Chảy máu cam ở trẻ em và cách xử trí

Theo ghi nhận ở các cơ sở y tế, mới vào mùa đông nhưng số trẻ đi khám do bị chảy máu cam tăng. Nhiều cha mẹ lo lắng con bị bệnh hiểm nghèo.

Nguyên nhân gây chảy máu mũi

Theo TS.BS Đào Đình Thi – Trưởng khoa nội soi, BV Tai mũi họng TW, dân gian hay gọi là chảy máu cam nhưng về y khoa thì gọi đó là hiện tượng chảy máu mũi. Có 3 nguyên nhân chính gây ra bệnh chảy máu mũi, thứ nhất là do tổn thương tại chỗ như người bệnh có khả năng bị u ở vùng hốc mũi, viêm nhiễm, rối loạn đông máu hoặc chấn thương dị vật, thứ hai là do chịu tăng áp lực từ bên trong (nguyên nhân này thường gặp ở người già bị bệnh cao huyết áp), thứ ba do thành mạch bị yếu. “Thực tế, có 90% trẻ bị chảy máu mũi là do thành mạch yếu, chỉ có 10% là do nguyên nhân bệnh lý nghiêm trọng” – TS.BS Đào Đình Thi nhận định.

Sở dĩ vào mùa đông, thời tiết hanh khô, trẻ bị chảy máu mũi nhiều hơn là do trẻ bị khô mũi, bị viêm, hay ngoáy mũi làm xước niêm mạc và giảm sức bền của thành mạch.

Dấu hiệu nhận biết những bất thường của chảy máu mũi

Nếu trẻ bị chảy máu mũi thông thường, cha mẹ có thể quan sát con sẽ chỉ bị chảy máu một bên mũi, máu chảy ra từ phía trước mũi (nếu có chảy xuống họng thì số lượng cũng ít). Khối lượng máu chảy không nhiều và thường ngừng chảy máu sau khi cha mẹ dùng hai tay giữ ở cánh mũi của trẻ một lúc. 

Chảy máu cam ở trẻ em và cách xử trí - Ảnh 1.

Vào mùa đông, nhiều trẻ thường bị chảy máu cam. (Ảnh minh họa)

Sau đó cha mẹ nên dùng nước muối biển xịt vào mũi hoặc nhỏ nước muối sinh lý để giữ ẩm cho mũi. Nếu thực hiện các bước trên xong mà trẻ vẫn bị chảy máu mũi với khối lượng nhiều thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm. 

TS.BS Đào Đình Thi khuyên cha mẹ nên đưa con đi khám ở Bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng, làm phương pháp loại trừ trước rồi có thể trẻ sẽ được chuyển đến khám tại khoa tim mạch (nếu huyết áp tăng) hoặc khám ở BV huyết học nếu trẻ bị rối loạn đông máu…

Phòng bệnh cho con

Cha mẹ có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách giữ ẩm cho mũi, rửa sạch không để mũi bị viêm nhiễm, không cho trẻ ngoáy mũi và bổ sung vitamin C thường xuyên. Tránh cho trẻ hoạt động mạnh hoặc chơi các môn thể thao như chạy, nhấc vật nặng. Nếu trẻ bị táo bón thì cha mẹ cho trẻ uống nhiều nước và tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn hằng ngày.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang