Hội mẹ bỉm chia sẻ bí quyết giúp con yêu trường mẫu giáo ngay từ những ngày đầu tiên đi học

(lamchame.vn) - Chuẩn bị tâm lý và đồng hành cùng giáo viên trong những ngày đầu con tới lớp là điều vô cùng quan trọng.

Cho con đi lớp là trải nghiệm nhiều niềm vui nhưng cũng đầy thách thức với cả phụ huynh và các bé. Bố mẹ nào cũng mong con sẽ có những giờ phút vui vẻ ở trường lớp, vui chơi, học tập cùng cô giáo và các bạn. Tuy nhiên, để con đến trường ngoan, yêu thầy cô, trường lớp cũng là một điều khiến không ít phụ huynh băn khoăn, đặc biệt là những ngày đầu làm quen với môi trường mới.

Cùng lắng nghe tâm sự của một số người mẹ chia sẻ về kinh nghiệm giúp con vui vẻ, ngoan ngoãn khi tới lớp nhé.

Những điều nên làm để mẹ an tâm, con vui vẻ khi tới lớp

Chị Nguyễn Kim Phượng (hiện đang là freelance writer, sinh năm 1988, sống tại Bình Dương), mẹ của bé Larissa chia sẻ:

- Tâm lý bé

Trùng hợp một tuần trước khi con đi học, mình bận và bà ngoại lên chơi. Thế là, vô tình bé có khoảng thời gian "tách mẹ" đệm nhẹ trước khi đi học. Một điều thú vị là bé tự điều chỉnh lịch ngủ tối sớm hơn trong khi trước đó mình đã thử nhiều cách mà không rút được thời gian ngủ tối lên.

Con đường đến trường cũng là tuyến đường hàng ngày mình chở con đi chơi, đi siêu thị nên hai mẹ con luôn chạy ngang qua trường dù bản thân lúc ấy chưa có chủ đích. Nhưng giờ nghĩ lại, nó cũng là một cách giúp con làm quen với trường lớp trước khi đi học chính thức.

- Tâm lý mẹ

+ Không đặt kỳ vọng

Ngay từ đầu, mình xác định và luôn chuẩn bị tâm lý ''bé khóc'', ''không chịu đi học'' ở mức gay gắt nhất như cô giáo đứng lớp nói thường là hai tuần, bé nào khó lắm là một tháng. Vì đã chuẩn bị tâm lý ở những mốc cao nhất trong phản ứng của con nên mình khá thoải mái với những ngày khóc lóc khi bé đến trường. Mình biết những điều này phải xảy ra nhưng chỉ là tạm thời.

Hội mẹ bỉm chia sẻ bí quyết giúp con yêu trường mẫu giáo ngay từ những ngày đầu tiên đi học - Ảnh 1.

Chị Phượng và con gái.

+ Tiến bộ nhỏ cũng là niềm vui

Mọi việc đều cần sự dịch chuyển dần từ ăn, ngủ, thời gian tách mẹ, mức độ thích nghi hòa nhập với trường… chứ không phải là chuyện thay đổi ngày một ngày hai. Ví dụ về ăn uống: con mình "sụt cân một xíu" ở tháng đầu và bây giờ là tháng thứ 3 đi học, bé đã có dấu hiệu tăng cân, ăn uống nhiều hơn trước.

+ Chuyện khóc: hồi đầu bé khóc ở mức 5, sau đó giảm từ từ và bây giờ vui vẻ. Dĩ nhiên, có ngày bé vẫn quạu, ngày thì vui vẻ nhưng số lượng ngày vui nhiều hơn. Còn ngày bé tỏ ra khó chịu thì mình xem như bình thường vì người lớn cũng có đợt khó chịu trong người.

+ Không quá quan tâm đến camera (trường con mình cũng không cho xem camera và mình đồng ý ngay từ khi đăng ký nhập học, không quá nhiều đắn đo).

Ngoài những tiêu chí chung về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chứng nhận, kinh nghiệm trong chất lượng đào tạo, giảng dạy… thì điều mình ưu tiên nhất là gần nhà, khoảng 3 phút chạy xe máy, 10 phút đi bộ. Như thế, mình có thể nhanh chóng có mặt ở trường ngay khi phát sinh sự việc đột xuất (công việc của mình là freelancer nên chủ động thời gian).

Để chọn trường tốt cho con, bố mẹ cũng nên tham khảo về uy tín nhà trường: người quen của mình và cả mới quen sau này, qua trò chuyện với các anh chị, mình biết rất nhiều phụ huynh có 2, 3 con học chung trường này (trường từ mầm non đến cấp 3).

8 điều cha mẹ nên làm trước khi quyết định đưa con đi nhà trẻ

Chị Mick Schiessl, một mẹ người Việt đang sống tại Đức đã có một khởi đầu thành công khi cho con đi nhà trẻ nhờ những cách mà chị đã thực hiện như sau:

1. Dẫn con ra ngoài chơi nhiều hơn, cho con làm quen với môi trường lạ và nhiều người lạ

Lần đầu con mình đi học là khi con 14 tháng tuổi, nhưng từ hồi còn bé, hễ có dịp là mình bế con ra đường chơi hoặc đi gặp bạn bè. Mặc dù càng nhỏ thì mỗi lần đi ra ngoài càng lỉnh kỉnh đồ đạc, nhưng mình muốn con biết về sự tồn tại của thế giới bên ngoài càng sớm càng tốt. Và kết quả cho thấy là dù ban đầu con có cảm giác ngại ngùng khi tiếp xúc với người lạ, nhưng nó qua đi rất nhanh chóng, con cũng rất hiếm khi kéo tay ba mẹ đi chỗ khác vì thấy khó chịu với người mới gặp.

Ra ngoài nhiều không chỉ giúp con làm quen với thế giới bên ngoài mà còn giúp cơ thể con làm quen với khí hậu, phấn hoa... Nhờ vậy mà con có sức đề kháng tốt, khỏe mạnh hơn. 

2. Mẹ chủ động nói chuyện làm quen với các ông bố bà mẹ khác

Khi dẫn con ra ngoài thì điều quan trọng không phải là bạn khuyến khích con chơi với bạn khác bằng việc nhắc nhở, mà là cách bạn chơi với những người khác như thế nào. Tức là con sẽ thấy cách bạn bắt chuyện làm quen với các bậc cha mẹ mới, cách bạn giao thiệp và kéo dài cuộc trò chuyện trong tiếng cười, trong sự dễ dàng.

Khi ra ngoài chơi thì bạn chịu khó đem thêm ít đồ chơi của con để con có thể tự chơi mà không cảm thấy bị phụ thuộc vào người khác, con cũng có thể học cách chia sẻ, cùng chơi chung với các bạn khác nữa. Nhưng nếu con không thích chia sẻ ngay thì cũng đừng khuyến khích, đừng gợi ý hay ép buộc nhé. Chia sẻ nên là chuyện con tự quyết định, là chuyện con muốn tự nguyện làm.

3. Thỉnh thoảng ghé trường mới của con xem các bạn chơi, nhất là các trường lớp có không gian mở nhìn ra ngoài, và con nhìn vào được bên trong xem các bạn đang làm gì

Bạn dẫn con đi chơi, đi dạo để con quan sát, thấy các bạn đang làm gì hay thì khen vui và nói rằng sớm thôi con cũng sẽ được tham gia các hoạt động hay ho như vậy.

Nhưng bạn đừng ghé vào giờ đón con hoặc giờ vào học vì đông và các bé khác có thể đang khóc gào làm con tự nhiên sợ luôn. Còn nếu chỉ có thể ghé vào giờ đưa đón trẻ thì bạn hãy chọn thời điểm giữa năm học, hoặc cuối năm, khi các trẻ khác ít nhiều gì cũng quen với việc đi học rồi thì cảnh gào khóc trước cửa trường cũng sẽ không còn mấy nữa. Lúc đó thường con chỉ thấy các bạn vui vẻ đi học và vui vẻ ra về thôi.

8 điều cha mẹ nên làm trước khi quyết định đưa con đi nhà trẻ - Ảnh 1.

Con trai chị Mick Schiessl cùng các bạn.

4. Tập cho con thói quen sinh hoạt theo giờ giấc

Điều này đặc biệt cần thiết, nếu con bạn trước đây sinh hoạt không theo kỉ luật thì bắt buộc trước khi đi học cha mẹ hãy căn theo lịch sinh hoạt ở lớp để chỉnh giờ giấc cho con. Hãy chắc chắn là bạn tập cho con quen nếp ăn ngủ ít nhất 1 tháng trước khi đi học nhé.

Mỗi lần con đi 1 nhà trẻ mới là bọn mình đều nói chuyện trước với các giáo viên về giờ giấc sinh hoạt của con cũng như hỏi kĩ về giờ giấc của các trẻ ở trường. Thường khác biệt giờ giấc ăn ngủ sinh hoạt ở nhà và ở trường chỉ trong vòng 1 tiếng thôi là được rồi.

5. Nói những chuyện vui con có thể có khi được đi học

Có thể là chuyện vui của anh chị đi trước, kỉ niệm đẹp của chính cha mẹ ngày xưa, chuyện hài hước nhà hàng xóm. Cứ chuyện hay ho, có lợi về việc đến trường lớp, làm quen bạn mới và thầy cô mới thì bạn kể cho con nghe.

Đừng vô tình gieo cho con các nỗi sợ. Kiểu như bạn bảo con hãy lo mà ăn đi/ngủ đi, không đến lớp là bị mắng đó, hoặc con không ngoan là các bạn không chơi với con nữa đâu... Các câu dọa như vậy thì tuyệt đối không nói.

8 điều cha mẹ nên làm trước khi quyết định đưa con đi nhà trẻ - Ảnh 2.

Nhờ mẹ áp dụng các phương pháp trên mà bé nhà chị Mick Schiessl đã làm quen rất nhanh với môi trường mới.

6. Cha mẹ hạn chế tương tác với con khi con đã vào lớp (nhất là những ngày đầu khi con mới làm quen)

Mình nhớ như in hôm đầu đến lớp, lúc ban đầu con vẫn ôm chân mình, nhưng khoảng 2-3 phút sau khi cô giáo rủ con đi tô màu nhé, cô sẽ giúp là con đi luôn, đi rất nhanh, không quay đầu lại.

Sau này, khi con đã quen với việc đến lớp hàng ngày thì khi dẫn con vào lớp, cha mẹ ôm chào con nhanh chóng rồi đi luôn.

7. Tập cho con đi ngủ sớm, ngủ đủ, tránh tình trạng sáng dậy đi học mà con không tỉnh nổi

Điều này rất quan trọng. Nhiều cha mẹ hay bảo sáng con không dậy nổi để đi học, đi học khổ sở không kịp giờ cũng chỉ vì con ham ngủ. Nguyên nhân chính là cha mẹ đã không sắp xếp được lịch sinh hoạt hợp lí dẫn đến tình trạng này.

8. Tập cho con nếp ăn ngủ lành mạnh

Ăn uống ngủ nghỉ với trẻ là việc quan trọng của cha mẹ rồi. Con mình thì không gặp vấn đề gì với những chuyện này, nhưng đó là vì bọn mình đã lập cho con 1 nề nếp ăn ngủ từ khi con còn bé xíu. Chuyện ngủ thì tùy trường, cũng tùy độ tuổi. Sau 3 tuổi thì các con được trường cho phép không ngủ trưa nếu các con muốn, thế nên con mình mừng lắm, con không mấy khi ngủ trưa luôn. Nên mình cũng không có gì nhiều để nói đến chuyện ngủ này, chỉ là nếu con bạn không ngủ trưa giống con mình thì bạn cần căn chỉnh giờ ngủ ban đêm của con để con luôn đủ sức cho ngày hôm sau.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang