Chuyên gia "bật mí" sai lầm của mẹ Việt khiến con trẻ thấp còi

(lamchame.vn) - Chẳng hạn như uống nhiều nước ngọt có ga, ăn quá nhiều chất đạm, ăn mặn... sẽ làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu của trẻ, khiến trẻ thấp còi

Dù đã triển khai nhiều giải pháp trong thời gian qua, nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi của Việt Nam vẫn ở mức cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng lao động và cuộc sống của trẻ trong tương lai.

Thủ phạm là khẩu phần ăn 5 năm đầu đời

Mục tiêu đặt ra của Việt Nam, đến năm 2025 và 2030, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi còn lần lượt là dưới 20% và dưới 15%. Vậy, “chìa khóa” nào giúp đạt được mục tiêu nêu trên?

1.000 ngày đầu đời rất quan trọng

GS-TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy dinh dưỡng, thấp còi là do khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu về vitamin và khoáng chất cần thiết trong 5 năm đầu đời.

Hiện khẩu phần của trẻ em nước ta chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Kiến thức dinh dưỡng cho trẻ cũng là một lỗ hổng lớn trong mỗi gia đình. Không ít bà mẹ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức nuôi con, dẫn đến những cách chăm sóc sai lầm, cung cấp dinh dưỡng không hợp lý...

Đề cập đến tầm quan trọng của canxi trong sự phát triển của trẻ, bà Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, 99% canxi trong cơ thể nằm ở xương và răng, 1% còn lại lưu thông trong máu để giữ đều nhịp tim, giãn cơ, dẫn truyền xung động thần kinh, tham gia vào yếu tố đông máu...

Những thực phẩm làm "thất thoát" canxi

Trẻ thiếu canxi sẽ bị còi xương, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Còn vitamin D là chất dẫn truyền để canxi đi vào cơ thể trẻ dễ hơn. Chế độ dinh dưỡng hợp lý là “chìa khóa” giúp trẻ thu nhận được lượng canxi tối ưu để cao khỏe hơn. Muốn làm được điều này, cha mẹ cần hạn chế những loại thực phẩm khiến “thất thoát” canxi.

Chẳng hạn như uống nhiều nước ngọt có ga, ăn quá nhiều chất đạm, ăn mặn... sẽ làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu của trẻ. Mặt khác, lưu ý bổ sung vitamin D, canxi từ sữa và các chế phẩm từ sữa. Ngoài ra, trong bữa ăn của trẻ cần tăng cường thực phẩm “giữ” canxi như: Rau ngót, rau cải xanh, bưởi, cam...

GS-TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, muốn giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cần phải chăm lo từ gốc. Các gia đình cần quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày vàng đầu đời của trẻ, tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em  ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Đặc biệt, bà mẹ thời kỳ mang thai cần ăn đủ chất đạm như thịt, cá, trứng..., bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết: Axit folic, sắt, canxi… Phát triển của thai nhi về chiều dài đạt cao nhất vào tuần thứ 15 của thai kỳ, trong khi cân nặng đạt mức cao nhất từ tuần 32 đến tuần 35. Do vậy, tình trạng dinh dưỡng của người mẹ trước và trong khi mang thai có ý nghĩa quyết định tới chiều cao của đứa trẻ sau này.

Theo GS-TS Lê Danh Tuyên, suy dinh dưỡng ở trẻ em không chỉ làm chậm sự phát triển về thể chất, mà còn là gánh nặng của gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Chính vì vậy, Viện Dinh dưỡng quốc gia tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường truyền thông về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng ngay tại hộ gia đình.

Mặt khác, xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù. Đồng thời, triển khai các chương trình bổ sung vi chất, vitamin cần thiết cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, cho con bú… và huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa công tác phòng, chống suy dinh dưỡng.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang