Tiểu Linh là học sinh lớp 9 của một trường trung học cơ sở tại Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, Trung Quốc. Năm học cuối cấp rất quan trọng, học sinh cần học tập nghiêm chỉnh mới có thể thi đỗ vào ngôi trường cấp 3 mình mong ước. Như bao học sinh khác, Tiểu Linh rất lo lắng về điểm số trong kỳ thi cuối học kỳ 1.
Tiểu Linh có lực học ở mức trung bình, thường không được điểm tốt. Nữ sinh tỏ ra không hứng thú việc học, chểnh mảng làm bài tập về nhà. Tiểu Linh thường không chú tâm ôn luyện hằng ngày, để đến lúc sắp thi mới nhồi nhét kiến thức vào đầu. Cách học không hiệu quả khiến nữ sinh rơi vào stress.
Học kỳ 1 vừa kết thúc, Tiểu Linh đã có kết quả các môn nhưng vẫn chưa dám thông báo với cha mẹ. Bởi điểm của em không cao, nếu không muốn nói là rất kém. Đợi mãi không thấy con nhắc tới kết quả thi, người mẹ sốt ruột liền hỏi điểm môn Toán học trước. Mẹ em muốn nắm được tình hình học tập gần đây của con gái.
Thấy mẹ hỏi, Tiểu Linh không hề tỏ ra lo lắng, sợ sệt. Nữ sinh hào hứng khoe với mẹ rằng mình được điểm rất cao. Đặc biệt, em còn khoe điểm số xếp hạng thứ 5 của lớp. Nghe con gái nói vậy, ánh mắt người mẹ rạng rỡ niềm hân hoan, hạnh phúc.
Nhưng khi xem bài kiểm tra , người mẹ thấy có điều gì đó không ổn. Mẹ Tiểu Linh hỏi điểm tuyệt đối của đề là bao nhiêu, cô con gái trả lời là 120 điểm. Người mẹ tiếp tục hỏi đi hỏi lại nhưng Tiểu Linh vẫn trả lời như vậy.
Bài kiểm tra được chấm là 125 điểm, trong khi điểm các phần câu hỏi cộng lại cao nhất là 120 điểm. Đặc biệt, mẹ nữ sinh thấy bài thi có nhiều điều khác lạ. Nét bút nguệch ngoạc, gượng gạo không giống chữ viết giáo viên. Bài thi cũng chỉ có vọn vẹn điểm số, không có phần lời phê chi tiết. Ở các đáp án, giáo viên không tích những câu đúng, gạch bỏ câu sai. Chính những điều này khiến người mẹ càng thêm nghi ngờ.
Sau một hồi tra khảo, Tiểu Linh đành thú nhận mình đã tự huỷ bỏ bài thi gốc, làm bài thi mới và tự chấm điểm là 125. Thực chất, nữ sinh chỉ được 25 điểm, sợ bị mẹ mắng nên mới làm vậy. Nghe con gái nói vậy, người mẹ cảm thấy bất lực, không biết nói sao.
Việc mẹ không nổi giận lôi đình, không mắng mỏ như trước khiến nữ sinh cảm thấy không quen. Tiểu Linh vô cùng hối hận trước việc làm trên.
Tình trạng học sinh tự ý nâng điểm số của mình không phải là chuyện hiếm gặp. Một số bạn trẻ thì hài hước cho biết: "Cô bé này thiếu chuyên nghiệp quá, ít nhất cũng có phần tích các đáp án giống như thầy cô hay làm chứ", "Bạn nữ này quá non tay!",...
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ và giáo viên bày tỏ quan điểm, bài thi rất quan trọng, học sinh không thể tự tiện thay đổi điểm, đánh tráo bài hay huỷ kết quả thi. Hành vi này nếu bị phát hiện sẽ bị nhà trường kỷ luật.
Phương pháp giáo dục dành cho các bậc cha mẹ
1. Theo dõi quá trình học chứ đừng đặt nặng điểm số
Câu chuyện của Tiểu Linh là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh. Đừng đợi đến lúc con thi mới quan tâm điểm số. Thường ngày, cha mẹ nên chú ý đến việc học của con, thường xuyên kiểm tra bài vở, chia sẻ chuyện trường lớp với con. Cha mẹ cũng cần biết tình hình học tập của con thông qua giáo viên.
Đa số phụ huynh chỉ quan tâm đến điểm số của con. Thấy con đạt điểm thấp, họ không tiếc lời trách móc, đay nghiến. Điều này khiến những đứa trẻ cảm thấy bị áp lực. Từ những chuyện nhỏ, dần dần, các con trở nên xa cách với cha mẹ, sống khép kín trong chính căn nhà của mình.
2. Học cách giao tiếp với con
Khi cha mẹ thấy điểm số của con chưa tốt sẽ thường phê bình, thậm chí là nói những lời cực đoan. Cha mẹ cho rằng mắng con mới là tốt, khiến con biết sợ, trở nên nghiêm túc trong việc học. Nhưng liệu những đứa trẻ có suy nghĩ vậy không?
Đối với học sinh, sự chỉ trích của cha mẹ chỉ khiến các em tự ti, mặc cảm. Trước những câu quát mắng sẽ chẳng có tác dụng gì khi con tỏ vẻ thờ ơ, không quan tâm hoặc nghe theo kiểu chống đối.
Một số cha mẹ khác lại thích thể huyện quyền uy trước mặt con. Họ không quan tâm đến cảm xúc của con. Điều này khiến những đứa trẻ cảm thấy không được tôn trọng, thiếu sự bình đẳng, dẫn đến chẳng muốn nói chuyện với cha mẹ. Dần dần, những đứa trẻ này trở nên lầm lì, ít nói, ngại giao tiếp.
3. Tuyệt đối không mắng nhiếc, dùng vũ lực với trẻ
Khi cha mẹ quát mắng, đay nghiến, thậm chí là dùng vũ lực để "dạy dỗ" sẽ khiến những đứa sợ hãi, cảm thấy bị tổn thương. Hãy để con trưởng thành trong môi trường yêu thương. Như vậy, những đứa trẻ mới cảm thấy hạnh phúc và trở nên tự tin hơn.
Phương pháp dạy con bằng roi vọt để lại nhiều tác hại khôn lường: Trẻ trở nên hung hăng, cục súc hơn; Trẻ gia tăng hành vi sai trái; Làm suy giảm khả năng nhận thức; Rối loạn hành vi, bất ổn cảm xúc,...
https://afamily.vn/con-hoc-kem-bong-khoe-dat-diem-cao-nhat-lop-me-dang-vo-oa-hanh-phuc-thi-chot-phat-hien-chi-tiet-la-lam-nham-1-hoi-thi-vo-mat-20220126223944687.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.