Chuyện về ca sinh bốn ở đất Mũi

Bác sĩ Võ Thành Lợi, GĐ Bệnh viện Sản- Nhi Cà Mau kể rằng, ca sinh thường, sản phụ sinh 4 trẻ, hiếm gặp và cũng là niềm tự hào của nữ hộ sinh lúc bấy giờ. Sau đó, vào giáp Tết, người mẹ dắt 4 đứa trẻ đến thăm, anh em cho chút tiền mua quần áo mới vì gia đình rất nghèo, đông con. Phóng viên Tiền Phong tìm đến gia đình sản phụ Đặng Thanh, 61 tuổi, ở ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng (Cái Nước, Cà Mau) để nghe câu chuyện bình dị mà ấm áp của họ.

Bất ngờ ca sinh thường

Đầu năm 1994, Khoa sản Bệnh viện Cà Mau (nay là Bệnh viện Sản- Nhi Cà Mau) tiếp nhận một sản phụ. Kết quả siêu âm trắng- đen, cho kết quả đa thai, đủ tháng, quyết định sinh thường.

Y sĩ Cao Thanh Nga kể: “Đêm đó, chị em hộ sinh trực, không thể nào quên, xử lý bất ngờ này đến bất ngờ khác. Siêu âm lần cuối cho kết quả 3 thai nhưng trẻ thứ 3 khóc chào đời rồi vẫn còn một trẻ nữa. Khi bé thứ 4 chào đời (nặng từ 1,2 đến 2 kg), sản phụ kiệt sức, cấp cứu ngay”.

Bác sĩ Phan Thanh Bạch Tuyết, Khoa sản Bệnh viện Madec Cà Mau kể: “Lúc đó, tôi làm Trưởng Khoa sản Bệnh viện Cà Mau, kết thúc ca trực, tôi về nhà. Sáng vào làm việc, rộ tin ca sinh 4 tự nhiên, rất hiếm gặp. Ban giám đốc Bệnh viện Cà Mau liên hệ và tìm cách chuyển 4 trẻ sơ sinh lên Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) hỗ trợ nuôi dưỡng”.

Y sĩ Quách Kiều Loan kể: “Bệnh viện Cà Mau chuyển 4 trẻ sơ sinh bằng xe cứu thương, chỉ có bình ô-xy cho bé nhỏ nhất nặng 1,2 kg thở, do suy hô hấp. Tôi với hộ sinh Trần Mỹ Phương cùng người nhà thay phiên ôm các trẻ, sưởi ấm bằng chai nước nóng và hơi người từ Cà Mau lên TP HCM”.

Hỏi về sản phụ sinh 4 cách đây gần 24 năm, cán bộ phụ nữ xã Phú Hưng (Cái Nước) chỉ đường đến ấp Cái Rắn. Con đường bê-tông bờ sông Đất Dài thay cho đường thủy những năm trước. Nắng chiều dịu, đôi vợ chồng cặm cụi đào đất, bồi đắp mảnh vườn.

Bà Đặng Thanh- sản phụ sinh 4, bắt chuyện: “Ở đây, nhà báo hỏi nhà sinh 4 hoặc nhà Năm Lai (Nguyễn Tấn Lai- chồng bà) có nhiều người biết lắm”.

Bà Đặng Thanh không thể nhớ hết mặt người thương cảnh vợ chồng bà sinh 4 con, thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ lúc hoạn nạn. Bà Đặng Thanh kể: “Lúc tỉnh, tôi biết nhiều người đến thăm. Có một bà già bán bánh lá dừa đến thăm hỏi, cho mẹ con tôi 2.000 đồng rồi đi. Một gia đình mua bán lớn bên chợ Cà Mau, dẫn cả nhà đến, cho 20.000 đồng lúc đó là lớn lắm, quí lắm”.

