Khủng hoảng oxy y tế tấn công cả nước Mỹ
Khi biến thể Delta lan rộng và số ca nhập viện do mắc COVID-19 không ngừng tăng lên, các bệnh viện ở miền Nam nước Mỹ đang đối mặt với sự cạn kiệt nguồn cung oxy y tế.
Nhiều bệnh viện ở các bang như Florida, South Carolina, Texas và Louisiana đang phải vật lộn với tình trạng khan hiếm oxy. Một số bệnh viện có nguồn cung cấp oxy dự trữ sắp hết, theo CNN.
Bà Donna Cross, Giám đốc Công ty Cải thiện và Chăm sóc y tế Premier cho biết: "Thông thường, một bình oxy sẽ đầy khoảng 90% và sẽ được bơm đầy ngay khi xuống mức còn 30 - 40% trong bình, đủ cho bệnh nhân có lượng oxy dự trữ kéo dài thêm từ 3 đến 5 ngày. Thế nhưng giờ đây, các bệnh viện đang phải cho bệnh nhân dùng oxy xuống tới tận mức 10-20%, nghĩa là chỉ đảm bảo được thêm 1 hoặc 2 ngày, trước khi chúng cạn kiệt. Ngay cả khi bình oxy được bơm đầy trở lại, lượng được bơm này cũng chỉ chiếm một phần khoảng 50% bình oxy." Bà Cross nói: "Đây là một tình huống rất nguy cấp".
Bên trong một Phòng chăm sóc tích cực tại Naples, Florida, Mỹ. (Ảnh: CNN)
Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại Mỹ tăng cao trở lại là do nhiều người vẫn không chịu đi tiêm vắc xin, trong khi biến thể Delta nguy hiểm hoành hành. Bác sĩ Ahmed Elhaddad thuộc đơn vị chăm sóc tích cực tại Florida cho biết: "Chúng tôi đang thấy bệnh nhân tử vong nhanh hơn với biến thể Delta này. Lần này, chúng tôi thấy những bệnh nhân trẻ hơn, khoảng 30, 40, 50 tuổi và họ thiếu oxy rồi chết dần. Ở làn sóng dịch lần này, bệnh nhân tử vong nhanh hơn".
Tại Vịnh Tampa ở Florida, Mỹ người dân thậm chí còn được yêu cầu cắt giảm sử dụng nước sinh hoạt để tiết kiệm nguồn cung oxy để cung cấp cho hệ thống y tế. Nguyên nhân là vì oxy thường được sử dụng để làm sạch nguồn cung cấp nước. Giờ đây oxy cần được ưu tiên chuyển đến các bệnh viện.
Điển hình, công ty nước Tampa Bay Water của Florida có nguồn cung oxy đã bị giảm đi khoảng một nửa. Công ty này đã phải yêu cầu khách hàng mua nước cắt giảm việc tưới cây, rửa xe và các hoạt động khác. Công ty Space Exploration Technologies, nhà sản xuất hàng không vũ trụ của Elon Musk được gọi là SpaceX cũng cho biết có thể trì hoãn các vụ phóng tên lửa do thiếu oxy lỏng.
Chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của chính phủ, Tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết Mỹ có thể chứng kiến thêm 100.000 ca tử vong do COVID-19 vào tháng 12 tới, dựa trên dự đoán của một mô hình được Đại học Washington đưa ra. Ông Fauci chỉ ra rằng có tới 80 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm vắc xin COVID-19 nhưng chưa tiêm chủng. Tại các bang miền Nam như Florida, South Carolina, Louisiana và Texas - nơi nguồn cung cấp oxy đang cạn kiệt, chỉ khoảng 50% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Tình trạng thiếu oxy khi mắc COVID-19 nguy hiểm đến mức nào?
Độ bão hòa oxy tối ưu cho máu là trên 92% và một khi nó giảm xuống dưới 90%, người bệnh cần thở oxy ngay lập tức, theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Một khi độ bão hòa oxy của con người xuống dưới 90%, họ thường sẽ bắt đầu cảm thấy khó thở, khi đó sẽ rất dễ dàng để biết họ cần thở oxy. Nhưng điều này không đơn giản với COVID-19. Dường như căn bệnh này đã "chơi khăm" những người bệnh.
Với COVID-19, nhiều người bệnh đến bệnh viện với các triệu chứng như ho, mệt mỏi và sốt, nhưng họ không hề biết nồng độ oxy trong máu của họ đã giảm mạnh. Họ có thể đã cần được bổ sung oxy từ rất lâu trước khi đến bệnh viện, nhưng do cơ chế hoạt động của COVID-19, một số người còn không nhận ra rằng họ đang khó thở.
