Bệnh nhân Covid-19 thường không có triệu chứng (chiếm 80 %). Còn trong số những người có triệu chứng, cứ 5 người có triệu chứng thì có 1 người khó thở. Vì vậy cách tập thở cũng như chọn tư thế phù hợp để giảm khó thở là điều vô cùng quan trọng với bất cứ ai.
Các tư thế giúp dễ thở hơn
Theo TS Vinh, khi gặp cơn khó thở cấp tính, trong lúc chờ nhân viên y tế hoặc các máy móc hỗ trợ, người bệnh có thể tạo cho mình các tư thế để dễ thở hơn.
Tư thế đứng:
Khi người bệnh có mức độ khó thở nhẹ, khó thở xảy ra khi gắng sức như leo cầu thang, đi bộ. Người bệnh nên đứng tựa vào tường, để hai chân rộng bằng vai, eo hoặc mông tựa vào tường, người cúi về trước, buông lỏng cơ thể hít thở nhẹ nhàng. Đặc biệt, người bệnh không nên căng thẳng vì điều này sẽ làm cho vấn đề khó thở tăng lên.
Cách khác đó là đứng tựa về phía trước như bàn, thành ghế, chống tay cúi người về trước. Người đổ về trước, chân đứng mở rộng bằng vai, chân trước chân sau để giảm bớt triệu chứng khó thở.
Tư thế ngồi
Người bệnh chọn 1 chiếc ghế ngồi vững chắc, tránh bị té ngã. Có hai cách ngồi. Ngồi cúi người về trước, chống hai khuỷ tay lên gối và hít thở.
Cách thứ 2, để một chiếc gối/tấm lót trên mặt bàn, đổ người về phía trước như cúi gục trên mặt bàn, cách này cũng giúp người bệnh bớt khó thở.
TS Vinh khám cho bệnh nhân.
Tư thế nằm
Nằm nghiêng, khi khó thở thì tư thế nằm xuống sẽ làm tăng sự khó thở hơn, trong tình huống này người bệnh có thể nằm nghiêng trái. Nằm nghiêng trái sẽ tốt hơn vì tim ít đè lên phổi, để phổi hoạt động ít hơn. Nằm nghiêng trái cũng giảm tình trạng trào ngược dạ dày hơn. Có thể nằm đầu cao hơn, chân dưới co lại, chân trên duỗi để giảm bớt sự khó thở.
Nằm ngửa: Nằm đầu cao hơn, có thể chèn gối ở giữa hai gối.
Nằm sấp: Giống nằm nghiêng, tim nằm dưới để phổi trên không bì tì đè hoạt động tốt hơn. Tư thế này được xem là biện pháp tốt cho người nhiễm Covid-19. Người bệnh có thể thực hiện tại nhà. Khi chưa tiếp cận được nguồn oxy thì có thể nằm sấp để giảm bớt tình trạng khó thở, cải thiện oxy máu. Không nên áp dụng khi ăn quá no vì có thể gây trào ngược thức ăn.
TS Vinh cho biết, không có 1 tư thế nào tốt cho mọi người mà người bệnh có thể tự tìm tư thế phù hợp cho mình, không nên nằm nguyên 1 tư thế mà có thể xoay trở từng tư thế để cảm thấy dễ chịu hơn.
Các bước tập thở
TS Vinh cũng chia sẻ thêm, ngoài tư thế đứng, nằm, ngồi cho dễ thở hơn thì F0 có thể tự tập thở. Có nhiều cách tập thở và BS Vinh giới thiệu 2 cách tập thở rất dễ thực hiện như sau.
Cách tập thở cơ hoành
TS Vinh cho rằng bệnh nhân Covid-19 thường bị yếu cơ hoành nên việc thở khó hơn. Vì vậy, những kỹ thuật trong bài tập này cũng giúp thúc đẩy khả năng hoạt động của cơ hoành và giảm bớt nhu cầu thu nạp oxy của cơ thể.
Bước 1: Vào tư thế chuẩn bị bằng cách nằm hoặc ngồi trên thảm được trải trên một mặt phẳng (sàn nhà).
Bước 2: Đưa một tay lên phần bụng, tay còn lại đặt lên ngực rồi từ từ hít thở bằng mũi. Ở bước này, nếu thực hiện đúng các tư thế thì bàn tay được đặt trên bụng sẽ dần di chuyển nhẹ do phần bụng có biểu hiện phình lên. Tuy nhiên, bàn tay đặt trên ngực vẫn phải đảm bảo nằm yên.
Bước 3: Mím chặt bờ môi rồi từ từ thở ra nhẹ nhàng. Trong lúc thở ra, bạn có thể cảm nhận được phần bụng đang dần xẹp xuống dần.
Với những bước trên, các bạn cứ lặp đi lặp lại bài tập trong khoảng 15 - 20 phút cho mỗi buổi tập để cải thiện khả năng hô hấp và làm giảm nhịp thở của cơ thể.
Bài tập thở Buteyko
Vào khoảng năm 1950, bác sĩ Buteyko ở Ukraine đã tìm ra được bài tập dành cho bệnh nhân hen suyễn. Từ đó, mọi người đã đặt tên cho bài tập này là bài thở Buteyko. Khi tập thở, bạn phải tuân thủ theo đúng các bước dưới đây:
Bước 1: Vào tư thế chuẩn bị bằng cách ngồi thẳng lưng, đặc biệt các bạn nên lựa chọn những không gian yên tĩnh hoặc có nhạc nhẹ, không khí trong lành, sạch sẽ để thư giãn đầu óc.
Bước 2: Hít thở nhẹ nhàng bằng mũi với tốc độ bình thường, tức khoảng 20 giây cho một lượt hít vào - thở ra. Tuy nhiên, các bạn nên chú ý tập trung vào nhịp thở sao cho hơi thở không quá gắng sức cũng không quá nông.
Bước 3: Tiếp theo dùng hai ngón tay nhẹ nhàng đặt lên hai lỗ mũi để bịt kín lại, đồng thời, khép miệng. Giữ nguyên tư thế này cho đến khi không thể giữ được nữa nhằm mục đích tập luyện cơ thể giữ được hơi thở lâu.
Bước 4: Tiếp tục khép miệng nhưng bỏ hai ngón tay ra khỏi mũi rồi hít thở một hơi thật dài bằng mũi.
Sau đó, bạn tiếp tục lặp lại các động tác và duy trì bài tập khoảng 10 - 15 lần cho mỗi lần tập. Ngày nên tập thở 3,4 lần.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-dh-y-duoc-cac-tu-the-bai-tap-giup-giam-trieu-chung-kho-tho-cho-nguoi-mac-covid-19-161211408213102775.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.