Bà Đặng Thanh nhớ lại, chiều tối ngày 5/1/1994, bà nghe chuyển dạ. Chồng chạy xuồng máy ra Bệnh viện Cà Mau chờ sinh. Khoảng 8 giờ tối cùng ngày, bà Đặng Thanh sinh 4 trẻ, bà bị suy tim cấp. “Tôi được cấp cứu, rồi chuyển lên khoa và chuyển đi chuyển lại trong Bệnh viện Cà Mau suốt 2 tháng 22 ngày mới xuất viện. Thỉnh thoảng, tôi gặp các con lúc khỏe”.

Ông Nguyễn Tấn Lai kể: “Hồi đó, các con yếu, sưởi ấm bằng nước ấm, trùm vải mền. Anh chị em trong gia đình chia nhau chăm sóc các cháu, vừa canh trực vợ tôi không biết bao lần định xuôi tay. Thiếu ngủ triền miên, ra tiệm hớt tóc, ngủ quên cả buổi, thợ hớt tóc gọi mấy lần mà tôi không hay biết!”.

Các nữ hộ sinh chụp ảnh với 4 trẻ sơ sinh tại bệnh viện.

Không kịp đặt tên con

Trong căn nhà xây dựng kiên cố, còn nguyên tường gạch, chưa sơn phết, bà Đặng Thanh cho biết, bà từng làm y sĩ sản Bệnh viện Cái Nước (Cà Mau), chuyển về quê chồng làm Trạm y tế xã Phú Hưng. Sau lần sinh 4, vợ chồng ông Năm Lai nghỉ việc, về gia đình, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn con lóc nhóc.

Trời cho vợ chồng ông Năm Lai mau con. Sau thành hôn, vợ chồng ông sinh liền 2 cậu con trai, cách nhau 1 tuổi. Năm 1993, bà Đặng Thanh mang bầu lần thứ 3, đi khám, siêu âm, kết quả chỉ báo mang 3 thai.

“Thời đó bệnh viện Cà Mau mới có máy siêu âm trắng- đen, chưa biết rõ giới tính. Vợ chồng tôi đã có 2 con trai rồi, lỡ sinh ra 3 con trai nữa thì không biết lấy tiền đâu cưới vợ cho con. Tôi khóc nhiều lắm, bỏ không được”- bà Thanh kể.

Hay tin, cha mẹ, anh em hai bên cả thảy 16 người kéo đến, ngồi chật căn nhà bằng mái tôn, cột kèo bằng cây gỗ tạp. “Ông già tôi động viên: “Vợ chồng gắng lên, đừng khóc, đẻ ra, anh em chia nhau nuôi”- bà Thanh nhớ lại.

Nhìn cảnh nhà lụp xụp, vỏn vẹn 8 công đất vừa cất nhà ở vừa trồng lúa. Lúc bấy giờ, vợ chồng ông Lai có 2 con trai là Nguyễn Hải Âu (sinh năm 1989) và Nguyễn Hải Lý (sinh năm 1990) đứa lên 3, đứa lên 4.

Bốn trẻ sơ sinh năm lên 4.

Ông Lai hồi nhớ: “Trước khi sinh, vợ chồng tôi soạn sẵn 3 tên lót như 2 anh chúng là Hải Vân, Hải Lâm, Hải Vương. Còn Hải Yến phải đặt thêm khi thêm đứa thứ tư”.

Sau khi xuất viện, bà Đặng Thanh về nhà, cha mẹ chồng chăm sóc bà với 2 con đầu. Ông Nguyễn Tấn Lai vật vã, ở nhờ, ở đậu để ngóng 4 con được nuôi dưỡng tại làng trẻ Hoà Bình- Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Mỗi tháng, Làng trẻ Hòa Bình cho phép bà Đặng Thanh thăm con một lần, mỗi lần 15 phút, rồi lặng lẽ quay về quê.

Khi 4 trẻ được 6 tháng tuổi, Làng trẻ Hoà Bình yêu cầu phải đưa con về hoặc làm giấy cho người nước ngoài xin nuôi. Không còn cách nào khác, sợ mất con, vợ chồng bà ôm 4 con về nhà nuôi dưỡng.

Lớn lên như hạt lúa,  củ khoai

Lườm yêu chồng, bà Đặng Thanh kể: “Sáng sớm, vợ chồng thức dậy, đánh vật với lũ trẻ đến trưa anh Năm Lai mới ra đồng. Xế chiều, anh Lai lại quay về sớm hơn để giúp tôi chăm sóc sắp nhỏ”.

Hai con trai đầu của ông bà là Nguyễn Hải Âu, Nguyễn Hải Lý dường như thấu hiểu cảnh nhà nghèo, đông anh em. Hải Âu kể: “Tôi và Hải Lý hơn kém nhau một tuổi. Hai anh em “cặp bồ” chia nhau mỗi anh giữ 2 em làm sao không để em khóc, không để em té”.

Ông ngoại của 6 đứa trẻ thương cho tấm bảng đen bằng gỗ vì ông là ông giáo làng. Nguyễn Hải Âu kể: “Tôi với Hải Lý chia nhau, mỗi người dạy kèm 2 em. Anh em đố vui với nhau học chữ, làm toán cho các em tự học ở nhà, để học tốt ở trường”.

Điều kỳ diệu là cả 6 đứa con vợ chồng ông Năm Lai ham đi học, biết mặt chữ sớm, phải sửa năm sinh để học tại điểm trường tiểu học ấp Cái Rắn, Trường THCS xã Phú Hưng và Trường THPT Phú Hưng (Cái Nước).

Người anh trai Nguyễn Hải Âu tốt nghiệp Khoa sư phạm Đại học sư phạm Cần Thơ, giảng dạy tại ngôi trường cũ là Trường THPT Phú Hưng. Từ ngôi trường THPT đóng trên địa bàn xã, Nguyễn Hải Âu là học sinh giỏi của trường, tham gia thi học sinh giỏi lớp 12 quốc gia môn Vật lý.

Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Lai- Đặng Thanh.

Nguyễn Hải Lý học sau anh trai một lớp, từ trường làng, thi đậu vào Khoa Công nghệ- thông tin Đại học Cần Thơ, có việc làm, thu nhập khá tốt tại Cty Hoàng Long (Long Biên- Hà Nội) phụ giúp nuôi các em học và tìm việc.

Bà Đặng Thanh nói: “Thử thách lớn nhất, khó khăn nhất đối với vợ chồng tôi là cả 4 đứa con trong lần sinh 4, cùng tốt nghiệp THPT và đậu vào đại học vào năm 2012. Tiền làm được bao nhiêu phải gởi tiền học phí, tiền trọ, tiền ăn từng tuần một”.

Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Hải Lâm, Nguyễn Hải Vương đậu vào Đại học Bạc Liêu. Còn Nguyễn Hải Yến đậu vào Cao đẳng Tài chính- Ngân hàng Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang). Bà Đặng Thanh kể: “Vợ chồng tôi vay 79 triệu đồng Ngân hàng Chính sách- Xã hội để lo 4 đứa con cùng học đại học, nay đã trả dần hàng tháng, còn nợ hơn 30 triệu đồng”.

Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng 6 đứa con của vợ chồng ông Lai vẫn bền gan theo đuổi sự học. Ông Năm Lai nói: “Vợ chồng tôi đã gắng sức nuôi dưỡng các con trong nghèo khó, túng thiếu. Chúng tôi rất hạnh phúc lẫn tự hào có các con ngoan hiền, ham học, thương nhau, đứa lớn dạy đứa nhỏ, kiếm tiền nuôi nhau học hành”.

Hải Lâm làm cùng anh Hải Lý. Ba cô con gái Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Hải Vương, Nguyễn Hải Yến có việc làm ngành giầy da, may mặc, điện tử ở tỉnh Bình Dương. Nguyễn Hải Vân nói: “Ba chị em làm ở 3 doanh nghiệp khác nhau, lương kha khá, có dư chút đỉnh gửi về gia đình”.Khoảng 20 giờ ngày 5/1/1994, sản phụ Đặng Thanh, 36 tuổi, sinh thường 4 trẻ là Nguyễn Hải Vân nặng 1,7 kg, Nguyễn Hải Lâm nặng 2 kg, Nguyễn Hải Vương nặng 1,7 kg và Nguyễn Hải Yến nặng 1,2 kg.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang