Con không học "tiền lớp 1" nhưng tôi nhất quyết chỉ dạy đúng 30 phút mỗi tối, cuộc đời vì thế tươi đẹp, nhàn nhã làm sao!

Vợ chồng tôi giữ vững quan điểm: Sau một ngày mệt nhoài với chữ và số ở trường, khoảng thời gian ở nhà là lúc con được thư giãn, phục hồi năng lượng để chuẩn bị cho ngày học tiếp theo. Chính vì vậy giờ rèn chữ của con không được quá 30 phút. Thời gian còn lại để con vẽ vời, đọc sách, đá bóng, đạp xe…

Nhiều bạn bè hỏi, chương trình lớp 1 năm nay quá nặng, tôi đã chuẩn bị gì, có bị "đuối" không? Chuẩn bị thì có, vì tôi thấy hầu như năm nào phụ huynh cũng than con học tiếng Việt vất vả, chỉ là năm học này bị đánh giá là nặng hơn cả. Sách Tiếng Việt lớp 1 hầu như đều bỏ qua giai đoạn dạy vỡ lòng để đi ngay vào đọc, viết. Nội dung sách thiết kế với tốc độ học khá nhanh. Hết tháng đầu tiên đi học, bé nhà tôi đã được yêu cầu đọc viết một đoạn văn dài.

Năm nay tận dụng thời gian nghỉ dịch ở nhà, tôi cho con nhận biết qua bảng chữ cái. Cứ tưởng như thế là hành trang vào lớp 1 cũng ngon nghẻ, nhưng chỉ "sóng yên biển lặng" được 1 tuần đầu.

Từng có lúc con khóc thét, mẹ tưởng chừng sắp thần kinh

Mỗi buổi ở lớp, con học hai chữ, đi kèm với từ ghép. Tiếp theo, con đọc đoạn văn cuối bài và trả lời câu hỏi. Sau 2 tuần, con bị cô giáo nhắc nhở nhiều lần vì chưa thuộc hết âm ghép, ghép vần chậm. Cộng thêm mỗi ngày con mang về 3 tờ bài tập cùng phiếu đọc. Do đó, tối nào hầu như tôi cũng phải dành ít nhất hai tiếng để kèm con.

Những ngày đầu "đánh vật" cùng con, có nhiều lúc tôi lẫn lộn cảm xúc: Lo lắng, thương và tức giận không kiềm chế được, ép con viết lại viết đi, đọc lui đọc tới. Mẹ càng ép con càng tỏ ra chán nản. Mẹ càng cáu con càng cuống, mẹ càng cố nhanh con lại càng chậm. 

Kết thúc buổi học hôm nào con cũng rớm nước mắt. Mẹ thì stress, máu như dồn hết lên não. Ép con học chả biết con có học giỏi hơn không nhưng mẹ thì như sắp thần kinh. Có khi con sợ hơn cả bố mẹ.

Con không học lớp

Từng có giây phút cả mẹ và con đều mệt mỏi với việc học. (Ảnh minh họa)

Ngẫm lại, bé đầu của tôi cũng không học trước ở nhà hay học thêm nhưng cuối năm thành tích không hề tệ Thậm chí con còn có phần trội hơn khá nhiều bạn đã học lớp tiền lớp 1. Vợ chồng tôi vì thế thống nhất, mặc kệ chương trình nặng hay nhẹ, xác định học kỳ 1 thì thong thả cho con quen dần, học kỳ 2 tăng tốc hợp lý, chấp nhận để con chậm hơn bạn bè trong lớp.

Cuộc sống an nhàn bắt đầu...

Mỗi ngày đi học về, lịch trình của con sẽ là 6h30 ăn cơm, 7h30 bắt đầu viết chữ hoặc đánh vần, sau đó học số, đọc bài thơ ngắn hay vài trang truyện tranh. Cả học cả chơi gói gọn trong 1 tiếng, trong đó tiếng Việt tối đa chỉ 30 phút. Dù con đọc chậm đến đâu vợ chồng tôi vẫn cố lắng nghe đến khi con tự đọc được và luôn động viên "Con bố/mẹ đọc tốt quá. Cả nhà mình cùng cố gắng nhé".

Kết quả ban đầu chắc các bố mẹ cũng đoán ra được, thằng bé viết chữ xấu, không đúng ô li, tập đọc câu được câu mất, vở học thường bị phê: "Con đọc chậm"; "Con viết chậm". Điều được là mỗi buổi tối, khi chuông báo thức reo, con sẽ tập trung ngồi vào bàn học, viết bài, đọc chữ theo hướng dẫn của bố hoặc mẹ và có quyền yêu cầu dừng lại khi thấy mệt.

Trên thực tế, trong thời gian đầu, trẻ thường gặp khó khăn trong chữ viết và phát âm. Tuy nhiên hết học kỳ I, hầu hết các con sẽ theo được chương trình. Vì vậy có đi chậm hay nhanh thì cuối năm con cũng học hết 29 chữ cái và khoảng 138-140 vần tiếng Việt để biết đọc biết viết cơ bản. Mà đó chẳng phải là mục tiêu to lớn nhất của lớp 1 hay sao?

Con không học lớp
 

Tôi nghĩ: Mình đừng áp lực gì cho con cả. Viết đẹp cũng được, xấu cũng chẳng sao, chủ yếu gợi ý, đồng hành để con có tinh thần tự giác học và phải làm thế nào để con thích học. Mỗi buổi học của mẹ con tôi vì thế thường là kiểu "vừa học vừa chơi", có thể là viết chữ, có thể dùng flash card chơi trò tìm chữ... Tôi cũng tìm thấy những ưu điểm của con tự động viên mình, và khen ngợi những ưu điểm đó với con để con cũng hạnh phúc và tự tin.

Quan điểm của tôi là không so sánh con với các bạn, chỉ so sánh con với chính con ngày trước. Chẳng hạn, tuần trước thằng bé mất 50 phút mới viết được 60 chữ cô cho về nhà thì tuần này, cũng chừng đó chữ nhưng con chỉ mất 10 phút. Như vậy đã là thành công.

Bố mẹ nào cũng đều có tâm lý chung muốn con phải viết đẹp, đọc tốt, ghi nhớ chính xác. Với tâm lý này, áp lực chúng ta dành cho con cái quá nặng nề. Không kể đến chuyện đã học trước lớp tiền tiểu học hay chưa thì mỗi trẻ có một khả năng tiếp thu khác nhau. Trong một lớp có em đọc trơn được, có em còn phải đánh vần là chuyện bình thường. Đòi hỏi trẻ nào cũng viết nhanh, viết đẹp ngay từ đầu không bằng con biết chữ nào chắc chữ đó. Việc nhồi nhét cho đầy kiến thức vào đầu con đến tận 10, 11h đêm chẳng khác nào một cách "bạo hành" tinh thần đứa nhỏ.

Ở lớp 1, trẻ vừa chuyển tiếp từ môi trường mầm non vui vẻ, thoải mái lên một môi trường mới. Vậy mà ở trường thì bị cô thúc giục, phê bình, về nhà lại bị bố mẹ ép học và la mắng. Đứa trẻ ở giữa "hai gọng kìm" khó tránh khỏi cảm giác bị tổn thương và cho rằng mình "ngu dốt", kém cỏi.

Hãy nhớ, đứa trẻ nào rồi cũng sẽ lớn. Chương trình lớp 1 nhanh, khó là một chuyện, quan điểm của cha mẹ như thế nào lại là một chuyện khác. Điều vợ chồng tôi mong muốn chỉ đơn giản là con vui vẻ mỗi sáng vào lớp và không thấy áp lực khi về nhà. 

Con không học lớp
 

Để làm được điều này, chúng tôi xác định sẽ phải chuẩn bị tinh thần để giữ bình tĩnh trước những lời phê bình và kiên nhẫn đi cùng con từng bước một, bao dung và tin tưởng con. Bố mẹ cũng cần phải "bơ đi mà sống" khi nhìn con người khác đọc vanh vách sách này sách nọ hay bỏ ngoài tai những lời chê bai dị nghị không đáng có. Nói chung dạy trẻ phải thật kiên trì và tâm trạng phải luôn vui vẻ, chấp nhận con chậm và đi từ từ. Nóng vội, đốt cháy giai đoạn chỉ làm khổ trẻ khổ cả bố mẹ.

Hãy xác định bố mẹ cũng là người thầy lớn của con, đừng vì chán nản mà phó mặc con cho thầy cô hay quá đặt nặng kì vọng của mình lên vai con. Cố gắng bình tĩnh, hỗ trợ chúng theo khả năng, thời gian của mình. Đồng thời, phối hợp với thầy cô để hướng dẫn con phù hợp yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa. Chỉ cần phụ huynh giữ tinh thần vững vàng, tin tưởng con, tin rằng quãng thời gian thử thách mang tên lớp 1 sẽ trôi qua êm đẹp.

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

1 thỏi vàng bao nhiêu chỉ?

(lamchame.vn) - Thỏi vàng là vàng nguyên chất (hàm lượng vàng từ 99,5% trở lên) dạng khối hoặc thanh, thường dùng cho mục đích dự trữ hoặc giao dịch tiền...

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang