Chẳng cần phải cho đi học trước, bé vẫn siêu toán chỉ với 10 trò chơi đơn giản ở nhà này

Những trò chơi dành cho bố mẹ và các con có thể kích thích khả năng tư duy của bé và giúp bé làm toán giỏi hơn...

1. Hiểu về khái niệm số

Những trò chơi này không chỉ mang đến sự hào hứng cho trẻ nhỏ mà còn giúp con “khắc cốt ghi tâm” với những con số:

Đếm các đồ vật trong nhà: Đếm số cúc áo trên áo sơ mi của con, đếm số quả cam con lấy giúp bạn cho vào giỏ đồ siêu thị, đếm số dĩa đặt trên bàn ăn, đếm số bậc cầu thang trong nhà …Bắt đầu với các số bé ( từ 1 đến 5) và tăng dần khi thấy con bạn đã sẵn sàng với những số mới.

- Đặt các vật nhỏ theo hàng: Thu thập một số đồng xu và yêu cầu con đếm. Sau khi con đã đếm xong, sắp xếp các đồng xu thành vòng tròn, thành 1 hàng hoặc rải đều chúng ra rồi yêu cầu con đếm lại. Đừng ngạc nhiên nếu con bạn phải đếm lại lần nữa. Nếu con có thể trả lời mà không cần đếm lại, tức là con đã hiểu được sự bất biến của số.

- Tìm các đồ vật cùng cặp: Nếu con bạn gặp khó khăn trong việc nhận biết sự tương ứng một-một, hãy tìm các đồ cùng cặp như thìa và dĩa, tách và đĩa, đồ chơi ngựa và cao bồi, và yêu cầu bé ghép chúng lại thành từng cặp tương ứng. Sau đó, yêu cầu bé đếm các cặp đồ vật để giúp bé củng cố khái niệm mỗi cặp là một số tương ứng.

- Chơi trò thẻ bài liên quan đến đếm số: Bạn có thể sử dụng các thẻ bài, yêu cầu con đếm số con vật hay đồ vật trong thẻ. Sau đó, bạn có thể yêu cầu bé chọn các thẻ bài có số lượng giống nhau. Một trò chơi khác mà các bé cũng rất thích thú là trò chơi xúc xắc.

2. Hiểu về hình học và không gian

Trẻ em có thể phát triển sự hiểu biết cơ bản về hình học và quan hệ không gian khi chơi với hình khối và các đồ chơi xây dựng khác. Bạn hãy tăng cường các kỹ năng liên quan đến hình học cho bé dựa trên những khái niệm này.

- Nhận biết các hình dạng trong nhà bạn: Hãy cùng bé tìm kiếm các hình dạng cơ bản xung quanh nhà, chẳng hạn như hình chữ nhật của công tắc điện, hình vuông của các khung cửa sổ, hình tròn của đồng hồ, v.v.

- Dạy con khái niệm về vị trí và kích thước thông qua các bức tranh trong sách, truyện: Khi đọc truyện tranh cho bé, hãy hỏi bé các câu hỏi liên quan đến các bức tranh trong truyện. Ví dụ như: "Mặt trăng ở đâu? Có ở trên cây không ? Hay mặt trăng ở  dưới gốc cây?" Hoặc hỏi bé các câu hỏi về kích thước như: " Con hà mã có lớn hơn con khỉ không? Con vật nào to hơn? Con vật nào nhỏ hơn?"

- Vẽ sơ đồ ngôi nhà của bạn: Hướng dẫn bé vẽ sơ đồ ngôi nhà bạn. Hãy hỏi bé các câu hỏi như: Phòng bếp ở đâu? Phòng ngủ của con ở đâu? Khu vườn ở đâu?… Những câu hỏi này sẽ giúp bé xác định được vị trí các vật thể trong không gian; cũng như khoảng cách xa gần giữa các vật thể.

3. Biết các đo lường

Có rất nhiều dạng thức đo lường (chiều dài, chiều cao, trọng lượng, kích thước, số lượng) và nhiều công cụ để đo. Bạn có thể dạy bé các khái niệm đo lường thông qua các hoạt động thường ngày.

Đong đếm khi bạn đang nấu nướng. Đổ nước hoặc bột vào trong bát và đong bằng thìa có định lượng để giới thiệu cho bé khái niệm số nguyên và phân số. Hỏi bé các câu hỏi như “ Một thìa này là bao nhiêu ml”; “ Nếu con đong nửa bát bột, con sẽ có bao nhiêu gram bột?" …

Đoán trọng lượng tại siêu thị. Khi cùng bé đi siêu thị, lấy hai món đồ khác nhau rồi hỏi bé xem cái nào nặng hơn: “Hộp súp nặng hơn hay hộp bánh quy nặng hơn?”; “Con có thể đoán xem quả dưa hấu này nặng bao nhiêu kg không?”

So sánh kích cỡ chân. Đặt bàn chân của bạn bên cạnh bàn chân của bé và hỏi bé chân ai dài hơn hoặc lớn hơn. Dùng thước đo để giúp bé phân biệt các khái niệm về dài và ngắn; to và nhỏ.

(Theo Parents)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang