Chị Lê Phương hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Con gái lớn của chị - bé Chi Mai năm nay chính thức đi học lớp 1. Không giống nhiều phụ huynh khác, chị Phương có quãng thời gian thực sự thoải mái, không hề căng thẳng.
Được biết, trước khi con trở thành "sinh viên lớp 1", bà mẹ Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho con từ kiến thức đến những kỹ năng sống cần thiết. Chính vì vậy mà Chi Mai đã có một khởi đầu cực suôn sẻ ở giai đoạn tiểu học.
Dưới đây là chia sẻ của chị Phương:
Đến thời điểm này, đọc muôn vàn các bài than khóc khi dạy con vào lớp 1 tôi thấy bản thân hơi bị... may mắn, vì tình cảm mẹ con tôi vẫn không rạn nứt lắm sau hơn 1 tháng con đi học.
Cô "sinh viên đại học chữ to" nhà tôi sau khi đi học về thì tự tắm gội, lấy sách ra đọc trong lúc chờ ăn cơm. Ăn cơm xong lau bàn ăn rồi tự mở ba lô ra lấy bút chì gọt trong lúc chờ mẹ dọn dẹp. Xong xuôi đâu vào đấy, 2 mẹ con có 30 phút để làm các phiếu bài tập cô giao. 30 phút còn lại là thời gian học tiếng Anh và tập thổi sáo. Mọi chuyện học hành kết thúc vào khoảng 21h, con vẫn có thời gian chơi cùng em nhỏ hoặc xem phim hoạt hình 30 phút rồi bắt đầu đánh răng, đi ngủ.
Cách đây 1 năm, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có thể nhàn nhã như vậy khi con vào lớp 1. Thế nhưng các cụ nói rồi, khổ sướng trong cuộc đời là bằng nhau, vậy nên muốn sướng sau, các bố mẹ phải chấp nhận gian khổ trước. Chẳng có lựa chọn nào khác cả.
Kiến thức cần chuẩn bị: Biết chữ
Tôi dạy chữ cho con nửa năm trước khi vào lớp 1. Vào ngày nhập học đầu tiên, con đã đọc thông (viết chưa thạo). Phải thẳng thắn với các bố mẹ một điều rằng, nhất định phải bỏ qua triệt để tất tần tật các tranh luận ầm ĩ trên mạng rằng nên dạy chữ cho con trước khi học lớp 1 hay để con chơi cho thỏa và nhập trường như 1 tờ giấy trắng. Bởi, những đứa trẻ hoàn toàn khác nhau và bạn phải biết con mình cần gì. Không biết thì phải đoán.
Như con gái tôi 1 năm trước khi vào lớp 1: ăn chậm, thiếu tập trung, hiếu động, nhạy cảm, tiếng Anh trình độ "ây bi ci", có 1 đứa em mới tròn tuổi luôn đòi hỏi được quan tâm, 2 người bố mẹ bận rộn đi làm về lúc 18, 19 giờ... thì chắc chắn lớp 1 với bao sự thay đổi chắc chắn là thử thách lớn.
Tôi xác định khi đó con chuyển sang nếp mới, cần được hứng thú với kiến thức mới và học cách giao tiếp với các bạn, thầy cô. Ngoài ra, còn phải dành rất nhiều thời gian học tiếng Anh và rèn luyện thể lực. Vậy thì sao? Vậy thứ căn bản nhất đối với học sinh lớp 1 là đọc được chữ - con cứ biết trước là tốt nhất.
Xác định rõ mục tiêu thì dịch bệnh tràn đến, con thất học như bao bạn bè đồng trang lứa và các anh chị. Tôi thời gian này bắt đầu quay trở lại công việc sau 6 tháng nghỉ thai sản và cũng ở nhà làm việc online theo lệnh cách ly xã hội.
Ban đầu kịch bản trong đầu tôi sẽ là mẹ làm việc, giao bài cho con học, khi nào rảnh lại quay sang chỉ dạy thêm. Con nhỏ đã có người giúp việc, chỉ ôm mẹ mỗi khi đòi bú. Thế nhưng, cuộc đời không như mơ, đứa lớn sắp 6 tuổi của tôi đang lúc hiếu kì về cuộc sống và khao khát tình yêu của mẹ tìm mọi cớ để quanh quẩn bên làm việc, đứa nhỏ thấy bóng mẹ thì ngoạc mồm đòi ôm ấp. Sau 1 tuần mẹ con đánh vật với nhau, tôi nảy ra 1 ý. Đó là thuê cô gia sư mẫu giáo đến ăn ngủ cùng trong ngày, vừa học vừa chơi và trả lời 1000 câu hỏi vì sao với thù lao 250.000 đồng/ngày.
Mọi chuyện có vẻ ổn ổn, con và cô sinh hoạt trong phòng riêng, được hát múa kể chuyện làm toán, học chữ. Nhưng được 1 tuần thì dịch bùng mạnh mẽ, cô chạy về quê, con lại bơ vơ và kịch bản tương tự tuần trước có nguy cơ lặp lại.
Hà Nội là tâm dịch tình hình nóng như chảo lửa, tôi bàn với chồng cho con về quê chơi với ông bà (may sao lúc này ông ngoại vừa về hưu) để con vừa có bạn bè đỡ ru rú trong 4 bức tường chung cư lại được ông dạy chữ. Nhiều bố mẹ bảo ông bà dạy sợ con đánh vần không đúng cách. Nhưng với tôi, cái đích cuối cùng là đọc được, đánh vần phương pháp nào chả quan trọng lắm.
Sau 2 tháng ở với ông bà, con tôi từ 1 đứa còi còi, nhát nhát, mù chữ thì thành năng nổ, vui vẻ, biết chữ, tăng cân và đọc ro ro. Từ lúc biết đọc, con tự tin hơn hẳn. Con đọc được sách mà không phải năn nỉ bố mẹ đọc khi bố mẹ đang bù đầu với đủ chuyện, con vẽ và viết nguệch ngoạc minh họa bên cạnh trông rất cute. Chân trời kiến thức mở ra, con nhìn những cuốn sách giáo khoa mới bằng sự tò mò, chứ không phải sờ sợ và hoang mang.
Kỹ năng cần chuẩn bị: Tự lập
Vào lớp 1, con không chỉ làm quen với cách học tập mới mà còn sinh hoạt trong môi trường hoàn toàn khác mẫu giáo với khung giờ chặt chẽ, chính xác hơn nhiều. Vì thế, con buộc phải tự lập. Nếu không có ý thức tự lập và không được rèn nếp tự lập trước khi vào lớp 1, con sẽ mất thời gian khá lớn để loay hoay. Trường tư còn đỡ, trường công với sỹ số 40-50 bạn mỗi lớp mà để con tự bơi thì không phải chuyện dễ dàng.
Con tôi trở về với bố mẹ sau thời gian nghỉ hè cùng ông bà 2 tháng, trước thời điểm nhập học 1 tháng. Thời gian này, tôi không yêu cầu con học bất cứ thứ gì nữa, con chỉ đọc sách mỗi tối vì thích. Tôi tập trung dạy con ăn hết suất trong thời gian 30 phút, tự vệ sinh cá nhân sau khi đi vệ sinh, tự tắm mỗi ngày, biết quý trọng sách vở, đồ dùng và giữ cho góc học tập gọn gàng sạch sẽ.
Nếu các mẹ sau khi con đi học lớp 1 mới "phát điên" thì tôi đã "hóa thú" ngay lúc này. Bình thường, tôi là kiểu "mẹ voi" dịu dàng, thì giờ thi thoảng cũng phải lớn tiếng khi thấy sách vở con để bừa bộn. Tôi cùng con bọc sách giáo khoa và nhắc đi nhắc lại rằng đây là những thứ vô cùng quan trọng. Tôi đặt stick dán có tên con để dán lên đồ dùng tránh thất lạc.
Về khoản tắm rửa, vệ sinh, tôi mua những loại sữa tắm hợp lứa tuổi và truyền cho con tình yêu bản thân, cơ thể mình. Trước khi tắm chuẩn bị quần áo chỉn chu. Con là con gái nên rất hào hứng trong việc đó, mỗi tội đến giờ vẫn tắm hơi lâu.
Sau khi con vào học lớp 1, mẹ con tôi quay lại nếp học hành mỗi tối. Thời gian này, tôi vẫn xác định đồng hành cùng con mỗi tối để con quen nếp, nhưng luôn nói với con: Hôm nay con muốn học không? Nếu con muốn mẹ sẽ học cùng, và điều này rất mất thời gian của mẹ vì mẹ phải giúp con làm việc của con, nhưng vì yêu con mẹ sẽ giúp con.
Và "hai đứa chúng tôi" cùng vừa viết vừa trò chuyện về bạn bè ở lớp, vừa cùng nhau học tiếng Anh, cùng đếm ô vuông tam giác chữ nhật, cùng tô màu, thổi sáo. Tôi mỗi ngày rút đi 1 vài phút trong quỹ thời gian học 30 phút - 1 tiếng. Nếu đúng kế hoạch, sau 1 học kì con sẽ tự học được mà không cần mẹ ngồi cạnh. Đến giờ, con mới làm mất 1 chiếc bút chì, đồ đạc sách vở vẫn vẹn nguyên sạch sẽ.
Thái độ của cha mẹ cần chuẩn bị: Biết thỏa mãn
Tất cả những kỹ năng tôi dạy con trên kia, sau 1 thời gian con đã biết nhưng chưa thành thạo. Con làm mọi thứ với tư duy, tốc độ của một đứa trẻ hơn 6 tuổi. Và tôi dặn mình phải biết hài lòng với điều đó. Con biết đọc những chữ không đẹp, tôi cũng không có ý định rèn chữ đẹp cho con. Bởi với Chi Mai, đó là điều rất áp lực. Vậy nên, tôi cũng chỉ hướng cho con viết sạch.
Đến giờ, con cũng vẫn ăn chậm, làm mọi thứ phía trước mẹ đôi lúc phải dọn sau. Nhưng cuộc sống vốn là một quá trình tự hoàn thiện, đừng đòi hỏi sự hoàn hảo của con trong khi chính cha mẹ cũng còn đầy thiếu khuyết.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.