Không gian phòng bếp của gia đình chị Nguyễn Linh (hiện đang sống và làm việc tại Đức) chỉ vỏn vẹn 12m². Vì diện tích quá nhỏ nên hai vợ chồng chị đã quyết định kết hợp phòng khách chung để tạo không gian mở, nên phần nhìn cho cảm giác được thoáng và rộng rãi hơn.
Ban đầu đây chỉ là phòng ăn. Vì kết cấu nhà trước đó là tầng trệt bao gồm phòng bếp, phòng ăn, phòng khách, nhà vệ sinh cho khách. Tất cả đều riêng biệt nhưng khá nhỏ. Sau khi gia đình chị Nguyễn Linh dọn đến đã thay đổi lại kết cấu hoàn toàn.
Phòng bếp thành phòng chơi của con trai, phòng ăn thành phòng bếp và đập luôn bức tường ngăn cách giữa phòng ăn và phòng bếp lúc trước để tạo không gian rộng và thoáng như bây giờ.
Chị Linh tiết lộ: "Đây là căn bếp với một kỷ niệm mà hai vợ chồng chẳng bao giờ quên. Nó là món quà mẹ chồng tặng khi hai vợ chồng mua được nhà. Bà là người cho kinh phí mua trước đó và đã được dự trù áng chừng. Bởi mua nhà cũ nên sửa sang khá nhiều và cần thời gian". Sau khi mua được nhà, cả quá trình cải tạo căn bếp chỉ có hai vợ chồng cùng thực hiện.
Vì chồng chị Nguyễn Linh khá bận rộn với công việc nên chỉ thứ 7 và Chủ nhật mới có thời gian sửa. Thời gian cải tạo bắt đầu từ năm 2018 với việc gỡ toàn bộ trần gỗ cũ, đập phần xi măng tường hư hỏng.
Cũng trong năm đó hai vợ chồng nhận được tin mẹ chồng qua đời. Bà là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời cũng như cuộc sống hiện tại của hai vợ chồng. Hai vợ chồng mua được nhà là nhờ bà động viên, ủng hộ cả về vật chất cũng như tinh thần.
Quá trình cải tạo đều do tự tay hai vợ chồng thực hiện.
"Mẹ chồng mình sống định cư bên Đức tròn 30 năm, nhưng đến đầu năm 2018 bà quyết định hồi hương rồi qua đời ở Việt Nam. Đó là mốc thời gian mà mình không bao giờ quên. Hai vợ chồng đã gác lại mọi việc để bay về cùng anh chị em trong hai tuần lo lắng hậu sự. Việc sửa nhà coi như dừng lại. Mãi đến sau Noel năm đó thì chồng mình xin được 4 tuần nghỉ phép rồi bắt đầu sửa chữa tiếp.
Tới trần bếp, vợ chồng mình hạ trần xuống 20cm, làm khung lại vì mùa đông bên Đức khá lạnh. Chỗ hạ trần vợ chồng mình mua thêm nguyên liệu bỏ vào để giữ ấm và sau là bắt thạch cao. Miếng thạch cao ngang 2 mét dài 1,2 mét mà chỉ hai vợ chồng gồng gánh. Thật sự lúc đó cũng không hiểu vì sao có sức để mang nâng nó lên như vậy. Rất nhiều khó khăn trong lúc cải tạo nhà. Nhưng may mắn là mọi chuyện cũng qua".
Khu bếp được chồng chị Nguyễn Linh ốp gạch tường xung quanh. Đến lúc này chồng chị Nguyễn Linh lại hết ngày nghỉ phép, công việc sửa chữa lại gián đoạn. Hai vợ chồng cứ cuối tuần lại bắt tay vào cải tạo. Nền nhà trước đó là dùng hệ thống lò sưởi bằng ga nên sau vợ chồng chị Nguyễn Linh quyết định đổi hệ thống sưởi bằng điện dưới nền nhà. Hoàn thiện xong là cuối tháng 2 năm 2019.
"Phần thiết kế phòng bếp cho ý tưởng lớn nhất là gia đình em gái chồng. Em ấy đã gợi ý cho vợ chồng mình khá nhiều chỗ nào nên và không nên. Phần sơn màu là chồng mình được chủ cho vì công ty anh làm về xây dựng nên dư nhiều, màu sơn chủ đạo là trắng và là sơn Bio thân thiện môi trường, thấm thoáng tốt, tốt cho sức khỏe".
Theo chị Nguyễn Linh, khi cải tạo 1 không gian sống trong nhà, việc đầu tiên phải nghĩ đến đó chính là sức khỏe. Vì nó ảnh hưởng lớn đến cả quá trình sau này. Không cần vội, chỉ cần bền và chắc. Thời gian có thể kéo dài hơn một chút để đảm bảo mọi thứ được hoàn thiện tốt nhất, góc nào ra góc đó để tiện cho cuộc sống sinh hoạt của các thành viên cũng như thẩm mỹ chung của ngôi nhà.
Thêm vào đó nên lắng nghe ý kiến của người thân gia đình và chọn ra ý phù hợp với nhu cầu của bản thân, trong khả năng mình có thể nhất, tận dụng tối đa đồ cũ, đừng vì theo trend hay mốt mà bỏ chúng đi.
"Với gia đình mình, mặc dù bếp không xinh, không hợp tông đồ vật, nhưng mình chỉ cần chúng sạch, bền, gọn. Vì mỗi món đồ mình dùng là cả 1 kỷ niệm đẹp trước đó rồi. Chỉ khi nào hư mình sẽ bỏ hoặc tái chế nó. Chồng mình làm xây dựng nhưng chỉ chuyên về màu sắc thôi mà khi sửa nhà anh ôm trọn việc từ trần, nền và lắp ráp tủ,... Thế nên theo vợ chồng mình nghĩ, đừng nên ngại khó. Cái khó là bạn có chịu học hỏi và cố gắng hay không. Chỉ có như vậy mới giúp tiết kiệm chi phí cho gia đình.
Muốn có một mái ấm ưng ý quan trọng nhất vẫn là sự thoải mái và tiện dụng. Cần ở đây là cần thời gian, tiền bạc, khả năng tài chính có thể. Kết hợp lại để cho ý kiến cá nhân và thả vào trái tim của ngôi nhà. Kể cả màu sắc, màu nào giúp chúng ta về sau có thể dễ dàng thay đổi, hay dễ lau chùi, dọn dẹp, kết hợp các loại đồ cũ mình đã có 1 cách dễ chịu nhất. Cũng nên tìm hiểu về tương lai thì đồ vật dụng nào có khả năng thân thiện nhất với môi trường, sức khỏe của chính gia đình bạn".
Chi phí các món đồ nội thất trong phòng bếp của chị Nguyễn Linh:
Bộ bếp: 29 triệu đồng
Tủ bếp: 63 triệu đồng
Máy hút mùi: 1,4 triệu đồng
Bổn rửa: 1,9 triệu đồng
Bộ nồi xoong: 3 triệu đồng
Máy nướng bánh mì: 700.000 đồng
Đèn chiếu sáng: 2,2 triệu
Tủ lạnh, lò vi sóng, máy rửa chén, bộ bàn ghế được tận dụng từ người thân và được tặng nên không mất tiền.
Tổng chi phí: 101,2 triệu đồng
Ảnh: NVCC
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.