Thế nên đừng ngụy biện rằng cho con đi học sớm là vì muốn tốt cho con, là để con tự lập hay thông minh. Đừng lấy đó là cái cớ để khỏa lấp cho mong muốn nhỏ nhen, ích kỷ của mẹ. Cho con đi học sớm nếu không phải vì nguyên nhân bắt buộc, thì chắc chắn chỉ vì mẹ muốn được nhàn thân. Con mới hơn một tuổi, chập chững biết đi mẹ đã vội đưa ngay tới trường với cái lý do không thể chính đáng hơn “để con tự lập sớm”, còn mẹ thì sung sướng tung tăng váy áo đi làm, có thời gian làm đẹp, có thời gian shopping và cả tụ tập bạn bè. Mẹ vui cuộc đời của mẹ và vội trao gửi con cho những người xa lạ.
Chỉ những người mẹ ích kỷ mới cho con đi học sớm (Ảnh minh họa)
Con bị đem đến lớp khi còn quá nhỏ, con còn quá non nớt để hiểu được điều gì đang xảy ra. Con chỉ cảm thấy mình bị bỏ rơi, con khóc, con gào gọi mẹ đến lạc cả tiếng. Chỉ nhìn cảnh ấy thôi cũng đủ để bất cứ người mẹ nào cũng phải quặn lòng. Khi còn bóng mẹ, các cô cười nói đon đả, cô hứa sẽ chăm con cẩn thận, sẽ không để con phải bơ vơ. Nhưng khuất bóng mẹ rồi thì mình cô phải một mình chiến đấu với mấy chục cháu, cho dù cô có 5 đầu 6 tay cũng chẳng chăm sao cho xuể. Lẽ dĩ nhiên con sẽ phải tự khóc, tự nín, tự mình vượt qua nỗi sợ hãi tột bậc khi đột nhiên bị mẹ “bỏ rơi”.
Chỉ nghĩ đến việc đứa con còn quá nhỏ bé của mình, bước đi còn khó khăn lại phải bơ vơ tự mình đối mặt với nỗi sợ ấy, con co rúm mình trong lớp, hãi hùng nhìn những gương mặt đầy xa lạ tôi đã không dám tưởng tượng thêm. Ấy vậy mà nhiều mẹ nhẫn tâm đẩy đứa con vừa tròn tuổi của mình tới lớp. Tôi dám chắc rằng những đứa trẻ bị đẩy tới lớp quá sớm chắc chắn sẽ phải trải qua những cơn khủng hoảng khủng khiếp khi phải đối mặt với sự thay đổi quá sức đột ngột. Con còn quá non nớt để chịu đựng được cú sốc đó.
Đi học nghĩa là con chẳng con được bàn tay chăm sóc dịu dàng của người thân. Con phải chia sẻ sự chăm sóc với hàng chục đứa trẻ khác. Để rồi con ăn bữa no bữa đói, con khóc cả ngày vì nhớ mẹ. Tôi có người chị, cũng như rất nhiều bà mẹ khác chị tôi đưa con đi học từ rất sớm, khi bé mới được 15 tháng. Thời gian đầu cho con đi học chị lấy làm sung sướng và tự hào lắm. Chị hãnh diện vì con mình giỏi giang hơn, tự lập hơn những đứa trẻ khác. Chị cũng hạnh phúc vì cuối cùng cũng trở lại được thời kỳ son rỗi thuở nào. Đi học được hai tuần thì cháu tôi bắt đầu ốm, ban đầu chỉ là ho đờm, sổ mũi do lấy của mấy bé cùng lớp. Sau thì bệnh nặng thành viêm phổi, bé nằm viện 2 tuần. Đến thăm nhìn cháu gầy rộc hẳn đi, tay bầm dập bởi những vết tiêm mà tôi thương bé quá. Sau lần ốm nặng đó, chị tôi quyết định để con ở nhà cho đến khi cứng cáp hẳn mới tập cho đi lớp.
Nhiều người bảo rằng con ở nhà sẽ hư, nhưng tôi không cho là vậy. Con hư tại mẹ, nếu dạy dỗ đúng cách thì chẳng có đứa trẻ nào lại hư đốn cả. Con tôi ở nhà cho đến khi tròn 3 tuổi tôi mới cho đến lớp. Suốt 3 năm con ở nhà, tôi vẫn dạy con đủ những kỹ năng cần thiết. Tôi cho con ra ngoài thường xuyên, đi chơi công viên hay những nơi công cộng mỗi khi mẹ rảnh rỗi. Tôi cũng cho con chơi với lũ trẻ hàng xóm dưới sân nhà để con có bạn và học dần cách hòa nhập với một tập thể. Tôi rèn cho con thói quen ăn ngủ lành mạnh, ăn đúng giờ, ngủ có giấc. Nhờ vậy mà con tôi cùng sinh hoạt nề nếp không kém gì các bé đi học ở lớp. Nhưng con tôi hạnh phúc hơn bởi con được ở nhà, được chăm bẵm đầy đủ bởi mẹ và ông bà nội.
Những đứa trẻ đi học quá sớm chắc chắn sẽ phải trải qua cơn khủng hoảng (Ảnh minh họa)
Đến 3 tuổi con đã ăn cơm tốt, ngủ nghỉ có nề nếp, con cũng bạo dạn làm quen với các bạn nhỏ tuổi gặp được ở công viên hay khu vui chơi. Lúc này tôi yên tâm đưa con tới lớp. Tôi làm tuần tự, để con làm quen dần dần. Dĩ nhiên con cũng mất tới 1 tuần mới thực sự quen được với lớp học. Nhưng lúc này con đã cứng cáp, con tự biết xúc cơm, biết gọi cô giáo nếu buồn tè hay đi ị, con cũng biết tự làm quen và chơi với các bạn trong lớp. Con hòa nhập nhanh bởi những kỹ năng này đó đều được mẹ kiên nhẫn rèn luyện từ trước đó. Lúc này tôi đưa con đến trường trong tâm trạng thoải mái, tôi yên tâm vì con đã đủ vững vàng để tự lập. Tôi không phải ôm nỗi lo con ốm, con không ăn được, hay lo cô không có đủ thời gian để trông nom đến con.
Vậy đấy, tôi chẳng thấy có lý do gì để đưa con tới lớp sớm trừ trường hợp bất khả kháng. Nếu có khả năng để con ở nhà nhưng mẹ vẫn cố cho đi học sớm thì chỉ có thể nói rằng mẹ đang quá ích kỷ mà thôi.
(Bài viết nêu quan điểm của tác giả)
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.