Bà Nona Sotoodehnia, bác sĩ tim mạch của Đại học Y khoa Washington, Mỹ cho biết: “Nếu bạn đến bệnh viện với độ bão hòa oxy thấp nghiêm trọng còn có 70%, bạn đã bỏ lỡ cơ hội lớn để được điều trị cứu sống". Bà cho biết thêm: "Điều đáng ngạc nhiên ở COVID-19 là mọi người không khó chịu với lượng oxy thấp đến mức nghiêm trọng mà họ có. Đó là điểm khác biệt chính giữa COVID-19 và các bệnh lý phổi khác".
Những nước nào đã đối mặt với khủng hoảng oxy y tế?
Trước đó, vào năm ngoái và đầu năm nay, Ấn Độ là nước phải trải qua tình trạng khan hiếm oxy y tế trầm trọng, khi làn sóng COVID-19 bùng phát tại nước này. Oxy y tế không đến được giường bệnh kịp thời đã cướp đi mạng sống của nhiều người dân Ấn Độ. Đây là những cái chết hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu như có oxy.
Có một số nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển oxy tại Ấn Độ - bao gồm vị trí của các đơn vị sản xuất, mạng lưới phân phối trải dài. Ví dụ như, để đáp ứng nhu cầu oxy y tế của thủ đô New Delhi, oxy y tế phải được vận chuyển từ tận các khu công nghiệp ở miền Đông Ấn Độ. Các cơ sở cung cấp oxy cho New Delhi trải rộng khắp bảy bang, cách xa hơn 1.000 km, dẫn đến tình trạng không kịp thời vận chuyển, trong khi nhu cầu không ngừng tăng.
Một người phụ nữ tử vong bên ngoài Bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash Narayan của Ấn Độ do thiếu oxy. (Ảnh: Reuters)
Đầu năm nay, Manaus, thành phố lớn nhất của bang Amazonas của Brazil, cũng rơi vào tình trạng cạn kiệt oxy y tế. Ngay cả Sao Paulo, thành phố có kinh tế phát triển nhất Brazil, cũng thiếu hụt oxy.
Mexico, Peru, Nigeria, Nam Phi và một số nước châu Á như Indonesia, Myanmar đều đã rơi vào tình trạng tương tự khi biến thể Delta bùng phát tại những nước này.
Người dân chờ đợi 10 tiếng đồng hồ để được nạp bình oxy y tế tại một cửa hàng ở Callao, Peru. (Ảnh: AP)
Tại sao việc cung cấp oxy bị chậm trễ?
Nguyên nhân lớn nhất vẫn là do số ca mắc COVID-19 gây ra bởi biến thể Delta gia tăng quá nhanh khiến việc vận chuyển và cung cấp oxy y tế không diễn ra kịp thời.
Ngoài ra, với đặc tính của mình, tất cả oxy lỏng phải được vận chuyển trong một số lượng hạn chế các xe chở chuyên dụng, yêu cầu phải có kế hoạch trước để đảm bảo việc giao hàng được thực hiện đúng thời hạn. Ngoài ra, tại nhiều nước, điển hình là Ấn Độ, xảy ra tình trạng các địa phương làm gián đoạn hoạt động vận chuyển oxy của các xe chở nhằm tìm kiếm nguồn cung cho chính họ.
Một xe chuyên dụng được nạp đầy oxy cho các bệnh viện và cơ sở y tế ở Bengaluru, Ấn Độ. (Ảnh: AFP)
Cuộc khủng hoảng oxy y tế có thể được giải quyết như thế nào?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 1,6 tỷ USD cần được huy động để giải quyết tình trạng thiếu oxy trên toàn cầu nhằm cứu sống những người mắc COVID-19 ở các nước nghèo hơn. WHO cũng đã cho ra mắt Lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp về oxy y tế vào tháng 2 vừa qua. Các đối tác của Lực lượng đặc nhiệm này sẽ làm việc cùng nhau để tính toán nhu cầu oxy, đàm phán với các đối tác tài trợ, đảm bảo nguồn cung cấp oxy và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại các nước đã trải qua tình trạng thiếu oxy y tế như Ấn Độ, Indonesia, một giải pháp trước mắt đó là nhập khẩu hoặc nhận hỗ trợ oxy từ nước ngoài. Ví dụ, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Air Liquide SA của Pháp đã chuyển nguồn oxy từ các khách hàng công nghiệp của mình sang các bệnh viện của Ấn Độ. Ấn Độ cũng nhập 23 nhà máy sản xuất oxy di động từ Đức. Mỗi nhà máy sẽ có thể sản xuất 2.400 lít oxy mỗi giờ. Indonesia thì nhập khẩu nguồn cung cấp oxy từ các nước như Mỹ và Trung Quốc.
Một số giải pháp khác là xây dựng thêm các nhà máy sản xuất oxy, hoặc chuyển đổi nguồn cung oxy từ các ngành công nghiệp khác sang cho hệ thống y tế.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.