Công an xác minh việc từ thiện của Thủy Tiên ở miền Trung: Xác nhận của địa phương có đủ để chứng minh sự minh bạch?

Gần đây, 6 tỉnh miền Trung đã lần lượt lên tiếng về hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên khi cứu trợ bà con gặp khó khăn do mưa lũ tại địa phương. Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin.

Hiện nay, Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát, xác định tài khoản đã huy động tiền từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp, quá trình giải ngân.

Để tìm hiểu kỹ hơn về sự việc trên, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla. (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Hình ảnh Thủy Tiên cùng chồng trao tiền cho người dân

Hình ảnh Thủy Tiên cùng chồng trao tiền cho người dân

Không phải ai cũng có quyền kêu gọi từ thiện

Thứ nhất, cần xác định rõ quan hệ pháp luật và quy định điều chỉnh quan hệ trong sự việc này.

Theo Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định không phải ai cũng được quyền kêu gọi quyên góp từ thiện mà chỉ bao gồm các tổ chức, đơn vị sau đây được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ:

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 không chỉ các tổ chức, đơn vị được quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ, mà cá nhân cũng có thể thực hiện việc này, cụ thể như sau:

"Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng".

Về giao kết hợp đồng ủy quyền Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: "Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."

Như vậy, theo Bộ luật Dân sự 2015 pháp luật cho phép cá nhân, tổ chức có thể ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện công việc nhất định nếu pháp luật không cấm. Đối với hoạt động quyên góp từ thiện, đây là hoạt động không trái với điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, nên cá nhân có thể tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận giữa các bên.

Những văn bản xác nhận Thủy Tiên làm từ thiện tại miền Trung là chưa đủ để chứng minh sự minh bạch - Ảnh 2.

Những văn bản xác nhận Thủy Tiên làm từ thiện tại miền Trung(Ảnh Hải An/zing)

Bản chất việc làm của Thủy Tiên là gì?

Hiện nay, Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có sự thống nhất với nhau về đối tượng được quyền kêu gọi quyên góp từ thiện. Theo khoản 2, Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định "Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn". Do đó, vì Bộ luật có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định nên trong trường hợp này áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, Bản chất của việc nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản để giúp bà con vùng lũ, đó chính là việc: Tặng cho tài sản (Tiền, hiện vật như nhu yếu phẩm). Trong giao dịch tặng cho tài sản này, có sự xuất hiện của 03 loại chủ thể:

1. Những người quyên góp tiền bạc, vật chất khác - được gọi là bên tặng cho tài sản.

2. Bà con nhận cứu trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm - được gọi là bên nhận tặng cho tài sản.

3. Nhóm những người kêu gọi và trực tiếp đi tới vùng lũ như ca sĩ Thủy Tiên hay những người khác - được gọi là bên trung gian nhận vận chuyển và giao tài sản.

Như vậy, trong vụ việc này, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật Dân sự - và giao dịch dân sự giữa các bên là giao dịch tặng cho tài sản. Do đó, quan hệ pháp luật này sẽ do luật Dân sự điều chỉnh.

Việc ca sĩ Thủy Tiên đứng ra nhận tiền của các mạnh thường quân là một hình thức nhận ủy quyền để trao tặng lại số tiền đã được ủy quyền (hoặc được quy đổi thành lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm,… có giá trị tương đương) và Tài khoản mà ca sĩ Thủy Tiên sử dụng để kêu gọi quyên góp cũng như các giao dịch của các nhà hảo tâm đã được coi là bằng chứng cho căn cứ ca sĩ Thủy Tiên đã nhận ủy quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Người nhận ủy quyền của người có tài sản, có trách nhiệm chuyển giao tài sản của bên cho sang cho bên nhận tài sản theo thỏa thuận, cam kết trước đó. Theo Điều 565 Bộ luật dân sự 2015 về Nghĩa vụ của bên được ủy quyền thì phải Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

Do đó, người nhận ủy quyền là ca sĩ Thủy Tiên cần kê khai minh bạch và rõ ràng họ tên, địa chỉ, hoàn cảnh, số tiền đã trao đối với tất cả những người được nhận tài sản, Ca sỹ Thủy Tiên sẽ phải tự chịu trách nhiệm với các khoản giao - nhận, và công khai tài chính nếu những người ủy thác có yêu cầu.

Việc làm của Thủy Tiên mang tính cấp bách nhưng lại không hợp lệ

Thứ hai, đối với văn bản xác nhận của UBND các tỉnh miền Trung về việc ca sĩ Thủy Tiên đã trao tặng bao nhiêu tiền cho các hộ dân tại khu vực này.

Việc đại diện theo ủy quyền thực hiện hoạt động trao tặng tiền từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên vào thời điểm người dân đang gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ là hoạt động mang tính cấp bách, tuy nhiên lại không hợp lệ. Bởi việc trao tặng tiền của ca sĩ Thủy Tiên thực hiện dưới hình thức là trao tiền trực tiếp cho người dân, không có bất kỳ văn bản nào được ký kết giữa người nhận và người trao, đồng thời, tại một số địa phương nữ ca sĩ còn không liên hệ với chính quyền địa phương mà tự tổ chức trao tặng.

Hoạt động trao tặng tiền từ thiện mà không có xác thực của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP và Điều 24 Thông tư 01/2020/TT-BTP là: Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn; Công chứng viên; sẽ không đảm bảo được sự minh bạch đối với hoạt động này.

Hơn nữa, nữ ca sĩ cũng bỏ tiền cá nhân ra để ủng hộ người dân trong quá trình đại diện theo ủy quyền thực hiện trao tặng tiền, điều này cho thấy nữ ca sĩ đã không rạch ròi, phân minh việc cá nhân với việc được ủy quyền. Dễ gây lẫn lộn giữa các khoản tiền và điều này cũng không có bất kì một người nào xác nhận được thực tế các khoản tiền được chi.

Văn bản xác nhận của địa phương không đủ để chứng minh sự minh bạch

Về việc một số tỉnh miền Trung có giấy xác nhận số tiền mà ca sĩ Thủy Tiên đã ủng hộ, xác nhận này chỉ là hình thức và không chứng minh được thực tế nữ ca sĩ đã bỏ ra số tiền là bao nhiêu để trao tặng cho người dân tại địa phương đó, bởi theo như những phân tích mà chúng ta vừa đi qua, nhận thấy việc trao tặng từ thiện của nữ ca sĩ không hề có danh sách cụ thể về số lượng các hộ dân, họ tên, số CCCD/CMND, địa chỉ, hoàn cảnh thực tế có gặp khó khăn hay không, số tiền thực được nhận, thậm chí là văn bản hay tài liệu chứng cứ có tính pháp lý để chứng minh.

Hơn nữa, việc trao tặng này phải được thực hiện dưới sự có mặt của Chủ tịch UBND, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền hoặc thực hiện dưới sự chứng kiến của những người làm văn bản xác nhận thì mới có cơ sở để căn cứ. Cho thấy được, những văn bản xác nhận từ phía một số tỉnh miền Trung là chưa đủ để chứng minh sự minh bạch, rõ ràng của ca sĩ Thủy Tiên trong việc thực hiện hoạt động trao tặng tiền từ thiện.

Cuối cùng, ta thấy được có rất nhiều giải pháp để cứu trợ cho đồng bào vùng lũ, làm thế nào thì do sự tự giác và cả sự tổ chức của các bên nhưng tuyệt đối phải tuân thủ pháp luật, không được lợi dụng những hoạt động với mục đích cao cả và nhân văn để thực hiện việc tư lợi cá nhân, mục đích khác.

 

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/cong-an-xac-minh-viec-tu-thien-cua-thuy-tien-o-mien-trung-xac-nhan-cua-dia-phuong-co-du-de-chung-minh-su-minh-bach-162211110140618676.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang