Bỏng lửa hay bỏng nước sôi đều rất nguy hiểm. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Việc sơ cứu khi bị bỏng sai cách có thể khiến vết thương ăn sâu thêm, bị bội nhiễm và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
Liu Zhongming là bác sĩ khoa cấp cứu. Một hôm đang trong giờ trực của mình, anh tiếp đón đôi vợ chồng trẻ đưa con nhỏ 2 tuổi, tay đang quấn 1 lớp băng gạc đến khám. Hóa ra, khi người mẹ đang đun nước để pha bột, cháu bé nghịch ngợm đã với chiếc ấm. Hậu quả ấm nước đang sôi bị đổ, nước nóng 100 độ dội vào tay con.
Đứa bé gào khóc ngay sau đó. Bà nội và bố thương con nên cuống cuồng gọi bác sĩ. Ông bố ôm con, định chạy bộ đến bệnh viện cách đó 500m. Nhưng mẹ em đã ngăn lại. Chị nói con cần được xử lý tại nhà trước. Nếu không khi đến bệnh viện, vết thương của con càng nguy hiểm hơn.
Ban đầu cả nhà không đồng ý. Thấy tay bé đỏ ửng, phồng rộp thì càng xót ruột, anh chồng chỉ muốn đưa con đến ngay bệnh viện. Còn người mẹ thì bình tĩnh kéo con vào nhà tắm, vặn vòi nước lạnh và đặt bàn tay của con dưới vòi nước.
Lúc đó anh chồng cáu gắt: "Chỉ xả nước có ích gì? Mau đưa con đi bệnh viện. Nước nóng làm bỏng tay con. Việc dội nước ở nhà có ích lợi gì?". Chị vợ đã nói với chồng rằng, bây giờ đưa con đến bệnh viện nhanh nhất cũng mất 30 phút. Con bị bỏng cần được làm mát ngay. Dùng vòi nước chảy để dội vào phần bị bỏng của con là cách tốt nhất để hạ nhiệt.
Sau khi nghe người phụ nữ kể, Tiến sĩ Liu Zhongming đã vỗ tay và nói: "Chị đang làm đúng. Tháng nào vào khoa cấp cứu cũng thấy 1-2 cháu bị bỏng nước sôi, nhưng không có nhiều phụ huynh biết cách sơ cứu giống bạn. Bây giờ da của con chỉ đỏ và hơi sưng lên. Vấn đề không còn nghiêm trọng nữa".
Sau đó, bác sĩ Lưu đã khám lại cho cháu bé. Anh trực tiếp kê một số loại thuốc trị bỏng, đồng thời yêu cầu phụ huynh đưa con đi khám lại. Vị bác sĩ còn lưu ý, phần bỏng không được sờ vào, nếu tay cháu bị rộp nước, đừng chọc vỡ nó. Như vậy chỉ 1-2 tuần sẽ ổn!
Cách phòng ngừa con nhỏ bị bỏng nước sôi hoặc bỏng lửa tại nhà
- Trẻ con rất hiếu động và chưa nhận thức được nguy hiểm như người lớn. Vì vậy cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, sắp xếp đồ đạc mọi thứ trong nhà hợp lý. Phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa,… để ở nơi trẻ không nhìn thấy, hoặc không thể với được.
- Bếp nấu ăn nên bày ở khu vực riêng, hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không để trẻ nhỏ tự ăn, tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng.
- Những chai nước khử trùng như cồn nên được cất ngay khi sử dụng xong. Nếu trẻ con uống hoặc nghịch phải thứ đó sẽ rất nguy hiểm.
Cách sơ cứu khi bị bỏng nước sôi hoặc bỏng lửa
- Bước 1: Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng, đưa người bị nạn ra khỏi khu vực xảy ra tai nạn
Đối với người bỏng lửa, bước đầu nên sử dụng cát, nước hoặc áo khoác, áo choàng, chăn hay mảnh vải lớn... đập dập lửa đang cháy. Phần áo quần còn đang âm ỉ cháy cần được lột ra ngay.
- Bước 2: Xoa dịu vết bỏng bằng cách làm mát
Nhanh chóng đưa vùng da bị bỏng ngâm vào nước nguội sạch để vệ sinh vết thương tránh nhiễm khuẩn, sau đó xả nhẹ nước mát trong vòng ít nhất 15 phút. Việc này giúp vết thương được dịu đi, tránh đau rát, sưng tấy, vết bỏng cũng sẽ không bị ăn sâu tiếp nữa.
Lưu ý đặc biệt:
+ Chỉ nên dùng nước mát chứ không nên chườm bằng đá hoặc nước đá, do tiếp xúc trực tiếp bằng đá lạnh có thể khiến vết thương trở nên tệ hơn.
+ Không bôi kem đánh răng, hay kem trị bỏng, mỡ trăn... lên vết bỏng. Vì chúng chỉ khiến vết thương ngay lúc đó trở nên tệ hơn, khả năng viêm nhiễm nhiều hơn.
Cha mẹ phải quan tâm đến sự an toàn của con em mình. Đừng để đến lúc xảy ra tai nạn mới hối hận thì không kịp!
https://afamily.vn/con-bi-bong-nuoc-soi-100-do-sung-rop-ban-tay-nguoi-me-van-binh-tinh-lam-viec-nay-ai-ngo-duoc-bac-si-khen-het-loi-20220418120616986.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.