Cathy Jones, nhà văn kiêm nữ diễn viên nổi tiếng tại Canada, đã từng chia sẻ kinh nghiệm của mình khi phải đối mặt với bệnh teo âm đạo. Ở độ tuổi ngoài 50, cô cũng gặp phải những triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm bàng quang. Người phụ nữ này kể lại: “Có lúc cơn đau vùng chậu kinh khủng đến nỗi tôi chỉ có thể nằm trên trên giường cả ngày”.
Theo kết quả xét nghiệm, Cathy được biết niêm mạc bàng quang của mình bị phồng rộp nghiêm trọng. Sau đó, bác sĩ khuyên cô nên dùng những sản phẩm tăng cường estrogen đến các mô do chúng có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe bàng quang. Teo âm đạo làm giảm nồng độ hormone này, từ đó gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể. Các mô của âm đạo không chỉ thuộc về âm đạo. Chúng nằm ngay cạnh bàng quang và trực tràng. Do đó, duy trì sức khỏe các mô này sẽ đem lại lợi ích cho toàn bộ khu vực xung quanh.
Hiện tại, sau một thời gian điều trị, Cathy đã hồi phục và lấy lại sức khỏe. Cô cho biết: “Tôi cảm thấy thật nực cười khi nghĩ về rất nhiều phụ nữ cũng đang phải trải qua điều này nhưng không dám nói ra hoặc đi khám. Tại sao bạn phải cố gắng chịu đựng trong khi hoàn toàn có cách giải quyết?”. Trên thực tế, một số chị em cảm thấy xấu hổ khi đề cập tới vấn đề này. Nếu bạn cũng đang gặp các triệu chứng giống như Cathy, hãy tìm tới các chuyên gia tư vấn càng sớm càng tốt nhằm tránh các biến chứng tiềm ẩn do bệnh gây nên.
Những người nào có nguy cơ mắc teo âm đạo nhất?
Cơ thể, đặc biệt là vùng kín, có xu hướng thay đổi theo thời gian. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, rất nhiều chị em phụ nữ cảm nhận được điều này một cách rõ ràng. Theo nghiên cứu đến từ Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), mãn kinh khiến lượng hormone estrogen trong cơ thể giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới âm đạo và đường tiết niệu. Theo thời gian, niêm mạc âm đạo trở nên mỏng, khô và kém đàn hồi hơn.
Thống kê đăng trên Tạp chí y học Menopausal đã chỉ ra, teo âm đạo ảnh hưởng đến 45% phụ nữ, thường xuất hiện ở người mãn kinh, tiền mãn kinh, trong độ tuổi từ 40-50. Jessica Shepherd, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ sản phụ khoa ở Dallas, Texas cho biết, do lưu lượng máu đi đến âm đạo giảm mạnh, teo âm đạo có thể cản trở khả năng đạt khoái cảm khi làm chuyện chăn gối.
Những triệu chứng teo âm đạo
Mary Jane Minkin, chuyên gia y khoa kiêm giáo sư về sản phụ khoa và sản học tại Trường Y Yale cho biết, không chỉ phá hủy “cuộc vui”, tình trạng này còn dẫn tới một số triệu chứng khác ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
Nhìn chung, các dấu hiệu chủ yếu bao gồm nóng rát và ngứa vùng kín, khô âm đạo, chảy máu sau khi quan hệ, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm âm đạo, đi tiểu thường xuyên. Trên thực tế, theo bác sĩ Shepherd, teo âm đạo cũng làm mỏng niêm mạc bàng quang và khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng bàng quang như trường hợp kể trên.
Teo âm đạo ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống?
Chuyện chăn gối là một trong những vấn đề chịu ảnh hưởng lớn nhất. Thiếu chất bôi trơn gây kích ứng các mô âm đạo, tạo ma sát và khiến các chị em không muốn làm chuyện ấy vì đau đớn. Theo giáo sư Minkin: “Đây là một vòng luẩn quẩn vì nếu bạn không quan hệ tình dục, vùng kín sẽ càng khô hơn”. Làm chuyện ấy thường xuyên sẽ tăng lưu lượng máu đến âm đạo, kích thích sản sinh một số hormone giúp giữ cho khu vực này đàn hồi và được bôi trơn.
Thay đổi về đường tiết niệu cũng là vấn đề cần phải kể đến. Người mắc có xu hướng đi vệ sinh thường xuyên, cảm thấy nóng rát hoặc đau đớn khi tiểu tiện.
Cần làm gì để tránh teo âm đạo?
Hiện nay có rất nhiều cách để điều trị teo âm đạo. Theo ACOG, các loại thuốc, chất bôi trơn và dưỡng ẩm âm đạo thường bán ở hiệu thuốc sẽ giúp giảm khô, ngăn ngừa những cơn đau khi làm chuyện chăn gối.
Ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống cũng đóng vai trò quan trọng. Mặc đồ lót cotton và quần áo rộng rãi có thể cải thiện các triệu chứng. Việc làm này giúp khu vực xung quanh bộ phận sinh dục thông thoáng, tạo môi trường ít lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn nên tăng cường Vitamin D để thúc đẩy cơ thể hấp thụ canxi. Bổ sung chất này kết hợp với việc duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên sẽ hạn chế đáng kể ảnh hưởng của quá trình lão hóa trong thời kỳ mãn kinh.
Theo Prevention
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/chi-em-khong-nen-chu-quan-voi-nhung-dau-hieu-canh-bao-can-benh-phu-khoa-anh-huong-toi-45-phu-nu-162200909140911053.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.