BS CKI Huỳnh Quang Đại, Giảng viên bộ môn Hồi sức cấp cứu chống độc, Khoa Y, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, có khoảng 80% bệnh nhân mắc COVID-19 có sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và bệnh nhân sẽ tự phục hồi sau khoảng 1 tuần.
Cũng theo BS, khoảng 15% số ca nhiễm dẫn tới viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện và 5% cần nhập hồi sức tích cực với các biểu hiện suy hô hấp, ARDS , nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan, tử vong.
Theo BS Đại, triệu chứng khởi phát khi mắc COVID-19 thường gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, một số người thì bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, tiêu chảy, đau bụng, mất vị giác, khứu giác.
Tóm lại, 7 triệu chứng COVID-19 hay gặp nhất là ho, sốt, khó thở, đau họng, lạnh run, đau cơ, mất khứu giác - vị giác, BS Đại nói.
"Do vậy, vào mỗi buổi sáng thức dậy chúng ta hãy nghe ngóng cơ thể để biết mình có 1 trong 7 triệu chứng COVID-19 đặc trưng hay không. Nếu có 1 trong những triệu chứng trên thì nên đi làm xét nghiệm", bác sĩ Đại nói.
Theo đặc trưng của bệnh COVID-19, trong 7 ngày đầu bệnh nhân thường ít xuất hiện triệu chứng, từ ngày thứ 7 trở đi bệnh nhân có thể có những diễn biến nặng nhanh.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19
Do vậy, khi dịch bệnh đang tồn tại trong cộng đồng, các chuyên gia lưu ý người dân phải nghiêm túc thực hiện 5K và nên đi tiêm vắc xin nếu trong diện được tiêm, luôn cảnh giác khi tiếp xúc vì bất cứ ai và thường xuyên nghe ngóng cơ thể để phát hiện bệnh sớm.
PGS.TS. BS Lê Minh Khôi, Giảng viên Cao cấp Bộ môn Hồi sức Cấp cứu - Chống độc, Khoa Y, Đại học Y Dược TP HCM, Trưởng phòng khoa học và Đào tạo, Bệnh viện Y Dược TP HCM cho hay, sau hơn 1 năm chúng ta đã hiểu biết hơn về 'kẻ thù' SARS-CoV-2. Muốn chiến thắng được kẻ thù nguy hiểm này cần phải có 'vũ khí' đặc biệt: vắc xin.
Việt Nam đã kiểm soát rất tốt 3 đợt dịch trước đây. Tuy nhiên, tới đợt dịch thứ 4, mức độ nghiêm trọng đã gia tăng. Số ca mắc COVID-19 vượt mức 10.000 ca và nhiều bệnh viện bị tấn công.
Theo PGS.TS. BS Lê Minh Khôi, khoảng cách các đợt dịch bệnh nói chung trong những năm gần đây đã được rút ngắn. Từ 2003 đến năm 2019, chỉ trong 17 năm, thế giới đã trải qua 3 đợt dịch nói chung. Nguyên nhân dịch bệnh có tần suất dày đặc có thể là do nóng lên toàn cầu khiến môi trường tự nhiên bị thu hẹp, các loài động vật sống gần với con người hơn và lây lan virus sang con người.
Các chuyên gia lưu ý cần phân biệt triệu chứng COVID-19 với cúm mùa do virus. Cúm thường sẽ có các triệu chứng đặc trưng như: Sốt từ vừa đến cao 39 - 40 độ C, khô rát cổ họng, viêm họng, cảm thấy rùng mình ớn lạnh, đau nhức các cơ, đau đầu, nghẹt mũi và chảy nước mũi, mệt mỏi kéo dài trên 2 tuần, buồn nôn và nôn. Thời gian ủ bệnh cúm kéo dài 1 - 4 ngày, thời kỳ lây: có thể bắt đầu trước khi sốt 1 ngày, kéo dài tới 7 ngày.
Đối với cảm lạnh, tác nhân gây bệnh là các loại virus thuộc chủng Rhinovirus hoặc Enterovirus. Khi bị cảm lạnh, thân nhiệt thường không tăng nhiều, ít có khả năng bị sốt, nếu có sốt thì sẽ sốt nhẹ. Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, viêm họng, hắt xì, ho, nhức đầu hoặc đau cơ thể, mệt mỏi nhẹ. Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi khoảng 3-4 ngày và tự hết trong vòng 7-10 ngày.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-neu-thay-1-trong-7-trieu-chung-covid-19-duoi-day-thi-nen-di-xet-nghiem-161212406080722120.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.