Sau buổi chăm sóc da mặt miễn phí, nhiều chị em lao động vướng khoản nợ khủng
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những bài viết phản ánh về việc những bất thường khi nhiều khách hàng được tư vấn mua gói mĩ phẩm trả góp Deaura trị giá 43 triệu đồng. Không ít người cho biết họ thường xuyên nhận được những cuộc gọi thông báo việc nhận được những gói chăm sóc da mặt miễn phí 1,5 triệu đồng.
Trong quá trình chăm sóc sắc đẹp, nhiều người được mời chào mua gói mỹ phẩm Deaura trị giá 43 triệu đồng, phần lớn những khách hàng này là người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhiều người đã chấp nhận mua trả góp và phát sinh nhiều hệ lụy với họ.
Clip: Nhiều chị em lao động thu nhập thấp bỗng gánh khoản nợ "trên trời" sau buổi chăm sóc da mặt miễn phí trị giá 1,5 triệu. Nguồn: VTV1
Mới đây, trong chương trình Thời sự trên kênh VTV1 đã phát phóng sự ngắn về những khách hàng là chị em có lao động thấp, đã mua gói mĩ phẩm Deaura trị giá 43 triệu để mọi người có thể hiểu rõ hơn.
Chia sẻ với PV, chị Hạnh làm nghề đồng nát - người đã mua gói mĩ phẩm trị giá 43 triệu nhớ lại, tháng 12/2017 chị có nhận được cuộc gọi tặng gói làm mặt miễn phí trị giá 1,5 triệu đồng tại trung tâm chăm sóc sắc đẹp có địa chỉ tại 68 Nguyễn Du, Hà Nội.
Chị Hạnh làm nghề đồng nát - người đã mua gói mĩ phẩm trị giá 43 triệu
Khi đang làm mặt, chị Hạnh được chào mời mua gói mĩ phẩm trị giá 76 triệu đồng nhưng được xin giảm xuống còn 43 triệu đồng, tặng kèm 12 buổi làm mặt.
Ban đầu, do số tiền quá lớn nên chị Hạnh đã từ chối vì thu nhập hàng tháng chỉ vài triệu đồng không đủ để chi trả. Chị Hạnh đã lên tiếng từ chối, "Mấy chục triệu như thế tôi không thể trả được". Tuy nhiên, nhân viên công ty đã nói, "Không, chị phải quyết định ngay bây giờ. Nếu chị bước ra khỏi đây thì chị không được mua sản phẩm này". Chị Hạnh cũng đã thẳng thừng từ chối, "Không được mua thì thôi, tôi không quan tâm".
Những lọ mỹ phẩm chị Hạnh đã mua với giá 43 triệu đồng
Tuy nhiên, chị Hạnh cho biết, sau khi chăm sóc nốt nửa da mặt xong, chị Hạnh như người bị xui, không biết gì nữa. Sau đó, chị Hạnh kí vào tờ giấy đồng ý mua sản phẩm chăm sóc sắc đẹp theo hình thức trả góp.
Tiền mua bộ mĩ phẩm 43 triệu này là từ việc mình đứng tên vay từ công ty tài chính FE Credit thuộc ngân hàng VP Bank
Khi về nhà, đọc kĩ lại giấy tờ đã kí chị mới biết hóa ra tiền mua bộ mĩ phẩm 43 triệu này là từ việc mình đứng tên vay từ công ty tài chính FE Credit thuộc ngân hàng VP Bank chứ không như lời nhân viên nói, mang hàng về dùng nếu không hợp có thể trả lại.
Khi được hỏi về việc kí vào giấy vay nợ, chị Hạnh phân trần, "Tôi không nhớ ký vào giấy gì cả, chỉ lật góc giấy lên chứ không đưa hợp đồng cho tôi bảo tôi ký vào đây để lấy sản phẩm. Chị kí vào đây, chị kí vào chỗ này để lấy sản phẩm ra."
Trong một thời gian ngắn, nhiều người từ tạp vụ, bán xôi, trà đá hay người chuyên nội trợ đã vô tình kí vào các hợp đồng vay ngân hàng mua mĩ phẩm của Công ty Deaura.
Chị Nguyễn Thị Hợi cũng đã kí tên vay ngân hàng để mua mỹ phẩm của công ty Deaura
Một "khách hàng" khác là chị Nguyễn Thị Hợi nói về lý do mình ký vào hợp đồng vay mua trả góp cho hay: "Tôi nghĩ rằng ký vào tờ giấy đó để hoàn tất buổi làm mặt miễn phí hôm nay. Chứ tôi không biết là ký vào hợp đồng hay giấy tờ nào cả, tối hôm đấy về đến nhà tôi thấy mấy tờ giấy, bỏ ra đọc mới hiểu được là hóa ra mình mua trả góp sản phẩm giống như mua xe máy".
Khi được hỏi có biết về việc kí tiền vay ngân hàng để mua sản phẩm hay không thì một "thượng đế" khác mua mĩ phẩm của công ty Deaura cũng quả quyết, "Tôi không biết, vì sau ngân hàng gọi điện đòi tiền tôi mới biết".
Rủi ro không chỉ đến với người mua còn đến với ngân hàng VP Bank và Công ty FE Credit
Câu hỏi đặt ra là, tại sao với mức thu nhập thấp như vậy không có khả năng chi trả nhưng nhiều người vẫn ký vào hợp đồng vay, mua mỹ phẩm? Nhiều người cho biết khi mua họ thường trong trạng thái không tỉnh táo. "Họ được đắp mặt bằng vàng. Được nhân viên tư vấn rất ngọt, với những người có thu nhập thấp dễ bị u mê", nhà báo Mai Loan cho biết.
Nghiên cứu về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, rủi ro sẽ đến từ 2 phía, một là đến với người mua và hai là đến từ ngân hàng VP Bank và công ty FE Credit khi người vay không có khả năng chi trả. "Có thể nói là họ cho vay lấy được, họ không cần biết là chính xác thông tin khả năng của khách hàng. Và như thế là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định cho vay của ngân hàng nhà nước cũng như quỹ tín dụng", luật sư Đức thông tin.
Trước sự việc này, PV VTV đã liên hệ với Công ty Deaura, ngân hàng VP Bank và FE Credit nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương cũng đã có văn bản gửi ngân hàng nhà nước về những bất thường trong việc cho vay trong vụ việc này.
Trước đó, Cục quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ nhiều sản phẩm, nhãn hiệu Deaura được xác định là hàng buôn lậu và cảnh báo thủ đoạn mới: ngân hàng và công ty mỹ phẩm liên kết để tiêu thụ sản phẩm này.
Theo helino.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.