Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước câu chuyện một người bố ở Hà Nội đăng đàn xin tư vấn về tủ sách cho con. Cụ thể, anh này chia sẻ trong một hội nhóm: "Em đang lên list (danh sách) cho tủ sách tương lai của 2 bé sinh đôi 5 tuổi. Hiện em đã có list này, nhờ các phụ huynh tư vấn thêm cho em sách để cải thiện trí nhớ và khả năng tư duy hoặc về phương pháp học tập. Cảm ơn admin (trưởng hội nhóm) duyệt bài, cảm ơn anh chị em trong nhóm đã đóng góp thêm đầu sách cho con"
Đính kèm với bài đăng là danh sách các đầu sách "self-help" về các chủ đề như dưỡng sinh, phật pháp, triết lý, lịch sử như: Muôn kiếp nhân sinh; Hành trình về phương Đông; Đắc nhân tâm; Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh; Sử ký Tư Mã Thiên, Cổ học tinh hoa; Đại hiệp Hồng Kông; Thiền tập cho người bận rộn; Từ chánh niệm đến giác ngộ; Kinh dịch đạo người quân tử; Từng bước nở hoa sen; Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị,…
Bài đăng của anh Quang Đại về tủ sách cho con gây nhiều tranh cãi.
Trước danh sách này, không ít phụ huynh "xây xẩm mặt mày". Đa số cho rằng những cuốn sách trên không phù hợp với trẻ nhỏ bởi nó... vĩ mô quá. Trẻ đọc quá sớm sẽ không hiểu hết ý nghĩa sâu xa, cũng như không mang giá trị giáo dục cao. Thay vào đó, người bố nên cho con mình tiếp xúc với những cuốn truyện tranh, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn hay những bộ sách khoa học nhiều hình ảnh, có màu sắc sinh động,…
"Đừng biến đứa trẻ thành cái cúp cho bố mẹ khoe" hay "List hay đấy nhưng để con hứng thú với việc đọc thì phải theo dõi con thích đọc thể loại nào. Hãy bắt đầu từ các quyển sách thiếu nhi, truyện dân gian, thần thoại. Sau là các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa,… Như này chẳng khác nào bắt ép con đọc theo sở thích của mình. Quan điểm của mình là vậy"- đây là một số bình luận của các bậc phụ huynh.
"Mỗi người có một quan điểm, tôi tôn trọng tất cả ý kiến!"
Được biết, người bố trong câu chuyện gây tranh cãi này là anh Trần Quang Đại, 38 tuổi, sinh sống tại Hà Nội. Anh Đại hiện có một cặp sinh đôi 5 tuổi.
Liên hệ với anh Đại, anh cho biết bản thân chỉ gợi ý cho con, còn việc con đọc hay không đọc thì phải tùy duyên. Anh rất trân trọng sách bởi sách là 1 trong 3 "tam bảo" giúp con người có những trải nghiệm sớm, từ đó đưa ra định hướng cho tương lai. Ông bố này cũng cho biết thêm, bản thân anh chưa đọc hết những cuốn sách trên bởi anh mới xây dựng nên chỉ đọc được một số cuốn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chắc chắn anh sẽ dành thời gian đọc hết.
Anh Quang Đại bày tỏ: "Khi tiếp nhận những ý kiến trái chiều, tôi thấy bình thường bởi mỗi người có một quan điểm khác nhau. Đấy đều là ý kiến trong nhân sinh quan của họ, tôi tôn trọng tất cả những điều đó. Qua những lời bình luận, tôi cũng có thêm cho mình được khá nhiều đầu sách phù hợp với lứa tuổi trẻ nhỏ, chứa đựng trong đó điều tử tế.
Còn về việc xây dựng tủ sách tương lai cho con, tôi chỉ muốn con có một tủ sách tốt. Ngoài ra, tôi cũng muốn kiểm tra xem có bao nhiêu người gợi ý sách dành cho thiếu nhi của Viện đào tạo Bách khoa và thầy Trần Việt Quân".
Anh Đại cho biết thêm, anh không hề bắt ép con đọc số sách trên. Nếu khi các con lớn hơn, các con muốn tìm đọc loại sách ở lĩnh vực như: Văn học, Khoa học,… thì anh hoàn toàn ủng hộ, chỉ cần đúng pháp luật, không nguy hại cho con và mọi người.
Ngoài ra, để tạo sự hứng thú đọc sách cho các con, anh Đại luôn nói với các con rằng trong sách có nhiều phép màu, có thể giải đáp mọi vấn đề mà con thắc mắc. Vì vậy, nếu con muốn biết, con hãy tập đọc.
Cha mẹ nên hướng cho trẻ đọc truyện cổ tích thân thuộc
Trước vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ. TS Anh Vũ chia sẻ, đứa trẻ 5 tuổi chưa thể "đọc thông viết thạo", huống hồ là tiếp xúc với khối lượng kiến thức đồ sộ trong các cuốn sách mang tính hàn lâm. Kể cả ở trẻ được dạy chữ sớm thì cũng chỉ có thể đọc được văn bản đơn giản.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của tất cả các nhà giáo dục từ trước đến nay, những cuốn sách mà trẻ nên đọc đầu tiên là truyện cổ tích trong nước, truyện dân gian. Sau đó là những bộ truyện cổ tích lừng danh khác trên thế giới như: Truyện cổ tích Grimm, truyện cổ tích Andersen, truyện Nghìn lẻ một đêm,... Đó là những cuốn sách dễ hiểu, dễ tiếp thu, mang tính giáo dục cao.
TS Đỗ Anh Vũ bày tỏ quan điểm: "Những cuốn sách chứa khối lượng kiến thức đồ sộ mà người bố kia cho con đọc chưa phù hợp với lứa tuổi của con. Tôi nghĩ, khi con lên cấp 2, cấp 3 mới có thể hiểu được thông tin sách truyền đạt. Cha mẹ cũng nên để con tìm đọc những thứ con yêu thích, không nên bắt ép con đón đọc những thứ con cảm thấy không hứng thú.
Ngoài ra, khi cùng con chọn mua sách, phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết đâu là cuốn sách phù hợp với con. Bởi trên trang bìa đầu của các cuốn sách được xuất bản bởi nhà sách uy tín thường ghi rõ độ tuổi phù hợp. Điều này cũng thể hiện việc ngay từ khi tác giả bắt tay vào viết sách, họ đã hướng đến đối tượng độc giả của mình".
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.