Cùng cực trong đại hồng thủy ở Quảng Bình: 'Chừ mới được cho cơm, mì gói mà nhai. Chừ tôi trắng tay'

Lũ ồ ạt đổ về đục ngầu, nhiều người không kịp di tản, bị cô lập, nhịn đói nhiều ngày. Tới khi được cứu trợ qua cơn đói, thì họ bần thần trước cảnh tài sản bị cuốn hết, tay trắng...

Cơn lũ lịch sử đang tàn phá ở Quảng Bình khiến hàng ngàn gia đình điêu đứng, kiệt quệ. Theo tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh, mưa lũ đã làm chết 9 người và làm bị thương 29 người. Tính đến trưa 21/10 vẫn còn 43.274 ngôi nhà ngập trong nước lũ.

Theo Tuổi trẻ online, tại vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Bình, PV Ngọc Hiển của tờ này ghi tại cảnh tượng bà Nguyễn Thị Dung (71 tuổi) mếu máo ngồi co ro trên mấy bao thóc kê trên chiếc hòm gỗ ọp ẹp. Dưới nền nước rút, bùn đất bao phủ, nhưng tất cả tài sản ướt sũng sau nhiều ngày ngâm trong nước. Người đàn bà tóc bạc, gầy gò ngồi xiêu vẹo, một tay chống vào tường, bật khóc...

Bà Dung nói với Tuổi trẻ online, bà sống cùng cháu trai mới 11 tuổi, khi lũ ập về, cháu rớt xuống dòng nước nên phải nhờ hàng xóm đưa đi tránh lũ. Còn bà cố bám trụ lại để cứu tài sản, nhưng nước lên nhanh quá, cô lập bà giữa mênh mông biển nước, nhịn đói 2 ngày.

"Trôi hết rồi, heo trôi, gà trôi, rau ráng cũng thúi hết, lấy chi mà nuôi thân già đây.

(...) Bà con tưởng tui chết rồi, suốt hai ngày chẳng có chi ăn, chừ mới được cho cơm, mì gói mà nhai. Hai lần nước bạc (lũ), chừ tui trắng tay", PV Ngọc Hiển - Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ onine dẫn lời bà Nguyễn Thị Dung.

Chị Lê Thị Diệu (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) chia sẻ trên Lao động, chị tới địa điểm tránh lũ được 4 - 5 ngày, tài sản trong nhà hiện chẳng còn gì. "Em trèo lên tấm tôn, đục tấm tôn để đi ra. Trong nhà, đồ đạc có gì cũng hết sạch rồi, tài sản không còn gì. Bữa lên đây áo quần không có mà mặc, họ ủng hộ, họ đem áo quần tới cho mặc", chị Diệu nói.

Cùng cực trong đại hồng thủy ở Quảng Bình: Chừ mới được cho cơm, mì gói mà nhai. Chừ tôi trắng tay - Ảnh 1.

Người phụ nữ ở "rốn lũ" xã Liên Thủy dỡ ngói để xin hàng cứu trợ. Ảnh: Ngọc Oai/Sài Gòn giải phóng

Cùng cực trong đại hồng thủy ở Quảng Bình: Chừ mới được cho cơm, mì gói mà nhai. Chừ tôi trắng tay - Ảnh 2.

Lũ lụt ở Quảng Bình. Ảnh: Tiền phong

 

Ở cùng xã chị Diệu, anh Trương Văn Bảo chia sẻ, tài sản duy nhất gia đình còn sót lại là chiếc xuồng nhỏ, trong nhà đồ đạc không còn gì. Lên địa điểm tránh lũ được 5 ngày, anh có gì ăn nấy.

Ông Phạm Văn Hiệu (Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã An Thủy) chia sẻ trên báo Quân đội nhân dân, lũ về trong đêm nên rất dữ dội. Đỉnh lũ quá cao khiến cả người dân và chính quyền xã trở tay không kịp. Trận đại hồng thủy này khiến người dân xã An Thủy gần như mất trắng tài sản, nguy cơ tái nghèo vùng lũ là thấy rõ.

Tại xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), hai thôn Cồn Nâm, Tân Định bị thiệt hại nặng nề. Theo thuật lại của PV Ngọc Dương/báo Thanh niên online, hộ bà Hoàng Thị Sâm (thôn Tân Định, xã Quảng Minh) vay hơn 120 triệu đồng đầu tư lồng cá từ tháng 10/2019, nay lũ "cướp hết", chỉ còn tay trắng với số nợ lớn gánh trên vai.

Còn hộ bà Lê Thị Tý (57 tuổi, ở thôn Tân Định, xã Quảng Minh) nuôi 3.000 con cá chẽm nhưng đã bị lũ cuốn. Chiều hôm qua, bà Lý bần thần chở số ít cá còn thoi thóp đi bán rẻ cho người dân, kiếm vài đồng. Lũ cùng đẩy gia đình bà Hoàng Thị Thỷ và chị Trần Thị Lý vào cảnh điêu đứng.

Trong bức ảnh được VnExpress đăng tải, anh Bùi Tấn Trọng (44 tuổi, TP Đồng Hới, Quảng Bình) thất thần ngồi trên ghe. Theo nguồn này, chiếc ghe anh Trọng thuê 3 triệu để về khu nhà ngập nước ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới. Mưa lũ làm nhà anh bị sập, gần như toàn bộ tài sản, vật nuôi bị cuốn trôi. Anh chỉ vớt vát được 4 con bò, khoảng 30 con gà, ba con chó và một bó rơm khô.

Quảng Bình trích ngân sách hỗ trợ khẩn người dân

Theo ghi nhận của báo Quảng Bình, tại cuộc họp về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ hôm nay, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng yêu cầu dồn tất cả nguồn lực của tỉnh để tập trung cứu hộ cứu nạn.

Để giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, tỉnh Quảng Bình trích từ nguồn ngân sách hỗ trợ khẩn cấp 1 gia đình bị ngập lũ 1 triệu đồng, với khoảng 100.000 hộ trong toàn tỉnh, tổng số tiền hỗ trợ là 100 tỷ đồng.

Việc phân bổ phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng, các hiện tượng trục lợi phải xử lý nghiêm khắc. UBND tỉnh tập trung khắc phục hệ thống giao thông bị hư hỏng, nhất là các tuyến huyết mạch, nhanh chóng nối lại giao thông trong nội bộ tỉnh và kết nối với các địa phương.

(Tổng hợp)

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/cung-cuc-trong-dai-hong-thuy-o-quang-binh-chu-moi-duoc-cho-com-mi-goi-ma-nhai-chu-toi-trang-tay-162202210154051573.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang