Chia sẻ của 3 người phụ nữ phải sống chung với lạc nội mạc tử cung: Bệnh có thể xuất hiện từ nhiều năm nhưng không dễ để biết

Theo thống kê của Tạp chí Vogue, cứ 10 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Anh thì có một người phải sống chung với bệnh lạc nội mạc tử cung.

Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh gây ra những cơn đau đớn do các tế bào lót trong tử cung phát triển ở các khu vực khác trên cơ thể. Trên thực tế, lạc nội mạc tử cung thường bị chẩn đoán sai và thậm chí người bệnh phải mất tới 8-11 năm mới phát hiện. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe thể chất, tâm lý, các mối quan hệ và sự nghiệp của nhiều chị em. 

Dưới đây là những lời tâm sự và chia sẻ của 3 người phụ nữ khi phải sống chung với căn bệnh này nhiều năm nhưng không hề hay biết:

Bất ngờ tột độ khi phát hiện bị lạc nội mạc tử cung

Sống chung với lạc nội mạc tử cung: Chia sẻ của ba người phụ nữ khi phải đối mặt với căn bệnh này nhiều năm nhưng không hề hay biết - Ảnh 1.

Lạc nội mạc tử cung gây ra những cơn đau dai dẳng do các mô thường nằm bên trong tử cung phát triển ở bộ phận khác bên trong cơ thể như buồng trứng, ống dẫn trứng và bọng đái.

Emma Roche không thể ngờ cô lại được chẩn đoán mắc lạc nội mạc tử cung. Sau một năm kể từ khi nhận được bằng tiến sĩ ở độ tuổi ngoài 20, cô gái trẻ bắt đầu phải đối mặt với những cơn đau ở xương chậu. Mãi đến đầu năm 2021, Emma mới nhận được chẩn đoán của bác sĩ và hiện đang điều trị bằng liệu pháp hormone.

  • Người mẫu 28 tuổi, cựu Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu Hoàn vũ 2012 chia sẻ về căn bệnh lạc nội mạc tử cung mà cô phải chịu đựng nhiều năm

Cô chia sẻ: “Các triệu chứng ban đầu không quá nghiêm trọng. Tôi chỉ cảm thấy khó chịu trong xương chậu và đau ở lưng dưới. Bác sĩ thậm chí còn yêu cầu tôi uống thuốc kháng sinh vì nghi ngờ nhiễm trùng thận”.

Trong khi đó, một chuyên gia y khoa khác lại kết luận cô chỉ bị căng thẳng quá mức. Điều này là minh chứng cho thấy những cơn đau phụ nữ gặp phải thường bị coi nhẹ hoặc được cho là hiện tượng bình thường.

Theo Emma: “Không một ai khuyên tôi nên đi khám phụ khoa, xét nghiệm máu hoặc siêu âm, những thứ có thể cung cấp manh mối dẫn đến lạc nội mạc tử cung”. Trên thực tế, nội soi là cách duy nhất để chẩn đoán chính xác căn bệnh này. Bác sĩ sẽ tiến hành gây mê người bệnh, sau đó đưa một ống mềm có gắn máy quay vào khung chậu thông qua một vết cắt nhỏ gần rốn và tìm kiếm các mô nằm ngoài tử cung.

Lone Hummelshoj, chuyên gia y khoa, giám đốc điều hành Tổ chức Nghiên cứu Lạc nội mạc tử cung Thế giới (WERF) kiêm đồng sáng lập Hiệp hội Lạc nội mạc tử cung Đan Mạch cho biết, chúng phổ biến như bệnh Crohn, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp nhưng việc đầu tư nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, căn bệnh mãn tính này đã trở thành gánh nặng lên nền kinh tế và xã hội. Một nghiên cứu do WERF thực hiện đã chỉ ra, lạc nội mạc tử cung làm giảm năng suất làm việc của phụ nữ đáng kể, tới 11 tiếng mỗi tuần.

Lạc nội mạc tử cung tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất

Sống chung với lạc nội mạc tử cung: Chia sẻ của ba người phụ nữ khi phải đối mặt với căn bệnh này nhiều năm nhưng không hề hay biết - Ảnh 2.

Đau là triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung và có thể thể hiện dưới nhiều dạng như đau lưng dưới, xương chậu, đau vùng chậu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, đi tiểu.

Charis Ayton, 31 tuổi, cũng gặp phải tình trạng tương tự. Lạc nội mạc tử cung không chỉ khiến cô mất việc làm mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Người phụ nữ này chia sẻ: “Cơn đau mãn tính khiến tôi mất tập trung, cạn kiệt năng lượng và cuối cùng phải bỏ việc. Chúng hoàn toàn ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Tôi từng mắc trầm cảm và có ý định tự tử”.

