Dương Phi Lâm đứng tại Quảng Trường Thời Đại ở thành phố New York, Mỹ, đeo khẩu trang và cầm tấm biển trên tay với dòng chữ “Khẩu trang + Người Châu Á ≠ Virus”. Bên cạnh có thêm tấm biển khác với nội dung “Stop This New Angle of Racism” (tạm dịch là Hãy ngừng khía cạnh kỳ thị mới này).
Với bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, bất chấp sự nỗ lực của nhiều nước trên thế giới đang ngày đêm kiểm soát dịch bằng nhiều cách khác nhau thì vẫn có một số nơi định kiến, phân biệt đối xử và kỳ thị đối với người Châu Á ở nước ngoài, thậm chí còn có những sự cố bạo lực đã xảy ra.
Trước tình hình này, Dương Phi Lâm không thể nhắm mắt làm ngơ nên cô đã quyết định hành động trong khả năng của mình. Cô đã in thông điệp lên chiếc áo thun, sau đó dán những tấm biển trong tàu điện ngầm New York. Cuối cùng, cô dừng chân tại Quảng Trường Thời Đại để phát khẩu trang miễn phí cho người qua đường và chụp ảnh chân dung cho họ. Tận sâu bên trong, Dương Phi Lâm muốn mọi người biết rằng, hình ảnh người Châu Á đeo khẩu trang không có nghĩa là họ nhiễm bệnh.
“Thế hệ của chúng tôi là một nhân chứng cho giai đoạn lịch sử này. Khi tôi đứng đây, nhiều người đã đi qua và không phản ứng. Tôi không thể chỉ trích người khác bởi ai cũng có quan điểm riêng. Điều tôi cần làm chính là lấp đầy sự thờ ơ của họ và nói cho họ biết chúng tôi không như thế”, Dương Phi Lâm chia sẻ.
Dương Phi Lâm đến từ Vân Nam, Trung Quốc và hiện đang theo học cao học về truyền thông tại một học viện ở New York. Cách đây không lâu, cô đã đeo khẩu trang để chuẩn bị cho chiến dịch của mình ở tàu điện ngầm New York.
Một người đàn ông đi từ xa đã hét lên: “Cô ta đeo khẩu trang kìa”, sau đó Dương Phi Lâm đã quay lại và hỏi: “Tôi có dư khẩu trang, anh có muốn không?”. Một người bạn Châu Á cũng có trải nghiệm tương tự. Anh ta đã bị tấn công bởi mọi người khi đến một câu lạc bộ: “Anh bị nhiễm virus đúng không, xin về nước của mình đi”.
Sống ở New York được 3 năm, Dương Phi Lâm luôn nghĩ rằng, nơi đây cô được khai sáng về mọi thứ, một nơi văn minh đa dạng về văn hóa và nói chung là an toàn. Nhưng sau sự việc này, cô đã không còn cảm giác đó nữa.
Phi Lâm nhận ra rằng điều này có liên quan đến “văn hóa khẩu trang” rất khác nhau giữa Châu Á và phương Tây. Khi dịch Covid-19 bùng phát, những người Châu Á đều được quốc gia ủng hộ đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và ngăn ngừa lây nhiễm. Tuy nhiên, ở Pháp và Vương Quốc Anh, Bộ Y tế lại không khuyến khích mọi người đeo khẩu trang nếu thật sự khỏe mạnh.
Tại New York, có rất nhiều người khoác trên mình những trang phục lạ lùng đi lại trên tàu điện ngầm nhưng cũng chẳng mấy ai quan tâm. Tuy nhiên, vào thời điểm này, người đeo khẩu trang lại bị coi như sinh vật "đáng ngờ".
“Đối với dịch Covid-19 này, vẫn còn nhiều người chưa thể hiểu hết được. Khi nhìn thấy những người Châu Á đeo khẩu trang đi ra ngoài, mọi người ở đây lại cảm thấy sợ hãi. Nhưng sợ hãi là một chuyện và phản ứng thù địch lại là một chuyện khác. Nếu như mọi người cư xử điều này như một cái cớ để nhắm vào người Châu Á hoặc Trung Quốc thì đó là phân biệt chủng tộc”, Dương Phi Lâm nói.
Khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, Dương Phi Lâm đã thấy nhiều người Châu Á đeo khẩu trang ở New York, nhưng sau một số sự cố như sợ bạo lực giữa những người Châu Á do virus , số người đeo khẩu trang dần ít đi.
“Đeo khẩu trang là một sự lựa chọn tự do của mỗi người”, người Châu Á không nên vì mang sự kỳ thị mà từ bỏ việc việc đeo khẩu trang. Tại tàu điện ngầm ở New York, Dương Phi Lâm thấy rằng một số phương tiện truyền thông nước này đã sử dụng cụm từ “Virus Trung Quốc” hay “Thảm họa vàng” khiến cô cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.
