Con gái lấy trộm 1,5 triệu để mua đồ ăn vặt, bà mẹ ở Hà Nội hối hận suốt nhiều năm vì xử lý sai cách

(lamchame.vn) - Sau khi tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm lý, chị Hương đã rất hối hận về cách xử lý kém tinh tế của mình.

Là mẹ của ba đứa con, hai trai một gái, chị Quỳnh Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một kỹ sư thiết kế cũng có những lúc đối diện với những vấn đề "đau đầu" của con. Có khi, đứa trẻ đang tuổi "ẩm ương" bỗng dưng "đình công" với việc học; hay có lần con gái bị bạo lực học đường; rồi một đứa khác tự nhiên "đóng cửa" lòng mình, không chịu giao tiếp với bố mẹ.

Trải qua những lần học hỏi, đồng hành cùng con, bà mẹ này cũng rút ra được những bài học về ứng xử. Theo chị, ở trường hợp nào cũng để con học được rằng cho dù thế nào vẫn luôn có người tin tưởng con sẽ thay đổi để tốt lên; có người luôn yêu thương con dù con thành công hay thất bại, ngoan ngoãn hay mắc sai lầm.

Khi con thấy mình luôn được yêu thương vô điều kiện, con cũng sẽ yêu thương gia đình như vậy, cho dù bố mẹ không kiếm tiền giỏi và còn vô vàn những điều chưa bằng bố mẹ bạn khác.

Ứng xử sai cách khi con trộm tiền khiến con sao chép hành vi của bố mẹ

Năm con gái chị Hương 5 tuổi, con đã lấy trộm 3 tờ 500 ngàn đồng trong tủ để đi mua bim bim. Nhìn đứa trẻ cầm một nắm tiền lớn, người bán hàng cũng đoán là con lấy tiền của bố mẹ nên đã dắt con về tận nhà mách với bà ngoại. Đến tối khi chị Hương đi làm về, cả nhà đã mắng con. Chị cũng trách con làm điều không tốt. Ai nấy đều nói với con: Tính ăn cắp là tính rất xấu, khó bỏ, nếu giữ tính này thì không ai chịu chơi cùng con.

Theo chị Hương, dưới góc nhìn của bố mẹ, con làm sai thì phải nhận, có nhận sai thì mới sửa được. Đồng thời con phải bị phạt để rút kinh nghiệm. Đánh vài cái, mắng mỏ, nói thậm tệ thì con càng sợ, sau này không làm thế nữa.

"Ôi giời ơi! Sao lại phạm vào cái tính ăn cắp! Cả nhà này có ai có tính đó đâu"; "Tính ăn cắp này khó bỏ lắm con ạ! Mà có cái tính này, sau thò tay lấy đồ của đồng nghiệp, người ta đuổi sớm!" , là những câu người lớn dùng để chì chiết con. Chỉ có bà ngoại lúc đó là hỏi con: "Tại sao con làm như thế?".

Con gái lấy trộm 1,5 triệu để mua đồ ăn vặt, bà mẹ ở Hà Nội hối hận suốt nhiều năm vì xử lý sai cách - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sau đó chị Hương tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm lý và biết được động cơ của con là do mẹ sợ bim bim không tốt nên cấm con ăn. Con bị cấm dài ngày nên thèm, xin mẹ thì mẹ không mua cho hoặc mua rất ít. Con thấy tiền mẹ để tủ thì học theo, lấy tiền đi mua.

Nếu trẻ dưới 6 tuổi lấy đồ dủa người khác, có thể do trẻ chưa nhận thức rõ đúng sai về vấn đề này. Bộ não của trẻ chưa phát triển đủ để suy nghĩ về hành vi của bản thân và về người khác.

"Sau buổi nói chuyện với chuyên gia tâm lý, thực sự tôi đã sốc, bởi vì tôi nhận ra con chẳng có lỗi nhiều như tôi và cả nhà đã đặt lên con. Đêm đó tôi chỉ ngủ đến 3h sáng. Sau đó tôi đã thiền, quay lại thời điểm sự việc xảy ra và tự cảm nhận lại cảm xúc của mình lúc đó.

Tôi đã dán nhãn tính cách cho con. Thật ra động cơ của con chỉ đơn giản vì con thèm ăn, đã xin mẹ, nhưng mẹ không mua cho nên con lấy tiền tự đi mua. Trong việc này, mẹ đáng trách hơn con. Tuy nhiên tôi lại nâng quan điểm đạo đức và cho rằng: "Con có tính ăn cắp. Tính này rất khó bỏ".

Tôi đã tự ti. Tôi cho rằng mình là một bà mẹ thất bại vì sinh ra một đứa con có tính ăn cắp vặt (Và đây cũng là biểu hiện không yêu bản thân ở tôi). Tôi đã đổ lỗi. Tôi không nhận lỗi về mình (không cho con ăn mà để con thèm quá mức), lại nghĩ đây là do tính cách của con (di truyền từ ai đó trong họ hàng chứ không phải trong nhà)" , chị Hương chia sẻ.

Chị Hương cho rằng, theo cơ chế soi gương, con trẻ học theo phản ứng của bố mẹ và lặp lại hành động một cách vô thức khi con dần lớn lên. Sau khi bị bố mẹ mắng, con chỉ thấy được: Thứ nhất, bố mẹ không cho con nói tại sao con làm thế. Thứ hai, chỉ có bà quan tâm. Thứ ba, khi thấy ai phạm lỗi, phải mắng cho biết mà sửa. Thứ tư, đổ lỗi cho người khác.

Và sau đó con thường cư xử như sau: Mắng em thậm tệ khi em có lỗi; nói đi nói lại rất nhiều lần vì "nói thế cho nó tỉnh ra". Con thường tâm sự với bà, tâm sự ít hơn với mẹ và hoàn toàn không tâm sự với bố; ngoài ra hay đổ lỗi cho người khác.

Theo bà mẹ này, may mắn con gái chị không phải quá nhạy cảm như bạn thứ hai nên không bị sang chấn tâm lý sau sự việc trên. Nếu để lại dấu hằn trong tâm lý con, và con không vượt qua được thì việc con thấy cuộc sống này thật u ám, nghĩ quẩn không phải là chuyện xa xôi.

Sau này, chị cũng chú ý thay đổi mình để ứng xử với các con bình tĩnh, thấu hiểu hơn.

Tìm hiểu động cơ của con, bình tĩnh, yêu thương thay vì đánh mắng

Khi mỗi sự việc xảy ra, với bất kỳ ai, thì điều cần làm là bình tâm ngồi lại với nhau và hỏi "Vì sao con làm điều đó ?", rồi hãy im lặng để nghe người trong cuộc trình bày, tôn trọng ý kiến của con. Cha mẹ cần nói chuyện một cách bình tĩnh, hỏi trẻ tại sao lại muốn ăn trộm tiền, dùng để mua đồ chơi hay có việc nào đó bí mật. Chỉ bằng cách phân tích nguyên nhân rõ ràng, cha mẹ mới có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề.

Có thể con muốn mua đồ chơi, đồ ăn nào đó mà không có tiền. Con lấy tiền của bạn mà không hỏi bởi suy nghĩ giản đơn rằng: Mẹ chắc không để ý đâu. Do đó, khi bắt gặp con lấy tiền, nên nghiêm khắc nói: "Chỉ vì con muốn thứ đó không có nghĩa là con không cần hỏi ý kiến mẹ". Sau đó nên hỏi con: "Con nên làm gì lần sau?", để trẻ ý thức hành vi.

Một điều quan trọng nữa là cha mẹ không được cho phép con giữ lại những gì con đã lấy, tức là không bao giờ được hưởng lợi dưới bất kỳ hình thức nào từ việc lấy trộm của người khác.

Quan trọng hơn thế, ngay cả khi lo lắng về tính cách của con, cha mẹ cũng đừng để con nghĩ rằng bạn đánh giá con là một người tồi tệ. Việc quy kết con là "đứa trẻ hư" và kể chuyện này khắp nơi sẽ làm ảnh hưởng tới danh dự và lòng tự trọng của con, khiến con cảm thấy tự ti, xấu hổ. Với một số đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ, việc "gắn mác" cho con là "đứa trẻ hư" dễ khiến chúng phản nghịch và nổi loạn hơn trong tương lai.

Bạn cần truyền đạt thông điệp ngược lại, để trẻ hiểu rằng bản thân cần sửa đổi và làm điều đúng đắn, vì đó là điều những người tử tế luôn làm. Để trẻ nhỏ hiểu quyền sở hữu tài sản, bố mẹ hãy áp dụng với chính đồ đạc của con trước. Ví dụ, mỗi khi muốn mượn đồ đạc của trẻ, bố mẹ sẽ hỏi trẻ trước và chỉ cầm khi được chúng đồng ý. Lâu dần, con bạn sẽ hiểu và biết tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người khác. Trẻ sẽ không động vào đồ đạc, tiền nong của bố mẹ khi chưa được phép.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang