Số ca mắc Covid-19 mới trong ngày trên thế giới lần đầu tiên vượt cột mốc 400.000 hôm 16-10. Theo thống kê của Reuters, châu Âu đã trở thành tâm dịch mới với số ca Covid-19 tăng bình quân 140.000/ngày vào tuần rồi. Số ca mới hằng ngày của châu Âu hiện cao hơn tổng số ca mới của Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) tại nhiều thành phố ở châu Âu có thể quá tải trong những tuần tới nếu tốc độ lây nhiễm không giảm.
Trong nỗ lực ngăn tình hình Covid-19 thêm tồi tệ, nhiều quốc gia châu Âu vào cuối tuần rồi bắt đầu thực thi lệnh giới nghiêm và phong tỏa mới. Tại Paris và 8 thành phố lớn khác của Pháp, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim cùng nhiều địa điểm giải trí bị buộc phải đóng cửa trước 21 giờ. Theo lệnh giới nghiêm dự kiến kéo dài 4 tuần, mỗi ngày từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, khoảng 20 triệu dân tại những thành phố này không được phép ra khỏi nhà. Theo AP, Pháp đã triển khai thêm 12.000 cảnh sát để bảo đảm các quy định mới được thực thi, bất chấp sự phản đối của nhiều chủ nhà hàng. Động thái cứng rắn này được thực hiện sau khi số ca mới hằng ngày tại Pháp liên tục phá kỷ lục.
Trong khi đó, hệ thống phong tỏa 3 cấp độ do Thủ tướng Boris Johnson công bố bắt đầu có hiệu lực tại Anh. Theo đó, những thành phố cấp độ 2 như London sẽ cấm các gia đình tổ chức tụ tập trong nhà, trong khi những khu vực cấp độ 3 như hạt Lancashire và TP Liverpool bị áp các quy định cách ly nghiêm ngặt nhất, trong đó có cấm tụ tập ở ngoài trời.
Đường phố Paris - Pháp vắng vẻ đêm 17-10 sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực (Ảnh: REUTERS)
Tại Đức, Viện Robert Koch - trung tâm kiểm soát dịch bệnh của nước này, hôm 17-10 thông báo thêm 7.830 ca nhiễm sau 24 giờ - một mức tăng kỷ lục mới. Cũng giống phần lớn quốc gia châu Âu, Đức thời gian qua đối mặt bài toán khó là làm sao vừa mở cửa trường học và doanh nghiệp vừa ngăn người dân tiếp xúc gần. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp chống dịch, hạn chế đi lại và hủy bỏ tiệc tùng. Bà cho rằng đây là biện pháp "phòng dịch tốt nhất mà chúng ta hiện có và nó quan trọng hơn bao giờ hết".
Tại Mỹ, theo đài CNBC, tình hình Covid-19 cũng không khả quan hơn khi trung bình 55.000 ca nhiễm mới mỗi ngày được ghi nhận vào tuần rồi, cao hơn 16% so với tuần trước đó. Ông William Schaffner, một nhà dịch tễ học của Trường ĐH Vanderbilt (Mỹ), nhận định với đài CNBC rằng Mỹ nhiều khả năng phải đón nhận "làn sóng lây nhiễm thứ ba nghiêm trọng" và tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn vào mùa đông này với sự bùng phát của bệnh cúm mùa, vốn có nhiều triệu chứng tương tự Covid-19.
Một cảnh báo đáng lo khác đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) hôm 17-10. Theo đó, việc tiếp xúc với bao bì thực phẩm đông lạnh dính virus SARS-CoV-2 còn sống có thể gây lây nhiễm Covid-19. Mặc dù khẳng định khả năng này rất thấp, CDC vẫn kêu gọi nhân viên xử lý, đóng gói và bán các sản phẩm đông lạnh tránh tiếp xúc bằng da trực tiếp với các sản phẩm có thể dính virus.
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.