Dương Phi Lâm đã in thông điệp lên chiếc áo thun và in 80 - 90 poster nhỏ và thêm một câu “Ngừng thái độ phân biệt chủng tộc này”. Tối hôm đó, Dương Phi Lâm mặc áo thun và dán poster nhỏ trên tàu điện ngầm.
Cô đã chọn một số trạm tàu có nhiều người qua lại và khu phố người Hoa gần trường. “Lúc dán tôi đã cố gắng cẩn thận, bởi vì tôi không muốn gây rắc rối”, Dương Phi Lâm nói. Khi cô dán poster, cô thấy một vài người đàn ông và phụ nữ thì thầm, sau đó họ tiến đến đọc và mỉm cười.
Ngay lúc đó, Dương Phi Lâm đã quay lại nhìn họ và thấy họ cầm điện thoại và chụp hình lại. Lúc đó, cô có chút cảm động, cô thầm nghĩ, không quan trọng họ nghĩ gì, chỉ cần nội dung của poster đó được truyền đi thì chắc chắn sẽ có hiệu quả.
Sau khi bạn bè của Dương Phi Lâm biết chuyện này, họ đều muốn đến giúp đỡ cô cùng truyền tải thông điệp này. Dương Phi Lâm lần này muốn “chơi lớn” một lần, quyết định bước ra nơi sầm uất nhất New York đó là Quảng Trường Thời Đại để tự mình truyền tải điều muốn nói với tất cả mọi người ở đây.
Khi đến nơi, Dương Phi Lâm đeo khẩu trang, đứng trên bục cao nhất và cầm tấm biển lớn. Bất cứ ai đi qua cũng đã dừng lại một chút, cô giải thích với họ rằng quan niệm sai lầm nhất chính là người nhiều người lợi dụng dịch Covid-19 làm cái cớ để đối xử bất công, phân biệt chủng tộc với người Châu Á. Sau đó, cô cũng đưa cho họ chiếc khẩu trang, chụp ảnh chân dung của họ và ghi lại toàn bộ quá trình để thực hiện bộ phim tài liệu.
Trong hơn 3 tiếng đồng hồ, có hơn 20 người dừng lại để nói chuyện với Dương Phi Lâm, và tất cả họ đều hợp tác một cách thiện chí. Một người đàn ông gốc Trung Đông đã nói với Phi Lâm rằng, anh rất hiểu tâm trạng của cô bởi vì vào sự kiện 911, nhiều người kỳ thị vì anh là người Trung Đông.
Một du khách đến từ Minnesota cho biết: “Hành động này có thể khiến nhiều người hiểu rõ vấn đề hơn, từ đó giúp loại bỏ việc phân biệt hoặc kỳ thị người Châu Á đeo khẩu trang ở nơi công cộng”.
Vào cuối tuần, Phi Lâm đã đến Quảng Trường Thời Đại lần nữa để tiếp tục hoạt động của mình. Lần này cô đã gặp được một nhóm tình nguyện viên Trung Quốc, và họ đã cùng nhau thực hiện chiến dịch “free hug” để khẳng định rằng chúng tôi không bị bệnh và đạt được hiệu quả rất tốt.
Những người qua đường bằng lòng hợp tác với Phi Lâm để quảng bá chiến dịch này.
Họ đã chủ động nắm tay Phi Lâm, bày tỏ sự hiểu biết và cảm ơn hành động cũng như tất cả những nỗ lực của cô. Một số người qua đường cũng bày tỏ quan điểm tương tự, họ cũng chủ động chụp ảnh với cô, nói rằng rất thích thông điệp này, không ít người muốn đăng tải chúng lên Instagram và Twitter để giúp cô quảng bá.
“Ở đây (New York) tôi phải đối mặt với mọi người khi ra đường mỗi ngày. Trong số đó, có người nghi ngờ, tò mò và đôi mắt của họ không được thiện cảm cho lắm. Khi bạn cảm nhận được có ai đó đang nghĩ gì về mình, tâm lý đó vô cùng phức tạp”, Dương Phi Lâm trải lòng.
Gần đây cuộc sống của Dương Phi Lâm đã bị gián đoạn bởi tình hình dịch Covid-19, nhưng cô vẫn sẽ tiếp tục những hoạt động này và thể hiện mọi thứ mà cô nhìn thấy.
(Nguồn: The Paper)
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/nguoi-phu-nu-dung-cam-bao-ve-dan-chau-a-mot-minh-dung-o-noi-sam-uat-nhat-new-york-va-chong-lai-su-phan-biet-chung-toc-giua-tam-dich-covid-19-22202022221130140.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.