Con 4 tuổi nghiện điện thoại vì bị mẹ ép học tiếng Anh

Từ khi con 2 tuổi, tối nào chị Nguyễn Thị Huyền (Phùng Khoang, Hà Nội) cũng cho con học tiếng Anh trên các phần mềm điện thoại khoảng 1-2 tiếng. Không biết hiệu quả học tiếng Anh thế nào, nhưng giờ 4 tuổi bé đã “nghiện” thiết bị điện tử.

Sợ con qua giai đoạn vàng để học ngôn ngữ mới như nhiều trung tâm quảng cáo, chị Huyền ép con học tiếng Anh từ sớm. Tối nào cũng vậy, chị mở các chương trình tiếng Anh cho trẻ em và yêu cầu con học từ 1-2 tiếng. Đó có thể là những bộ phim hoạt hình, bài hát tiếng Anh nên… không khó để cậu bé chăm chú, thích thú.

Khi chồng chị phàn nàn việc cho con dùng nhiều điện thoại, chị Huyền giải thích, phải cho con “tắm” trong tiếng Anh thì sau này con mới phát âm chuẩn, nghe tốt và nói như người bản xứ được. Vì vậy, mặc ai nói gì, ngày nào chị cũng cho con sử dụng điện thoại trong thời gian khá dài như vậy.

Nhiều phụ huynh khiến con nghiện các thiết bị điện tử. Ảnh minh họa

Giờ 4 tuổi con trai chị đã nghiện thiết bị điện tử. Buổi sáng, mẹ gọi không dậy nhưng chỉ cần mẹ để điện thoại bên cạnh, mở nhạc phim hoạt hình là con “tỉnh như sáo”. Vừa mở mắt, cậu bé chộp ngay điện thoại để xem chương trình của mình và chỉ rời điện thoại khi mẹ đưa đến trường.

Buổi chiều, buổi tối, bé cũng kè kè điện thoại bên mình. Mặc dù được mẹ chỉ định chỉ được xem chương trình tiếng Anh nhưng khi mẹ không để ý, mẹ làm việc nhà, cậu bé lại mở sang các chương trình mà mình yêu thích. Thấy con chăm chú điện thoại, không làm phiền đến mẹ, chị Huyền càng cảm thấy nhàn.

Thế nhưng, chị Huyền không biết rằng, con trai đã nghiện thiết bị điện tử. Bé không có nhu cầu chơi với bạn bè, hoạt động chân tay, bất cứ lúc nào là dán mắt vào điện thoại, ipad, máy tính. Chị Huyền chủ quan nghĩ rằng, đứa trẻ nào cũng nghiện những đồ công nghệ này mà không rõ tác hại của nó ra sao.

Theo anh Lê Quang Huy, ông bố nổi tiếng với phương pháp homeschool (dạy con ở nhà) cho biết, khi các bố mẹ tự dạy con ở nhà hay để con tự học và giải trí với thiết bị điện tử, việc con nghiện hay quá thích một trò gì đó chưa hẳn đã hay. Anh Huy chia sẻ: 

“Mình từng nghiện game, và mình biết quá thích một thứ gì đó đều không tốt cho những thứ còn lại. Rượu, hêrôin, thuốc lá, thuốc ngủ, tình dục, thể thao, quyền lực… tất cả chúng ta đều nghiện một thứ gì đó bởi vì não bộ của chúng ta tiết ra chất dopamine khiến chúng ta phải tìm kiếm sự thỏa mãn.

Các nhà khoa học ở New York đã quan sát thấy ở con người, tác động của cocaine là do ảnh hưởng đến những thụ thể dopamine trong não bộ. Càng nghiên cứu sâu hơn về ma túy, người ta càng nhận thấy rõ vai trò đặc biệt của dopamine, tựa như nó là mục tiêu ưu tiên của những chất ma túy khác nhau. Rượu, cannabis, hêrôin, cocaine, thuốc tâm thần, ecstasy, LSD… tất cả đều ảnh hưởng đến dopamine.

Các chất này làm tăng lượng sản sinh dopamine, hay nói cách khác là ngăn chặn sự thoái hóa dopamine trong não. Kỳ lạ là thức ăn, sự cực khoái, stress hay tập thể dục cũng có tác động như thế.

Chất đó là chất gì mà luôn có mặt khi người ta ham muốn hay vui thú? Đối với nhiều nhà sinh học, nó là trọng tâm của cái mà người ta gọi là "hành vi lệ thuộc". Để làm tăng lượng dopamine, những kẻ nghiện ma túy phải tiêu thụ bất cứ chất gì cho dù có phải nguy hiểm đến sự quân bình về thể chất, tâm thần và xã hội.

Cha mẹ cần có biện pháp khi con mè nheo đòi điện thoại. Ảnh minh họa

Trong các trò chơi, trò chơi nào càng kích thích tiết ra Dopamine thì trẻ con càng nghiện. Xem Youtube với những hình ảnh và âm thanh kích thích cũng khiến trẻ tiết ra Dopamine, làm trẻ lệ thuộc vào việc xem đó.

Khi trẻ mè nheo đòi xem youtube hoặc chơi game trên ipad, ngoài việc "thích" xem nội dung, phần lớn trẻ đòi vì nhớ cảm giác được thoải mái và kích thích của dopamine trong não.

Khi trẻ nghiện cảm giác ấy, trẻ sẽ khó tập trung vào việc khác, như học hành hay làm các hành vi nhàm chán, hay ngồi không dù chỉ một lúc.

Việc cho con xem quá nhiều video trên youtube để học tiếng Anh là không có lợi, để trẻ không mè nheo đòi xem, các bạn có thể áp dụng một trong các cách sau: Tắt wifi hoặc internet vào những giờ không muốn con xem, đặt pass máy để con không thể tự tiện xem khi không được phép, hẹn giờ đồng hồ và giao hẹn trước thời gian con được xem theo ý muốn (5 đến 10 phút đối với bạn bé và 15 đến 20 phút đối với các bạn lớn 6 tuổi trở lên), xóa app Youtube nếu con thích xem quá và bạn không thể kiểm soát”.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang