm trọng khi trọng lượng cơ thể giảm thấp đáng kể. Có 2 loại chán ăn tâm thần. Một là hạn chế ăn uống: Người bệnh hạn chế lượng thức ăn nạp vào bằng cách ăn càng ít càng tốt. Hai là ăn và đào thải: Người bệnh ăn thức ăn nhưng sau đó bị nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra ngoài.
Thống kê tại Mỹ cho thấy: Tỷ lệ mắc chứng chán ăn tâm thần suốt đời chiếm khoảng 0,6% ở dân số trưởng thành. Tỷ lệ mắc ở nữ giới gấp 3 lần nam giới. Căn bệnh này thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên, thường là khi bắt đầu dậy thì và hình dạng cơ thể thay đổi. 85% bệnh nhân ở trong độ tuổi từ 13 đến 18. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh khi dưới 15 tuổi ngày càng tăng.
Lý giải về nguyên nhân khiến chứng chán ăn tâm thần thường khởi phát ở tuổi dậy thì, bác sĩ Vũ Sơn Tùng cho biết: ở độ tuổi này, các bé thường so sánh với cơ thể của bạn bè và đôi khi nhận thức tiêu cực về cơ thể của mình. Từ đó, các bạn nhỏ quyết định ăn kiêng, điều này, làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn ăn uống. Thêm vào đó, sự phổ biến của phim ảnh và tạp chí dẫn đến việc truyền bá chuẩn mực vẻ đẹp hình thể là mảnh mai, thon gọn khiến nó trở thành trào lưu của không ít bạn trẻ.
Ám ảnh giảm cân đến nhập viện
ThS.BS Nguyễn Phương Linh, Phòng điều trị Rối loạn cảm, Viện Sức khỏe tâm thần kể về một trường hợp mà chị đang trực tiếp điều trị. "Là con một trong gia đình, cậu bé 13 tuổi (cao 1m56, nặng 67kg) vốn là người nhanh nhẹn, hoạt bát và luôn là học sinh giỏi trong suốt nhiều năm. Trước khi vào viện một năm, trong khi chơi đùa, cậu bé bị bạn bè chê béo. Điều đó khiến cậu bé rất buồn và luôn có cảm giác tự ti. Dần dần, cậu không thích chơi với các bạn, không thích tham gia các hoạt động ở trường lớp như trước. Sau đó, cậu tự tìm hiểu về các phương pháp giảm cân trên mạng xã hội, tự giảm tất cả lượng thức ăn nạp vào cơ thể, đồng thời thực hiện các bài tập thể dục để đốt cháy mỡ thừa với cường độ cao.
Điều đáng nói là khi cậu đã cao 1m73, nặng 51kg, thể trạng gầy gò, cậu vẫn tiếp tục ăn kiêng và tập luyện như trước. Cậu thường xuyên soi gương và luôn ám ảnh việc mình bị tăng cân trở lại, nên không ăn thịt cá, mà chỉ ăn bánh bao chay buổi sáng và vài thìa cơm trắng vào buổi trưa và tối, cùng vài cọng rau. Cậu cho biết nếu không tập thể dục như cũ, có cảm giác đau khổ bồn chồn bứt rứt, khó chịu trong người.
Không chỉ thay đổi thể chất, tâm lý cậu bé cũng thay đổi. Cậu ít nói chuyện với mọi người, kể cả bố mẹ và bạn bè cùng lớp, không còn thích thú với bóng đá, bơi lội như trước. Thấy con trở nên gầy gò, mệt mỏi, hoạt động chậm chạp hơn, gia đình đã đưa cậu bé đến Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ chỉ định cậu bé phải bổ sung vi chất, cải thiện chế độ ăn uống, giảm luyện tập. Tuy nhiên khi về nhà, cậu vẫn không thay đổi. Gia đình lại đưa cậu đến bệnh viện và lần này, cậu phải nhập Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. May mắn, chỉ sau hơn một tháng điều trị, với sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và gia đình, sức khỏe của cậu bé đã tiến triển rất tốt.
Hệ lụy của chứng chán ăn tâm thần
Người mắc chứng chán ăn tâm thần thường kèm theo các dấu hiệu về thể chất như: Giảm cân quá mức; ngoại hình mỏng manh, thon gọn quá mức; mệt mỏi; mất ngủ; chóng mặt hoặc ngất xỉu; móng tay đổi màu xanh; tóc mỏng, dễ gãy hoặc rụng; lông tơ mềm phủ khắp cơ thể; mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt; táo bón và đau bụng; da khô hoặc hơi vàng; không chịu được lạnh; nhịp tim tăng hoặc giảm bất thường; huyết áp thấp; mất nước; sưng cánh tay hoặc chân; răng bị mài mòn…
Các chuyên gia cũng cho rằng, ở mức nghiêm trọng nhất, chán ăn tâm thần còn có thể gây tử vong đột ngột do rối loạn nhịp tim, mất cân bằng điện giải trong cơ thể…
Ngoài các biến chứng về thể chất, theo bác sĩ Vũ Sơn Tùng, những người mắc chứng chán ăn thường mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, bao gồm: Trầm cảm, lo âu và các rối loạn cảm xúc khác, rối loạn giấc ngủ; rối loạn nhân cách; rối loạn ám ảnh cưỡng chế; lạm dụng rượu và chất gây nghiện; hành vi tự hủy hoại, ý tưởng và hành vi tự sát…
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có khoảng 22% người bệnh chán ăn tâm thần có tiền sử ít nhất một lần từng tự gây tổn thương bản thân bằng các hình thức như tự cắt, cứa vào da hoặc gây bỏng bằng thuốc lá... Khoảng 20-25% người bệnh mắc chán ăn tâm thần có tiền sử cố gắng tự sát.
Các bác sĩ khuyến cáo, với người bệnh là thanh, thiếu niên, những rối loạn tâm thần khởi phát của chứng chán ăn tâm thần có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hình thành nhân cách trong tương lai. Chính vì vậy, người bệnh cần được đến khám và điều trị tại đúng chuyên khoa tâm thần để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.