Bài viết của phóng viên của tờ Nikkei ở Tokyo, Nhật Bản, ghi lại quá trình nhiễm và điều trị Covid-19 của mình.
Tôi đã tiêm liều vaccine Moderna đầu tiên tại văn phòng chính của Nikkei ở Tokyo vào ngày 24/6. Tôi không gặp phải tác dụng phụ nào đáng chú ý, ngoài một số cơn đau nhẹ ở cánh tay.
Sau khi tiêm phòng, tôi vẫn tránh tụ tập vào buổi tối, và tôi đi làm vào buổi sáng sớm và sau giờ cao điểm vào buổi tối để tránh đám đông. Tôi dự kiến sẽ được tiêm liều thứ 2 vào cuối tháng Bảy.
Nhưng đêm ngày 3/7, tôi bỗng lên cơn sốt - 9 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên. Tôi đo nhiệt độ của mình - 38 độ C. Vào ngày hôm đó, một trận lở đất đã xảy ra ở thành phố Atami thuộc tỉnh Shizuoka, và tôi đã chuẩn bị đi đi đưa tin vào ngày 4/7. "Cơn sốt sẽ qua đi vào buổi sáng," tôi tự nhủ khi cố gắng chìm vào giấc ngủ.
Nhưng nhiệt độ của tôi tiếp tục tăng, và đến rạng sáng ngày 4/7, thân nhiệt tôi đã lên đến 39 độ. Tôi không thể ngủ được và đã kiểm tra nhiệt kế nhiều lần, nhưng nhiệt độ không giảm chút nào. Không lâu sau, tôi bắt đầu đổ mồ hôi. Sau khoảng hơn một giờ, quần áo của tôi ướt sũng và tôi phải đi thay. Năm chiếc áo phông tôi mua ở Uniqlo để mặc vào buổi tối đều ướt sạch.
Nếu đây là một cơn cảm lạnh thông thường, đổ mồ hôi nhiều như thế này sẽ hạ sốt. Nhưng nhiệt độ của tôi vẫn ở mức cao, vì vậy tôi đã liên lạc với người giám sát của mình.
Khi nhiệt độ của tôi tăng lên, tôi bắt đầu bị đau đầu, những cơn đau dữ dội hơn bất kỳ cơn đau đầu nào mà tôi từng gặp trước đây. Mỗi cố gắng cử động đầu dù là nhỏ nhất của tôi cũng khiến tôi đau nhói mình như thể hộp sọ của tôi đã bị một chiếc đinh đâm xuyên qua.
Tôi thậm chí khó có thể xoay người. Tôi chỉ có thể nằm đó, chịu đựng cơn sốt và đau.
Đến sáng ngày 5/7, cơn sốt của tôi vẫn chưa hạ. Tôi hẹn với một phòng khám gần nhà. Họ yêu cầu tôi gọi điện thông báo trước khi đến.
Phòng khám nằm trên tầng ba của tòa nhà. Tôi đến nơi và gọi điện theo chỉ dẫn, người phụ trách đi xuống bằng lối thoát hiểm bên ngoài tòa nhà để tránh không gian kín thang máy. Chúng tôi đi lên bằng cầu thang bộ. Sau khi làm thủ tục nhận phòng, tôi được gọi vào kiểm tra.
Vị bác sĩ tiếp tôi nói với vẻ lo lắng: "Tôi cho rằng anh đã nhiễm Covid".
Tôi không thể nhớ mình đã tiếp xúc với ai nhiễm bệnh, tôi cũng không thể thấy lý do nào khác khiến mình bị sốt cao dai dẳng. "Hãy làm xét nghiệm PCR," bác sĩ nói.
Sáng hôm sau, tôi nhận được cuộc gọi từ bác sĩ vào khoảng 8 giờ 30 sáng. "Kết quả xét nghiệm của bạn là dương tính."
Tôi đã bị sốc. Tôi đã bị lây ở đâu? Tại sao lại là tôi?"- Đầu óc tôi quay cuồng khi những câu hỏi này lướt qua. "Trung tâm y tế công cộng sẽ liên hệ với bạn, vì vậy hãy làm theo hướng dẫn của họ," giọng nói trên điện thoại tiếp tục, đưa tôi về thực tại.
Trung tâm y tế công cộng gọi cho tôi khoảng 3 giờ sau đó. Dựa trên các triệu chứng của tôi, họ quyết định cho tôi nhập viện.
Đã 4 ngày kể từ khi các triệu chứng của tôi bắt đầu, và tôi đã kiệt sức. Bây giờ tôi đã phải chuẩn bị để ở lại bệnh viện.
Đứa con trai 10 tuổi của tôi ngồi phịch xuống bàn và khóc. Mặc dù tin tức về Covid-19 đã quá thường xuyên, nhưng việc một người thân cận của bạn bị nhiễm bệnh vẫn rất đáng sợ.