Một cuộc khảo sát vào năm 2020 cho thấy, phần lớn phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung gặp phải vấn đề sức khỏe tâm lý, sự nghiệp và giáo dục. Theo Charis: “Tôi đã mất khoảng hai năm để thuyết phục bác sĩ về khả năng mắc lạc nội mạc tử cung. Cuối cùng, tôi cũng được giấy giới thiệu đến gặp chuyên gia phụ khoa sau một thời gian dài cô ấy liên tục khẳng định đây chỉ là hội chứng ruột kích thích, thiếu vitamin D hoặc thừa cân”.

Chẩn đoán muộn màng: Mắc lạc nội mạc tử cung từ thời thiếu niên nhưng mãi mới nhận được chẩn đoán chính xác

Sống chung với lạc nội mạc tử cung: Chia sẻ của ba người phụ nữ khi phải đối mặt với căn bệnh này nhiều năm nhưng không hề hay biết - Ảnh 3.

Bác sĩ có thể căn cứ vào vị trí, tần suất và thời điểm cơn đau xuất hiện để đưa ra chẩn đoán về lạc nội mạc tử cung.

Laura Jayne Halton, 36 tuổi, tin rằng cô đã mắc lạc nội mạc tử cung từ thời thiếu niên nhưng mãi đến năm 2017 mới nhận được chẩn đoán chính xác. Người phụ nữ này chia sẻ: “Trong nhiều năm, bác sĩ cho rằng đây là bệnh về đường ruột, chứng không dung nạp thực phẩm và khuyên tôi nên tập thể dục nhiều hơn. Cơn đau kinh khủng đến mức như có một ai đó quấn dây thép gai xung quanh bụng tôi và giật mạnh”. Laura chỉ là một trong khoảng 1,5 triệu phụ nữ ở Anh và Ireland hiện đang trong quá trình chờ điều trị căn bệnh này.

Không được bác sĩ tin tưởng là điểm chung của ba người phụ nữ. Đây cũng là vấn đề phổ biến ở Anh và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chuyên gia Lone cho biết, một trong những cách giải quyết tình trạng này là tăng cường nhận thức của mọi người về lạc nội mạc tử cung. Trong những năm gần đây, không ít tổ chức đã tham gia hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và tuyên truyền về căn bệnh này. Mục tiêu cuối cùng là cải thiện các phương pháp chẩn đoán và tìm ra cách điều trị hiệu quả nhất để giúp hàng triệu phụ nữ như Emma, Charis và Laura không còn phải vật lộn với lạc nội mạc tử cung nữa.

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các tế bào nội mạc tử cung (hay màng trong tử cung, là loại mô hình thành nên lớp niêm mạc tử cung) được tìm thấy bên ngoài tử cung của phụ nữ. Bệnh có thể gây ra vô sinh do khả năng làm tổn thương vòi trứng và ống dẫn trứng, dẫn đến cản trở nhu động ống dẫn trứng và làm rối loạn sự phóng noãn.

Lạc nội mạc tử cung thường xảy ra ở vùng nào trên cơ thể?

Phúc mạc (hay màng bụng): là một lớp thanh mạc che phủ mặt trong của thành bụng và bao bọc lấy tất cả các tạng thuộc ống tiêu hóa và một vài tạng khác trong ổ bụng như:

- Buồng trứng.

- Ống dẫn trứng.

- Bề mặt ngoài của tử cung.

- Bàng quang, niệu quản.

- Ruột và trực tràng.

- Túi cùng (không gian phía sau tử cung, thực chất là một khoang ảo, ở vào vị trí thấp nhất của ổ bụng).

Triệu chứng của lạc nội mạc tử cung

Triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu mãn tính, đặc biệt là ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, các cơn đau cũng xảy ra khi chị em quan hệ tình dục. Trường hợp mô nội mạc tử cung xuất hiện ở ruột, khi đi tiêu có thể bị đau. Nếu xuất hiện ở bàng quang, phụ nữ thường cảm thấy đau khi đi tiểu. Bên cạnh đó, máu kinh ra nhiều bất thường cũng là một triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung. Mặt khác, có nhiều phụ nữ tuy mắc bệnh nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

(Nguồn: Vogue)

 

Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/chia-se-cua-3-nguoi-phu-nu-phai-song-chung-voi-lac-noi-mac-tu-cung-benh-co-the-xuat-hien-tu-nhieu-nam-nhung-khong-de-de-biet-162211503113136170.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang