Đã có 7 bệnh viện bị phong toả trên toàn quốc
Bệnh viện K đã có quyết định về việc tạm thời phong tỏa các đơn vị phục vụ công tác chống dịch Covid-19 tại bệnh viện.
Theo đó, tạm thời phong tỏa các đơn vị gồm nhân viên y tế, người lao động, người bệnh và người nhà tại 3 cơ sở Bệnh viện K để phục vụ cho công tác chống dịch.
Trước đó đã có 6 bệnh viện bị phong toả.
1. BV Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc)
2. BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở 2 (Đông Anh, HN)
3. Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An)
4. Bệnh viện Phổi Lạng Sơn
5. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
6. Bệnh viện Quân Y 105 (Sơn Tây, Hà Nội)
PGS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội từng có bài viết về vấn đề bảo vệ tuyến bệnh viện trước dịch Covid-19, ông gọi bệnh viện là "thành trì cuối cùng" trong công cuộc phòng chống dịch. PGS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, điểm quan trọng nhất để Việt Nam tránh khỏi nguy cơ "vỡ trận" như Ấn Độ là bảo vệ thành trì y tế, không để Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện một cách ồ ạt, vì bệnh viện là nơi có rất nhiều bệnh nhân bấp bênh trước ngưỡng sinh tử.
Trong bài viết của mình, PGS Nguyễn Lân Hiếu đánh giá, thành lũy cuối cùng của chúng ta là cơ sở y tế. Nếu hệ thống bệnh viện suy yếu, thảm họa y tế lẫn nhân đạo sẽ xảy ra.
Nhiều bệnh viện bị phong toả vì có ca Covid-19.
Đến nay điều đáng sợ nhất mà ông cảnh báo trong bài "Thành trì cuối cùng" đã xảy ra. Dịch Covid-19 đã lan vào Bệnh viện, không chỉ 1 mà sẽ là nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề.
Những giải pháp cần làm ngay
PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần giãn cách xã hội ở Hà Nội với 2 mục đích:
1. Để các bộ phận chức năng truy vết khoanh vùng
2. Nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, bảo vệ cho bản thân và gia đình mình
PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng bệnh viện từ trước tới nay luôn được coi là môi trường nguy hiểm nhất có thể lây nhiễm Covid-19. Bệnh viện có lượng người đi lại rất lớn từ người tới khám, điều trị và thăm nuôi.
PGS Phu cho rằng tốt nhất tất cả các bệnh viện hạn chế thăm nuôi và người dân nên "bật chế độ báo động đỏ" để phòng dịch. Điều nguy hiểm sẽ xảy ra nếu dịch xảy ra ở bệnh viện, "lẻn" vào các khoa, phòng có nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, suy thận. Bài học dịch xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng năm 2020 vẫn còn nguyên giá trị.
Các cơ sở y tế cần hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý... không để người bệnh phải nằm ghép. Bố trí khoảng cách ít nhất là 2m giữa các giường bệnh. Bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Khuyến cáo người dân nên đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để được khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh. Khuyến cáo người dân không nên đến quá sớm trước lịch hẹn.
Các Bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục rà soát, củng cố năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch.
Định kỳ tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên cho nhân viên y tế ở các khoa, phòng có nguy cơ cao và nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly, người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người bệnh chịu ảnh hưởng nặng khi nhiễm Covid-19 (như người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm...)
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.