Chị Hoài Thu (Hà Nội) có con gái lớn năm nay lên lớp 9. Con gái chị học giỏi, thường đạt thành tích cao trong các cuộc thi. Tự hào về con nên mấy năm trước, chị hay khoe giấy khen, thành tích thi cử của con lên Facebook cá nhân. Mỗi lần như vậy, thường có nhiều họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp vào chúc mừng, khen ngợi: “Con gái mẹ Thu giỏi quá”, “Ngưỡng mộ quá con gái ơi”, “Đúng chuẩn “con nhà người ta” rồi mẹ Thu ạ”…
Tuy nhiên, một năm trở lại đây, chị Thu không còn khoe con trên mạng nữa. Sự thay đổi này bắt nguồn từ một lần con chị tham gia cuộc thi tiếng Anh, chị cũng đặt nhiều kỳ vọng nhưng kết quả là con chị không có giải. Sau đó, con chị buồn bã, trầm lặng, thường hay ở một mình trong phòng. Khi chị Thu gặng hỏi thì con gái òa lên khóc nức nở: “Con xin lỗi vì đã làm mẹ và mọi người thất vọng”.
Trò chuyện thêm với con, chị mới biết khi được mẹ thường xuyên khoe trên mạng và được nhiều người vào tán dương, con đã luôn tự nhắc nhở mình phải cố gắng trong học tập để đạt được những thành tích tốt. Lần trượt giải đó khiến con cảm thấy có lỗi với mẹ, chán nản và thất vọng về chính mình.
“Khi đăng thành tích của con lên mạng, tôi mong muốn chia sẻ niềm vui của mình với mọi người thôi, không ngờ lại tạo áp lực lớn cho con đến vậy”, chị nói.
Giống như chị Thu, không ít bậc phụ huynh khác cũng hay chụp ảnh bảng điểm, giấy khen, thành tích thi cử của con rồi đăng lên mạng. Vào những thời điểm như kết thúc năm học, biết kết quả thi và cấp 3, thi tốt nghiệp THPT… không khó bắt gặp những tấm ảnh bảng điểm, giấy khen “phủ sóng” trên mạng xã hội. Phía dưới bài đăng thường là những bình luận có cánh khen con giỏi, khen bố mẹ biết cách nuôi dạy con.
Cha mẹ khoe con hay khoe mình?
Theo Th.S Nguyễn Thị Lanh chuyên gia tâm lý, nhiều cha mẹ khoe thành tích của con lên mạng là để chia sẻ niềm tự hào về con cái mình. Tuy nhiên, điều này có thể vô tình đặt lên vai con trẻ nhiều áp lực, ảnh hưởng đến sự phát triển và hạnh phúc của con.
Khoe con vì con học giỏi, thành tích cao, đỗ trường điểm… tức là bố mẹ “ngầm” truyền đến con thông điệp rằng bố mẹ yêu con vì con đáp ứng những tiêu chuẩn đó.
Trước sự kỳ vọng của cha mẹ, con sẽ phải không ngừng cố gắng để học giỏi, ngày càng đạt được những thành tích cao hơn nữa. Vì cần để tâm đến việc thỏa mãn lòng tự hào của cha mẹ, con có thể quên đi cảm nhận của bản thân, quên đi mình thực sự cần gì. Con sẽ học không phải cho chính con mà là học vì cha mẹ. Con không được sống là chính con nữa.
Đến khi trưởng thành, con sẽ càng để ý cái nhìn của người khác, vì mong được người khác công nhận mà tự gây áp lực lên chính mình.
Bên cạnh đó, không ít bậc cha mẹ bị mắc kẹt trong tư duy con mình phải giỏi, phải tốt, phải thành công hơn con nhà người ta. Cha mẹ khao khát được người khác ghi nhận mình thông qua thành tựu của con. Vì thế, cha mẹ lấy con làm công cụ để đi khoe với người khác, để mọi người ngưỡng mộ mình, chứ không thật sự quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ, ước mơ của con.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, nhiều đứa trẻ bề ngoài cố gắng làm hài lòng cha mẹ nhưng sâu bên trong là cảm xúc trống rỗng, không biết mình thực sự cần gì, muốn gì, buồn bã, lo sợ khi không đạt được thành tích như bố mẹ kỳ vọng. Đến một lúc nào đó, trẻ có thể sẽ bộc phát ra những hành vi phản kháng, chống đối, chán học hoặc rối loạn lo âu, trầm cảm.
Nữ chuyên gia cho rằng, những thành tích của con mà nhiều bậc cha mẹ khoe trên mạng chỉ phản ánh kết quả chứ không thể hiện rõ được quá trình. Điều cha mẹ cần nhất không nên là việc lên mạng xã hội “khoe con nhưng thực chất là khoe mình”, mà là hãy đồng hành, dẫn dắt, ghi nhận sự nỗ lực trong cả quá trình học tập của con.
Đồng thời lắng nghe, thấu hiểu, ủng hộ giấc mơ của con, để con được sống là chính con, để con nhận ra tầm quan trọng của việc học, học là vì chính con chứ không phải học vì niềm tự hào của cha mẹ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.