Không còn nhiều ý nghĩa
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng, virus SARS-CoV-2 không hoạt động theo giờ, có nghĩa là bất cứ khi nào, ở đâu cũng có thể lây lan dịch bệnh.
Điều quan trọng, mỗi người dân phải tuân thủ các biện pháp, khuyến cáo trong công tác phòng chống dịch, việc hàng quán đóng cửa trước hay sau 21h không có nhiều ý nghĩa trong phòng, chống dịch Covid-19.
"Thậm chí kéo dài hơn 11h (tức 23h đêm), thì lượng người giãn ra còn thông thoáng hơn".- ông Nga chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, hiện nay hầu hết người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ 2 liều, sắp tới đây coi Covid-19 là bệnh lưu hành. Để giải tỏa bất cập và góp phần phục hồi kinh tế và các hoạt động kinh doanh nhà hàng được thuận lợi, chính quyền Hà Nội nên nới lỏng thêm thời gian hoạt động.
Ông Nga cũng khuyến cáo, khách hàng khi đến nhà hàng không nên tiếp xúc với người lạ, thuận lợi nhất thì có thể chọn phòng riêng thoáng mát, an toàn vệ sinh và đi theo nhóm của mình.
Song nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo thêm, người dân cũng cần phải lưu ý, tuân thủ về an ninh trật tự theo quy định địa phương.
Nên nới lỏng hơn "một chút"
Còn về vấn đề trật tự xã hội, trao đổi riêng với chúng tôi, một lãnh đạo về quản lý trật tự xã hội cho biết, vào thời điểm trước, hầu hết các hàng quán đều đảm bảo công tác phòng chống dịch, đồng thời cũng tuân thủ rất tốt quy định đóng cửa trước 21h. Tuy nhiên thời gian gần đây khi "trạng thái bình thường mới", nhiều người dân đã bắt đầu đi lại, nhu cầu giao lưu, tiếp khách ăn uống gia tăng, đây cũng là một trong những lý do khiến hàng quán hoạt động nhiều trở lại.
"Hàng ăn có thể vẫn giữ được quy định đóng cửa trước 21h, nhưng về hàng cà phê thì ít giữ được. Vì sau khi đi ăn, nhiều người lại mời nhau cà phê, chè chén. Ngoài ra, nhiều người thường đi làm công sở, khi về tắc đường hoặc nhiều việc khác mới đi nhà hàng nên sẽ bị muộn", vị này không nhận xét về vấn đề phòng chống dịch nhưng cho rằng, quy định hàng quán đóng cửa trước 21h hàng ngày sẽ đảm bảo an ninh trật tự, tuy nhiên có thể nới lỏng hơn "một chút" vẫn chấp nhận được.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Thuần – nhân viên quán cà phê trên phố Trần Huy Liệu cho hay, dù thời gian gần đây Hà Nội được bán hàng trở lại nhưng mức độ khách rất hạn chế, bởi vì khung giờ quen thuộc từ 20 đến 22h hàng ngày. Với quy định hiện nay khách hàng sẽ phải tranh thủ hoặc "bỏ kèo".
"Khách đi ăn xong mới vào uống cà phê, hoặc đa số các hội nhóm hẹn hò sau bữa cơm gia đình. Có nhiều khách vừa gọi xong ly cà phê thì có lực lượng chức năng đi nhắc nhở chủ quán đóng cửa, Không có lý do nào khác, chúng tôi phải chấp hành quy của cơ quan chức năng", anh Thuần chia sẻ.
Anh Huy Trung, chủ nhà hàng trong khu đô thị Văn Quán cũng chia sẻ, hiện tại không còn cấm hoạt động thể thao, do nhà hàng ở cạnh sân bóng nên rất đông khách vào khung giờ từ 20h hàng ngày.
"Khách ăn nhậu, câu chuyện lan man sẽ tốn thời gian hơn, trong khoảng 1 tiếng đồng hồ không thể kịp, nếu đóng cửa trước 21h hàng ngày thì rất khó khăn cho các nhà hàng nói chung. Theo tôi, cơ quan chức năng nên nới lỏng thêm thời gian, vì hiện nay các nhà hàng đều chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác phòng chống dịch rất cẩn thận, ý thức người dân cũng rất tốt", chủ quán chia sẻ.
Cũng vậy, quản lý nhà hàng Nấm Tràng An chia sẻ, tất cả các hàng quán tại khu vực ngoài việc tuân thủ phòng chống dịch Covid-19, nhà hàng cũng thường xuyên đóng cửa trước 21h theo quy định. Tuy nhiên, để phục vụ khách được chu đáo hơn, các nhà hàng mong muốn thời gian có thể nới lỏng thêm, vì nhiều người đi làm đường xa, khi đến nơi ăn uống cũng mất thời gian, rất khó xử cho nhân viên nếu phải dọn dẹp khi nhiều khách đang sử dụng dịch vụ!
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18h ngày 7/3 đến 18h ngày 8/3 Hà Nội ghi nhận 32.650 ca bệnh, trong đó có 13.692 ca cộng đồng, 18.958 ca đã cách ly.
Các ca mới ghi nhận trong ngày phân bố tại 545 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (1.674); Sóc Sơn (1.645); Long Biên (1.541); Hoài Đức (1.536); Hoàng Mai (1.474); Nam Từ Liêm (1.441); Hà Đông (1.429).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 463.175 ca.
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/chuyen-gia-y-te-virus-sars-cov-2-khong-hoat-dong-theo-gio-hang-quan-dong-cua-truoc-21h-khong-co-nhieu-y-nghia-phong-dich-22202293133051411.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.