Tôi thu dọn quần áo và lên xe đưa đón đặc biệt do trung tâm y tế điều động đến.
Khi đến bệnh viện, tôi ngồi trên xe lăn và được đưa thẳng vào phòng chụp cắt lớp vi tính. Sau đó, tôi được đưa đến một phòng bệnh dành cho 4 người.
Theo các hình ảnh chụp CT, trong phổi tôi có một số vết mờ, dấu hiệu của viêm phổi. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, một bệnh nhân có "triệu chứng viêm phổi nhưng không cần thở oxy" được coi là thuộc trường hợp "nhẹ đến trung bình".
Mức oxy trong máu của tôi ở mức khoảng 95%. Các chỉ số được theo dõi liên tục, và nếu bị giảm mạnh, âm thanh báo động sẽ phát ra để thông báo với y tá.
Các khoang bệnh, được ngăn cách bằng rèm, rộng gần 4 mét vuông. Căn phòng chật chội, chỉ có một chỗ để đồ nhỏ ngoài chiếc giường. Căn phòng có nhà vệ sinh và phòng tắm chung, việc đi ra ngoài bị nghiêm cấm. Việc mua sắm diễn ra hai lần mỗi tuần - tôi sẽ nói với các y tá những gì tôi cần, và họ sẽ mua giúp tôi ở cửa hàng tiện lợi.
Mặc dù tôi đã chuyển đến bệnh viện nhưng tình trạng sốt cao và đau đầu của tôi vẫn không thay đổi. Tôi đã uống thuốc hạ sốt sau mỗi bữa ăn và nhiệt độ của tôi sẽ giảm xuống khoảng 38 độ trong vài giờ. Nhưng sau đó sẽ tăng trở lại. Đêm đầu tiên trong bệnh viện, nhiệt độ của tôi đã tăng lên 40,7 độ C và ở mức 40,2 độ C vào ngày hôm sau. Tôi không tài nào chợp mắt được, chỉ có thể chờ bình minh ló dạng.
Tôi chưa bao giờ bị sốt trên 40 độ trước đây. Khi tôi nhắm mắt lại, thay vì bóng tối, tôi thấy một thế giới màu sắc sống động kỳ lạ. Cảm giác như thể tôi đang mơ, ngay cả khi tôi đang tỉnh - như thể tôi đang gặp một ảo giác.
Vì không có thuốc để điều trị trực tiếp Covid-19 nên chỉ có thể giải quyết cơn sốt cao và đau đầu bằng cách điều trị các triệu chứng. Tôi không có cảm giác thèm ăn, không ngủ được nên chỉ nằm chờ cho các đau và sốt giảm dần.
Vào ngày nhập viện thứ 3 của tôi, cơn sốt cuối cùng cũng bắt đầu giảm dần. Cuối cùng, tôi đã trải qua 3 ngày số cao từ 39 đến 39,9 độ C và hai ngày trong khoảng 40 đến 40,9 độ C.
Trung tâm y tế công cộng gọi cho tôi và thông báo, tôi đã bị nhiễm biến thể L452, một thể biến chủng đặc trưng của dòng Delta.
Trong những đêm mất ngủ, tôi nghe thấy tiếng ho dữ dội từ những bệnh nhân khác gần phòng tôi suốt đêm. Đôi khi, tiếng chuông chói tai đột nhiên vang lên khắp khu vực vào đêm khuya khi có trường hợp chuyển nặng. Sự lo lắng vẫn tiếp tục ám ảnh tôi/
Và gánh nặng cho đội ngũ nhân viên y tế cũng vô cùng lớn. Họ phải mặc quần áo bảo hộ, kính bảo hộ và khẩu trang mọi lúc. Ngay cả trong một phòng chứa bốn bệnh nhân, họ phải thay găng tay và khử trùng kỹ lưỡng mọi thứ sau khi tiếp xúc với từng bệnh nhân. Một cơn ớn lạnh vẫn còn chạy dọc sống lưng khi tôi nghĩ đến làn sóng đầu tiên vào năm ngoái, khi các bác sĩ thiếu phương tiện bảo hộ cá nhân.
Vợ và con trai tôi đều nhận được kết quả âm tính khi xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, họ vẫn không được ra ngoài trong vòng 14 ngày.
Tôi vẫn không biết mình đã bị lây nhiễm bệnh như thế nào, nhưng tôi đã được nhắc nhở về tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa cơ bản: Luôn đeo khẩu trang, rửa tay và tránh các cuộc tụ họp không cần thiết và những nơi đông người.
"Chúng ta đã tiêm 1 mũi, giờ nhậu thôi!" - hậu quả của một thái độ chủ quan như vậy có thể nặng nề hơn nhiều so với những gì người ta tưởng tượng.
Chuyên gia Việt Nam lý giải vì sao tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm Covid?
Với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có.
Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vaccine này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Ấn Độ hay không.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vaccine COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vaccine sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.