Chứng rối loạn tâm sinh lý ở bạn gái tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì là lứa tuổi đẹp nhất của đời người, là giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ em và người trưởng thành. Giai đoạn này, hệ nội tiết và các cơ quan chuyển hóa trong cơ thể các em có nhiều thay đổi.

Kéo theo đó là hàng loạt các biến đổi về tâm sinh lý có thể chuyển thành bệnh lý nếu không được phát hiện và chữa trị.

Những hội chứng liên quan đến tâm lý

Với hầu hết các em gái, giai đoạn tuổi dậy thì, ngoài sự thay đổi về tâm lý (dễ xúc động, hay mơ mộng, vui buồn vô cớ, tâm trạng lo âu…), các em còn phải đối mặt với những stress và rối loạn, căng thẳng tâm lý. Những hội chứng tâm lý điển hình mà bạn gái có thể mắc như:

Stress: Tình trạng stress của tuổi dậy thì không chỉ xoay quanh áp lực học hành, mối quan hệ bạn bè, gia đình… mà còn đến từ những thay đổi của hormon ảnh hưởng đến tâm lý. Bạn gái thường xuyên cảm thấy lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, cơ thể suy nhược…, thậm chí có thể tiêu cực đến mức tự tử. Do vậy, bé gái cần được quan tâm và chia sẻ của gia đình hơn bao giờ hết.

Rối loạn tâm lý và hành vi: Đây là mức độ cao hơn của stress. Biểu hiện của rối loạn là bạn không thể tự chủ được hành vi của mình, ăn uống kém, mất ngủ trằn trọc, dễ cáu gắt nhưng cũng dễ khóc lóc, hoảng sợ, ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh… Với những trẻ gặp phải cú sốc về tinh thần hay chuyện gia đình, các dấu hiệu của rối loạn tâm lý và các rối loạn hành vi (biểu hiện bằng các thái độ và hành vi kỳ cục, ngang ngược) càng rõ nét.

Trầm cảm: là tình trạng luôn buồn bã, dễ thất vọng, mệt mỏi, bi quan, không quan tâm đến những thứ xung quanh… Người mắc trầm cảm cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời, tránh để tâm lý ảnh hưởng đến tương lai của trẻ sau này.

Cha mẹ cần quan tâm đến các em tuổi dậy thì, nếu  là bệnh lý cần đưa các em đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

Những bệnh về sinh lý

Ở tuổi dậy thì, các loại hormon sẽ được điều tiết nhiều hơn để phù hợp với nhu cầu phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, khi hàm lượng nội tiết đột ngột biến động cũng dẫn tới các nguy cơ mắc bệnh như:

Hội chứng tiền kinh nguyệt: Là sự phối hợp những triệu chứng tâm lý và thể chất trong vài ngày trước khi có kinh và đang trong kỳ kinh. Hội chứng này có biểu hiện: tăng cân, nhức đầu, mắt húp, cương vú, lo lắng, mệt mỏi, không thể tập trung tư tưởng… Mức độ nặng nhẹ khác nhau ở mỗi đối tượng và trong mỗi chu kỳ kinh. Nguyên nhân của hội chứng này chưa được biết rõ, nhưng có nhiều liên quan đến các hormon sinh dục.

Thống kinh: Là triệu chứng đau quặn từng cơn, trướng bụng dưới, nặng nề ở vùng tiểu khung kèm theo nhức đầu, đau lưng, buồn nôn khi hành kinh. Có hơn 50% em gái mới dậy thì bị triệu chứng này. Nguyên nhân gây thống kinh là do niêm mạc tử cung tiết ra nhiều prostaglandin trong ngày hành kinh, đặc biệt là trong 48 giờ đầu (trường hợp này gọi là thống kinh nguyên phát); do thiếu vi chất hoặc do các bệnh lý khác (gọi là thống kinh thứ phát). Thống kinh không nguy hiểm nhưng khiến các em thấy đau đớn, mệt mỏi, lo lắng và thiếu tự tin, ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập hàng ngày. Nhiều trường hợp thống kinh nặng còn phải dùng các thuốc hormon nữ progesteron, estrogen, thuốc giảm đau cơ trơn để khống chế cơn đau. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ mất đi khi hệ nội tiết hoạt động ổn định hơn.

Kinh nguyệt thất thường: Là tình trạng kinh thưa, kinh mau, mất kinh đột ngột… Do buồng trứng và tử cung mới đi vào hoạt động nên tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi này không đáng lo ngại và dần sẽ ổn định. Nếu như sau khoảng 2 năm có kinh mà bạn gái vẫn thấy chu kì kinh của mình không đều thì nên tới bệnh viện để tìm hiểu rõ nguyên nhân bệnh lý và chữa trị kịp thời.

Rong kinh, rong huyết: Rong kinh là hành kinh kéo dài hơn 1 tuần. Rong huyết là hiện tượng ra huyết ở bộ phận sinh dục không phải do kinh nguyệt kéo dài hơn 1 tuần. Giải thích cho tình trạng rong kinh, rong huyết này là do khi mới vào tuổi dậy thì, hoạt động của hệ nội tiết ở em gái chưa ổn định. Có khi lượng estrogen tăng cao nhưng lại không có hiện tượng phóng noãn; progesteron không được tiết ra cân đối với estrogen. Tất cả điều đó khiến cho nội mạc tử cung dày lên mãi nhưng mạch máu không tăng trưởng kịp, không đủ máu nuôi dưỡng, bị hoại tử, bong ra từng mảng nhỏ gây chảy máu kéo dài.

Những trường hợp bị rong kinh, rong huyết nhẹ (máu không ra nhiều và không có hiện tượng thiếu máu) thì không cần điều trị vì sau một vài chu kỳ, khi nội tiết hoạt động ổn định, hiện tượng này sẽ hết. Trường hợp rong huyết nặng (máu ra nhiều gây mất máu cấp tính), phải tới bệnh viện để theo dõi và tiêm estrogen hay uống estradiol để làm ngừng sự chảy máu cấp. Tất cả các trường hợp phải dùng thuốc điều trị rong kinh, rong huyết cần phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì nếu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn thì không đáng ngại nhưng nếu kéo dài với mức độ ngày càng nặng hơn thì cần cho các em đi khám bệnh để điều trị.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang